Nhận tin thầy ra đi vào một chiều mưa tầm tã, giữa lúc dịch Covid-19 đang hoành hành nên con không về tiễn thầy lần cuối. Chưa lúc nào TP.HCM - Long An lại xa đến thế. Trên đây, nhiều nơi bị phong tỏa vì dịch bệnh, muốn về Long An phải có giấy test âm tính và phải thực hiện cách ly theo quy định nên dẫu rất muốn về bên thầy lần cuối con cũng đành ngậm ngùi tiễn thầy nơi xa.
Hôm tết, chúng con có dịp về thăm thầy. Thầy đã không còn minh mẫn như trước nhưng khi nhắc đến ngôi trường cũ và đám học trò vùng quê, thầy cười hồn hậu. Có lẽ đó là những ký ức đẹp nhất của thầy giáo già nơi biên giới. Ngày đó, việc đi lại còn khó khăn, từ Tân An muốn đến Vĩnh Hưng phải ngồi tàu khách cả ngày. Quốc lộ 62 ngày đó là con đường duy nhất nối Đồng Tháp Mười với các huyện phía Nam, đường đá đỏ, bụi mịt mù, mỗi ngày chỉ có 1 chuyến xe đò nhưng đâu phải lúc nào cũng đón được xe nên nhiều người vẫn chọn tàu khách làm phương tiện di chuyển. Và thầy tôi cũng thế! Nhớ ngày đầu gặp thầy, cảm giác nôn nao, khó tả lắm. Nghe thông báo có thầy giáo trẻ về nhận nhiệm sở ở trường xã, thầy cô và vài người dân trong xóm bơi xuồng ra huyện đón. Đón thầy từ chiếc tàu khách, phải chèo xuồng hơn 1 tiếng đồng hồ nữa mới đến được trường. Đám học trò miền quê nhao nhao đứng đợi sẵn.
Thấy thầy đến, tụi nhỏ reo mừng: “Thầy giáo, thầy giáo đến rồi!”. Bất ngờ và xúc động, thầy vuốt tóc từng đứa trẻ mới vừa biết mặt mà dường như đã thân quen từ thuở nào. Buổi đầu gặp gỡ chỉ bấy nhiêu thôi nhưng để lại trong lòng đám trò nhỏ vùng biên những ấn tượng sâu sắc về thầy. Có đứa ngưỡng mộ làn da trắng và nét “công tử” của người thành thị, có đứa mê thích giọng nói trầm ấm của thầy… nhưng trên hết là tình cảm dành cho thầy giáo trẻ và sự mong mỏi được học lấy con chữ.
Về với vùng biên là về với những vất vả, khó khăn, thầy biết điều đó! Những bỡ ngỡ ban đầu rồi cũng qua nhanh, thầy yêu thương, lo lắng cho chúng tôi như người thân trong gia đình. Ngày đó, lương giáo viên “ba cọc ba đồng”, vậy mà có dịp ra chợ huyện hay về Tân An, thầy đều mua tặng chúng tôi những quyển tập, cây viết,... Thầy phát động phong trào thi đua giữa các tổ, cuối tuần, nếu tổ nào được xếp hạng nhất sẽ được tặng kẹo, bánh và bạn nào giỏi nhất tổ đó sẽ được tặng tập, sách và biểu dương trước lớp. Không chỉ tặng quà các bạn học giỏi, thầy còn dành phần thưởng cho những bạn có cố gắng trong học tập. Từ phong trào thi đua đó mà nhiều bạn nỗ lực hơn. Có những bạn lúc trước là học sinh cá biệt nhưng được thầy uốn nắn, dạy dỗ đã ngoan hơn và có tiến bộ trong học tập.
Kỳ nghỉ hè đầu tiên từ khi thầy về nhận nhiệm sở, chúng tôi buồn lắm. Không chỉ buồn vì 3 tháng hè dài đằng đẵng mà đứa nào cũng lo, năm sau biết thầy có quay lại không. Trước thầy cũng đã có nhiều thầy cô về nghỉ hè rồi không quay lại trường nữa bởi nơi đây còn khó khăn quá, ai cũng muốn tìm nơi có điều kiện thuận lợi hơn. Năm học mới bắt đầu khi lũ vừa rút, trường, lớp bề bộn, ngổn ngang và thầy đã kịp lên để phụ mọi người vệ sinh trường lớp. Chúng tôi òa khóc vì vui mừng và hạnh phúc. Thế là thầy không bỏ chúng tôi…
Thầy, người thầy dạy cấp hai nhưng luôn theo sát chúng tôi những năm phổ thông rồi đại học. Thầy luôn định hướng và cho chúng tôi những lời khuyên xác đáng. Với đám trò nhỏ ngày nào, thầy không chỉ là người thầy mà còn là người bạn thân thiết luôn chia sẻ với chúng tôi mọi điều trong cuộc sống
… Thầy ra đi sau hơn 2 năm bị căn bệnh quái ác hành hạ nhưng lúc nào thầy cũng lạc quan. Lúc tết gặp thầy, thầy động viên từng đứa phải cố gắng, nỗ lực trong cuộc sống, không được nản lòng khi gặp thất bại. Thầy ơi, ở nơi xa, con xin được thắp nén hương gửi đến thầy, mong thầy ra đi nhẹ nhàng, chúng con sẽ luôn nhớ đến thầy./.
Mai Khanh