Tiếng Việt | English

16/10/2023 - 11:39

Thử sức với chuối sáp nghệ

Từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, giá nhiều mặt hàng nông sản giảm, thanh long cũng nằm trong số đó. Nhận thấy trồng thanh long không mang lại hiệu quả kinh tế như trước, anh Nguyễn Anh Kiệt (ấp Bình Điện, xã Bình Tịnh, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An) quyết định chuyển sang trồng chuối sáp nghệ.

Vườn chuối hơn 1 năm tuổi của anh Nguyễn Anh Kiệt

Theo anh Kiệt, từ khi xảy ra đại dịch Covid-19, vườn thanh long trên 500 gốc của anh mỗi năm lỗ từ 50 - 70 triệu đồng, trong khi đây lại là nguồn thu nhập chính cho cả gia đình. Trước tình cảnh này, anh quyết định cải tạo đất, chuyển sang trồng chuối sáp nghệ. “Ban đầu, khi mọi người xung quanh nghe nói phá thanh long trồng chuối sáp nghệ, ai cũng can ngăn vì nghĩ loại cây trồng này không mang lại hiệu quả kinh tế cao” - anh Kiệt kể lại.

Tháng 8/2022, trong một chuyến đi Tiền Giang, biết đến loại chuối sáp nghệ nên anh mua thử 100 cây giống về trồng (30.000 đồng/cây). Sau vụ thu hoạch đầu tiên, thấy hiệu quả, anh trồng thêm 150 cây. “Trồng loại chuối này chỉ từ 8 - 9 tháng là có thể thu hoạch, sau đó chặt hạ cây cũ, cây con sẽ mọc thay thế”- anh Kiệt cho biết.

Chuối sáp có 2 loại là chuối sáp trắng và chuối sáp nghệ. Trong đó, chuối sáp nghệ được người dùng đánh giá là dẻo, ngọt và ngon hơn chuối trắng. Bên cạnh đó, chuối sáp nghệ có hàm lượng dinh dưỡng cao, tốt cho dạ dày, giảm nguy cơ thiếu máu, đặc biệt tốt cho người mang thai. Theo anh Kiệt, hiện nếu bán chuối sống thông thường sẽ khoảng 15.000 đồng/kg, chuối nấu sẵn khoảng 30.000 đồng/kg. Anh Kiệt nói: “Chuối sống bán ngoài chợ hoặc ở các vựa trái cây, còn chuối nấu thì bán trên các trang mạng. Chuối sáp nghệ nấu ăn rất ngon, có mùi thơm đặc trưng, vừa dẻo vừa có vị ngọt thanh, để được 2 - 3 ngày nên được nhiều người tìm mua”.

Chuối sáp nghệ không khó trồng, có khả năng chống chịu rất tốt với thời tiết, ít sâu, bệnh, không tốn nhiều công chăm sóc mà vẫn tươi tốt quanh năm. Theo anh Kiệt, trồng loại chuối này chỉ thỉnh thoảng bón phân. Ngoài bán trái, trên cây chuối hầu như bộ phận nào cũng tận dụng được. Bắp chuối có thể dùng để trộn gỏi, nấu canh chua; lá chuối để gói bánh và còn có thể bán cây giống.

Hiện nay, mỗi năm trừ các khoản chi phí, anh Kiệt có lợi nhuận trên 200 triệu đồng (khoảng 0,5ha với 250 cây chuối). Đây là kết quả cho sự cố gắng của người nông dân trẻ và cũng là mô hình kinh tế để nông dân khác có thể tham khảo trong chuyển đổi từ cây trồng có giá trị thấp sang loại cây có giá trị cao hơn, giúp tăng thu nhập./.

Khánh Duy 

Chia sẻ bài viết