Giáo viên dạy trẻ làm hoa
Vì học sinh thân yêu
Đến với nghề giáo viên mầm non, có lẽ đây là một cái "duyên" nhiều hơn là sự lựa chọn, nhưng nhờ cái "duyên" ấy mà cô Nguyễn Thị Tuyết Nhung, giáo viên Trường Mầm non Mỹ Bình (huyện Đức Huệ) có cơ hội tiếp xúc với nhiều trẻ con và tìm thấy niềm vui trong công việc.
Gần 10 năm gắn bó với nghề, những khó khăn, vất vả cô Nhung trải qua không ít. Đặc biệt thời điểm mới vào nghề, cô bỡ ngỡ trước lý thuyết và thực tế giảng dạy. Bản thân chưa có kinh nghiệm nhưng ở lớp học mỗi trẻ lại có một tính cách khác biệt và luôn muốn thể hiện. Do đó, cô Nhung phải tìm hiểu từng trẻ, trao đổi với phụ huynh về đặc điểm, tính cách của trẻ. Khi hiểu trẻ, cô áp dụng phương pháp dạy phù hợp và giải thích cụ thể để các em tập trung thực hiện các nhiệm vụ được giao.
Ngoài ra, cô Nhung còn tự trang trí lớp học và xây dựng các góc phát triển kỹ năng cho trẻ và đặc biệt tự làm đồ dùng dạy học. Những đồ dùng dạy học được cô Nhung đặt cả tâm huyết và làm hàng ngày nhằm phục vụ cho từng nội dung, chủ đề dạy học. Các đồ dùng trang trí, đồ dùng dạy học không chỉ đẹp mắt mà còn phải bảo đảm tiêu chí an toàn, ít tốn kém. "Có những lúc làm đồ dùng xong rồi nhưng thấy chưa đạt lại bắt tay làm lại đến khi nào ưng ý mới thôi. Ngoài ra, tôi còn chuẩn bị bài, soạn bài theo giáo án điện tử. Mặc dù về nhà nhưng thời gian dành cho công việc lại chiếm rất nhiều, có đôi lúc không lo xuể việc nhà"- cô Nhung bộc bạch.
Giáo viên mầm non vất vả, khó nhọc là thế nhưng nó càng khó khăn hơn với những cô giáo dạy tại vùng sâu, biên giới, điều kiện đường sá khó khăn… Và, không biết đã bao nhiêu mùa mưa, cô Nhung phải dắt bộ xe vì đường lầy lội. Có những khi té ngã vì những vũng nước sâu, xe kẹt cứng vì đất sét hay đường trơn không thể chạy xe được,... Vậy mà cô Nhung vẫn tự dặn lòng: Vì những học sinh thân yêu phải vượt qua khó khăn, không được nản lòng. "Càng gặp những lúc khó khăn như vậy khi vượt qua được tôi càng yêu nghề, yêu trẻ hơn. Với tôi, mỗi ngày đến trường, được dạy và tiếp xúc với trẻ là một niềm vui không thể diễn tả hết bằng lời"- cô Nhung tâm sự.
Giáo viên hướng dẫn trẻ tập tô màu
Người mẹ thứ hai
Đó là cách gọi thân thương khi nhắc về cô Phan Thị Thanh Trúc, giáo viên Trường Mầm non 1/6, TP.Tân An. Hơn 30 năm gắn bó với nghề, cô Trúc vẫn luôn là người mẹ của bao lớp trẻ mầm non. Cô vẫn vẹn nguyên lòng yêu nghề, sự quan tâm, chăm sóc trẻ như thuở nào. Và những khó khăn, vất vả của nghề đã không còn là vật cản với cô Trúc.
Hiện đang đảm trách nhóm trẻ với lứa tuổi trẻ từ 24 - 36 tháng. Đây là lớp đòi hỏi người giáo viên phải kiên nhẫn và có phương pháp chăm sóc, giáo dục hiệu quả. Ngay từ đầu năm học, cô Trúc rèn luyện các kỹ năng cơ bản cho trẻ, giúp trẻ tự phục vụ những việc đơn giản. Trong đó, cô Trúc chú trọng dạy trẻ biết lễ phép, biết tự ăn, tự vệ sinh,... tập dần tính tự lập cho trẻ. "Để dạy trẻ các kỹ năng, trước hết người giáo viên cần tạo sự gần gũi, nói chuyện với trẻ mọi lúc, mọi nơi. Thông qua các câu chuyện, lồng ghép giáo dục trẻ. Ngoài ra, tôi còn kết hợp với gia đình trong việc chăm sóc, giáo dục trẻ. Nhờ vậy, trẻ ngày càng phát triển tốt hơn"- cô Trúc chia sẻ.
Thời gian trẻ ở trường, tiếp xúc với giáo viên có thể nói nhiều hơn cha mẹ. Do đó, cô Trúc luôn ý thức được rằng, mình đóng vai trò quan trọng trong việc nuôi dạy trẻ. Cô luôn xem trẻ như những đứa con của mình. Những trẻ có biểu hiện bất thường luôn được cô hỏi thăm, tâm sự và giải thích giúp trẻ hiểu được vấn đề. "Chăm sóc trẻ không chỉ xuất phát từ trách nhiệm của một người giáo viên mà phải bằng tấm lòng của một người mẹ, được như vậy trẻ sẽ đón nhận và vâng lời hơn. Đó cũng là nội dung mà tôi thường hay nhắc nhở các đồng nghiệp mới ra trường. Và khi thực sự yêu trẻ, muốn chăm sóc trẻ hàng ngày thì những khó khăn, vất vả của nghề đều có thể vượt qua" - cô Trúc tâm sự.
Tuy là nghề vất vả và có nhiều khó khăn nhưng niềm vui mang lại cũng không ít. Đó là ngày ngày được chơi đùa và dạy trẻ biết thêm bao điều mới lạ xung quanh ta cũng như phát triển đầy đủ các kỹ năng. Và nhận lại sự yêu thương, sẻ chia của trẻ mỗi khi lên lớp./.
Ngọc Thạch