Tết Cổ truyền của dân tộc là ngày hội lớn của đất nước, là dịp đoàn viên. Trước tết, nhiều người ở các đô thị lớn, khu công nghiệp hối hả về quê nhà để kịp sum vầy cùng gia đình trong những ngày đầu năm mới. Đây chính là nét đẹp của truyền thống văn hóa, tinh hoa của ngày tết được lưu giữ từ đời này sang đời khác, cần được giữ gìn,...
Sau những ngày nghỉ tết ý nghĩa, mang theo nguồn năng lượng mới, những dòng người lại đổ về các thành phố, khu, cụm công nghiệp để tiếp tục làm việc, mưu sinh. Lúc này lại là quãng thời gian dành cho bạn bè, đồng nghiệp, cùng nhau “ăn tết muộn”, du xuân, tham gia các lễ hội,... do vậy, kéo theo đó là việc lơ là nhiệm vụ, ăn tết kéo dài gây lãng phí thời gian.
Trước tình hình đó, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 09/CĐ-TTg về việc bảo đảm thực hiện nếp sống văn minh, an toàn, tiết kiệm trong các hoạt động lễ hội sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ và lễ hội Xuân năm 2025.
Trên địa bàn tỉnh Long An, có 2 lễ hội được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia là Lễ hội Làm Chay và Vía Bà Ngũ hành (được tổ chức trong tháng Giêng) thu hút nhiều người trong và ngoài tỉnh tham gia.
Nhằm thực hiện đúng tinh thần Công điện của Thủ tướng Chính phủ về việc bảo đảm thực hiện nếp sống văn minh, an toàn, tiết kiệm trong các hoạt động lễ hội sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ và lễ hội Xuân năm 2025, UBND tỉnh có văn bản chỉ đạo thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố yêu cầu thực hiện nghiêm các quy định liên quan đến các hoạt động lễ hội sau tết và lễ hội Xuân năm 2025.
UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành và người đứng đầu chính quyền các địa phương phải quán triệt, chỉ đạo cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thực hiện nghiêm kỷ cương hành chính, kỷ luật lao động, không tổ chức du xuân, chúc tết trong giờ làm việc, làm ảnh hưởng đến thời gian, tiến độ giải quyết công việc. Tuyệt đối không đi lễ hội trong giờ hành chính, không sử dụng xe công đi lễ hội (trừ trường hợp thực thi nhiệm vụ). Lưu ý, không sử dụng ngân sách nhà nước, phương tiện, tài sản công trái quy định cho hoạt động lễ hội.
Riêng lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các huyện, thị xã, thành phố không tham dự lễ hội nếu không được cấp có thẩm quyền phân công.
Để lễ hội diễn ra an toàn, văn minh, lãnh đạo UBND tỉnh cũng chỉ đạo các lực lượng chức năng sắp xếp, phân luồng, bảo đảm an ninh, an toàn, trật tự giao thông tại khu vực và trong thời gian diễn ra các lễ hội.
Đặc biệt, UBND tỉnh yêu cầu Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai, thực hiện nghiêm các quy định của Chính phủ quy định về quản lý và tổ chức lễ hội và tuyệt đối không tổ chức các lễ hội tràn lan, lãng phí.
Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, địa phương, nhân dân và khách du lịch, đặc biệt là đối với cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên phải thực hiện nghiêm túc các quy định pháp luật về tổ chức và tham dự lễ hội; tuyệt đối không tổ chức và tham dự các lễ hội tràn lan, lãng phí, nhất là lợi dụng để tác động, hoạt động mê tín dị đoan,...
Ngành Văn hóa phải tăng cường công tác thanh, kiểm tra, giám sát, kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động lễ hội để trục lợi, tác động tiêu cực, nhất là tại các địa phương diễn ra nhiều hoạt động lễ hội, thu hút đông đảo nhân dân tham dự.
UBND tỉnh giao nhiệm vụ cho Sở Nội vụ phối hợp các sở, ban, ngành, đoàn thể, các đơn vị liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hướng dẫn các tổ chức tôn giáo, cơ sở tín ngưỡng thực hiện tốt các quy định của pháp luật, tổ chức các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, nhất là trong dịp lễ hội Xuân năm 2025, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn, tiết kiệm, phù hợp với nếp sống văn minh, truyền thống văn hóa của dân tộc và phong tục, tập quán tốt đẹp của từng địa phương.
Công an tỉnh tăng cường chỉ đạo công tác bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phòng, chống cháy, nổ, tệ nạn xã hội tại các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo và các địa điểm tổ chức lễ hội.
Chính quyền các địa phương yêu cầu các cơ sở kinh doanh, dịch vụ, các hộ kinh doanh bảo đảm đầy đủ các điều kiện về an toàn vệ sinh thực phẩm, an ninh an toàn, phòng, chống cháy, nổ; phải niêm yết công khai và bán đúng giá niêm yết, không chèo kéo và ép giá, ép du khách mua hàng tại các điểm du lịch, lễ hội, bảo đảm chất lượng hàng hóa, dịch vụ, xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng di tích, lễ hội, tín ngưỡng để trục lợi, hoạt động mê tín dị đoan, cờ bạc,...
Phát huy vai trò giám sát, UBND tỉnh đề nghị các tầng lớp nhân dân, nhất là cán bộ, đảng viên tham gia theo dõi, đôn đốc triển khai và phản ánh kịp thời cho các cơ quan chính quyền gần nhất, các cơ quan báo chí về những hoạt động không đúng quy định của Đảng và Nhà nước của các cá nhân, tập thể để xử lý kịp thời, hiệu quả.
Tất cả đều hướng tới việc thực hiện nếp sống văn minh, an toàn, tiết kiệm trong các hoạt động lễ hội sau tết và lễ hội Xuân năm 2025 để gìn giữ, phát huy truyền thống văn hóa, tín ngưỡng!/.
Tân An