Tiếng Việt | English

05/08/2021 - 09:22

Thông “luồng xanh” cho nông sản

Dịch bệnh diễn biến phức tạp, nông sản khó tiêu thụ, trong khi đó, tại các điểm bán nguồn cung thiếu. Trước tình hình đó, chính quyền các địa phương cố gắng tạo điều kiện tốt nhất cho nông sản có "luồng xanh" để tiêu thụ.

Phân chia sản phẩm nông sản để giao hàng cho người dùng thông qua “shipper đặc biệt”

Cách đây hơn tuần, anh Nguyễn Văn Kia Ri (ấp Nhơn Trị, xã Nhơn Thạnh Trung, TP.Tân An) phải cầu cứu Hội Nông dân TP.Tân An giúp anh cách tiêu thụ 5 tấn bưởi da xanh đang vào đợt chín rộ. Anh Kia Ri chia sẻ: “Bưởi chín có thể neo trên cây từ 7-15 ngày nhưng để lâu hơn nữa sẽ ảnh hưởng đến chất lượng trái. Bán ở thời điểm này tuy rẻ nhưng bán được còn hơn không”.

Trước đây, anh Kia Ri bán bưởi qua thương lái, công nhân khu chợ Thuận Đạo và người thân quen. Nhưng kể từ khi dịch Covid-19 xảy ra, công nhân, người dân,… đều giảm thu nhập nên việc bán buôn trở nên khó khăn hơn. Đồng thời, việc hạn chế di chuyển từ nơi này sang nơi khác cũng khiến anh Kia Ri không thể giao bưởi khi người mua có nhu cầu.

Trước những khó khăn của anh Kia Ri, Hội Nông dân TP.Tân An nhanh chóng báo về lãnh đạo TP.Tân An tạo mọi điều kiện tốt nhất để tiêu thụ bưởi. Anh Kia Ri được ngành Y tế tạo điều kiện thuận lợi test nhanh kháng nguyên Covid-19. Sau đó, anh tiếp tục được tạo điều kiện để giao bưởi đến nhà dân trong khu vực TP.Tân An. Chỉ hơn 1 tuần, anh Kia Ri bán được trên 3 tấn bưởi.

Anh cho biết: “Bưởi tôi trồng theo hướng hữu cơ nên chất lượng trái ngon. Giá bưởi bán ra chỉ bằng 2/3 so với thời điểm dịch bệnh chưa diễn biến phức tạp”. Tuy vậy, nguồn thu từ bán bưởi giúp anh lấy lại được vốn đầu tư như phân bón, thuốc trừ dịch bệnh,... Nếu không được tạo điều kiện bán bưởi, anh sẽ không có nguồn vốn để tái đầu tư.

Tương tự, chị Nguyễn Thị Loan (ấp Ngãi Lợi B, xã Lợi Bình Nhơn, TP.Tân An) xuống giống 1ha dưa gang. Chị Loan cho rằng, những mùa vụ trước, nông dân trong ấp trồng dưa gang đều trúng mùa, được giá nhưng đến khi vụ dưa nhà chị trồng chuẩn bị thu hoạch thì dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, toàn dân thực hiện giãn cách xã hội, hạn chế đi lại. Những ngày bước vào vụ thu hoạch, cả gia đình chị "đứng ngồi không yên" bởi thương lái đều từ chối mua khoảng 20 tấn dưa sắp thu hoạch. Tuy nhiên, nhờ sự hỗ trợ của UBND xã Lợi Bình Nhơn, Hội Nông dân TP.Tân An, dưa gang được kết nối với người mua trong và ngoài phạm vi thành phố.

Thông “luồng xanh” cho nông sản. Ảnh: Gia Hân

Chị Loan nói: “Gia đình tôi tưởng chừng như không thể bán dưa nhưng nhờ sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, dưa được thu hoạch và bán thông qua Hội Nông dân, Hội Phụ nữ các xã, phường. Tuy giá bán ra rẻ hơn so với thời điểm trước nhưng được bán ra, lấy lại một phần vốn đầu tư ban đầu là mừng rồi”. Tuy được “thông thương” nhưng theo chị Loan, số dưa trên ruộng vẫn chưa thể tiêu thụ hết do sức mua trong dân kém. Chị Loan mong muốn được bán hết số dưa còn tại ruộng trên 1 tấn.

Những ngày qua, trụ sở Hội Nông dân TP.Tân An luôn nhộn nhịp, nhất là những ngày cao điểm cho việc cân, chia nông sản để bán ra cho người dân. Đại diện Hội Nông dân TP.Tân An cho rằng, mọi người đều vất vả nhưng bù lại có nhiều niềm vui. Niềm vui lớn nhất của Hội trong những ngày này là giúp nông dân tiêu thụ được nông sản, tránh tình trạng nơi thừa, nơi thiếu.

Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, ngụ phường 4, TP.Tân An, chia sẻ, gia đình bà buôn bán, bận rộn cả ngày nên không có thời gian mua thực phẩm để dành, nhất là rau, củ, quả, thịt. Những ngày đầu chính quyền tỉnh áp dụng biện pháp tạm dừng chợ truyền thống, cửa hàng tiện ích đông người vào mua. Chính vì sợ lây nhiễm bệnh Covid-19, bà Ngọc đành sử dụng một ít loại rau, củ còn lại trong nhà.

Tuy nhiên, khi được phường thông báo TP.Tân An có chủ trương cho đội ngũ “shipper đặc biệt” (gồm Khối Dân vận, UBMTTQ và tổ chức chính trị - xã hội ở phường) giao hàng tận nhà thông qua gọi điện đặt hàng nên bà đỡ lo lắng. Qua tham khảo giá, bà Ngọc cho rằng giá cả rất bình ổn và sẽ thực hiện mua hàng qua dịch vụ này để đỡ phải ra đường, tiếp xúc với người lạ và tránh lây nhiễm dịch bệnh.

Theo thông tin từ Hội Nông dân TP.Tân An, hàng hóa được Hội phối hợp các đơn vị khác thực hiện bán ra cho người dân rất đa dạng gồm thịt heo, trứng, rau, củ, quả các loại,... Sau 4 đợt bán (2 tuần) có hơn 8.200kg rau, củ, quả được bán cho người dân. Hầu hết sản phẩm đều được mua trực tiếp từ nông dân bị đứt gãy chuỗi cung ứng do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Hàng hóa được phân chia theo đơn đặt hàng, giao cho đội ngũ “shipper đặc biệt”. Giá của sản phẩm được bán ra thấp hơn so với giá bán tại các cửa hàng tiện ích do không qua trung gian. Đồng thời, rau, củ rất tươi ngon do từ khi thu hoạch đến tay người dùng nhanh chóng.

Trong những ngày giãn cách xã hội, Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Mỹ Thạnh (huyện Thủ Thừa) nâng công suất sơ chế, cung cấp rau, quả với số lượng trung bình đến 20 tấn/ngày. Giám đốc HTX - Nguyễn Quốc Cường cho biết, đầu ra của các sản phẩm rau, quả không thiếu, vẫn được bảo đảm theo các mối hàng sẵn có trước đây của HTX. Những ngày đầu thực hiện giãn cách, HTX khó khăn vấn đề vận chuyển, lưu thông đến điểm tiêu thụ tại các tỉnh, TP.HCM. Những ngày gần đây, HTX được cấp mã QR cho xe vận chuyển hàng hóa đi vào "luồng xanh", giảm bớt khó khăn trong vận chuyển rau, quả. Tuy nhiên, HTX mong muốn tất cả xe mà HTX có được cấp mã QR để thuận lợi hơn./.

Gia Hân

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích