Vang dội những chiến công
Tháng 7/1954, Hiệp định Giơ-ne-vơ về Đông Dương được ký kết, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kéo dài trong 9 năm của nhân dân ta kết thúc thắng lợi, phần lớn LLVT được chuyển quân, tập kết ra Bắc. Ở miền Nam, hầu hết không còn LLVT, không còn chính quyền cách mạng. Tại Long An và cả miền Nam, ta chủ trương duy trì hòa bình, kiên trì đấu tranh chính trị buộc địch phải nghiêm chỉnh thi hành hiệp định, tiến tới tổng tuyển cử thống nhất nhà nước vào tháng 7/1956. Tuy nhiên, lúc này, chính quyền Sài Gòn tay sai của Mỹ không ngừng khủng bố, đàn áp. Khi những đơn vị vũ trang cuối cùng xuống tàu tập kết cũng là lúc bọn lính Việt gian thực hiện việc lùng sục, bắt bớ cán bộ, đảng viên và những người kháng chiến cũ.
Cùng lúc này, chính quyền Ngô Đình Diệm tiến hành chính sách “tố cộng, diệt cộng” với những chiến dịch quân sự quy mô lớn, đẩy lực lượng cách mạng đứng trước nguy cơ sống còn. Trong cao trào Đồng khởi, ngày 17/6/1960, Đại đội Cơ động 1 - tiền thân của Tiểu đoàn 1 chính thức ra mắt tại Giồng Ông Tưởng (huyện Đức Huệ), đánh dấu bước phát triển mới của LLVT Long An. Ngay sau khi thành lập, đơn vị nhận lệnh đánh vận động tiêu diệt 1 Đại đội Bảo an ngụy thường ngày đi tuần từ Giồng Bún đến Tho Mo - Cốc Rinh. Trong trận này, Đại đội cơ động 1 tiêu diệt gần 100 tên địch, tạo tiếng vang lớn cho LLVT Long An.
Hàng năm, Tiểu đoàn 1 được giao nhiệm vụ huấn luyện khoảng 500 chiến sĩ mới
Từ năm 1962, Mỹ - ngụy thực hiện kế hoạch chiến tranh đặc biệt, tình hình chiến trường Nam bộ và Long An có những thay đổi lớn, ngụy quân được tăng cường quân số, chấn chỉnh tổ chức và hiện đại hóa vũ khí, trang thiết bị kỹ thuật. Lực lượng cố vấn Mỹ cũng được tăng cường đến cấp tiểu đoàn để trực tiếp huấn luyện các chiến thuật mới như “trực thăng vận”, “thiết xa vận” và xây dựng “ấp chiến lược” trên toàn miền Nam. Đến năm 1963, địch tăng cường lực lượng về Long An với Sư đoàn 25 tại Đức Hòa, 1 Trung đoàn của Sư 7 về lộ 4 - Bến Lức, 2 chiến đoàn thủy quân lục chiến về Cần Đước, Cần Giuộc cùng nhiều tàu chiến, xe tăng, xe bọc thép. Lúc này, quân số của Đại đội 1 được tăng cường khoảng 500 quân và bổ sung nhiều vũ khí mới từ miền Bắc đưa vào như súng trường K44, tiểu liên Thomson, DKZ 57 và 75, súng cối 61.
Tháng 11/1963, Đại đội 1 được lệnh đánh chiếm cứ điểm Hiệp Hòa vào đêm 22, rạng sáng ngày 23/11/1963. Hơn 30 phút chiến đấu, ta làm chủ hoàn toàn thế trận, tiêu diệt trên 150 tên, bắt sống trên 200 tên, thu 500 súng cùng nhiều đạn dược. Trận đánh này giúp Đại đội 1 trưởng thành cả về số lượng và khả năng chiến đấu. Ngày 21/01/1964, Tiểu đoàn 1 chính thức ra mắt tại kênh Hội Đồng Sầm, xã Bình Hòa Bắc, huyện Đức Huệ với khoảng hơn 500 cán bộ, chiến sĩ (CBCS) được biên chế thành 4 đại đội và các phân đội trực thuộc. 3 tháng sau ngày ra mắt, Tiểu đoàn 1 cùng Đại đội 2 độc lập của tỉnh diệt nhiều đồn, bót của địch tại Đức Hòa, Bến Lức. Tiêu biểu là trận tiêu diệt Tiểu đoàn 38 Biệt động quân, đánh bại 2 đại đội bảo an của địch tại đình Mương Trám (xã Thạnh Lợi, huyện Bến Lức) và căn cứ huấn luyện của địch tại Gò Đen, huyện Bến Lức, góp phần cùng bộ đội địa phương, du kích và nhân dân phá tan từng mảng ấp chiến lược của địch.
Năm 1968, Tiểu đoàn 1 còn trực tiếp 2 lần tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân và là một trong những mũi tiến công dũng mãnh, thực hiện những trận đánh lớn như trận cầu chữ Y, diệt hàng trăm tên địch. Với những chiến công xuất sắc, năm 1975, Tiểu đoàn 1 vinh dự là một trong những đơn vị có lực lượng tham gia trực tiếp vào Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Chiều ngày 30/4/1975, sau khi chiếm giữ Quân cảng Nhà Bè, Tiểu đoàn 1 hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, trong chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, Tiểu đoàn 1 cũng là đơn vị giành nhiều chiến công vang dội, bảo vệ vững chắc biên cương Tổ quốc và có 10 năm làm nhiệm vụ quốc tế giúp bạn bảo vệ chính quyền cách mạng.
Thiếu tá Nguyễn Minh An - Chính trị viên Tiểu đoàn 1, khẳng định: “Trong suốt chặng đường dài xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, biết bao CBCS của Tiểu đoàn 1 anh dũng hy sinh. Xương máu và những chiến công của lớp lớp CBCS Tiểu đoàn 1 cùng LLVT tỉnh góp phần làm nên một Long An “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc”, xứng đáng với lòng tin yêu của Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà”.
Phát huy truyền thống đơn vị 3 lần anh hùng
Với những chiến công tiêu biểu, Tiểu đoàn 1 Long An 3 lần vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Lần 1 phong tặng vào ngày 11/02/1970 với thành tích “2 lần tiến công vào Sài Gòn năm Mậu Thân 1968 và những năm tháng bám trụ vùng ven 1969-1970”. Lần 2 vào ngày 20/12/1979 với thành tích “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chiến đấu, bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc”. Lần 3 vào ngày 25/01/1983 với thành tích “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quốc tế giúp nước bạn Campuchia”.
Chiến sĩ Tiểu đoàn 1 tổ chức huấn luyện các bài tập bắn với súng AK
Theo Thiếu tá Nguyễn Minh An, dù trong chiến tranh hay thời bình, Tiểu đoàn 1 vẫn là đơn vị chủ lực của LLVT tỉnh, sẵn sàng cơ động thực hiện nhiệm vụ trong mọi tình huống. Những năm qua, CBCS Tiểu đoàn 1 không ngừng nỗ lực, phấn đấu, rèn luyện, xứng đáng với truyền thống hào hùng của đơn vị. Hàng năm, đơn vị thường xuyên tổ chức luyện tập các phương án sẵn sàng chiến đấu, chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu. Trong công tác huấn luyện, hàng năm, đơn vị được giao nhiệm vụ huấn luyện khoảng 500 chiến sĩ mới. Trong huấn luyện, đơn vị thực hiện nghiêm phương châm “Thiết thực, cơ bản, vững chắc, an toàn” và luôn là đơn vị đứng đầu trong các phong trào thi đua, hội thi của LLVT tỉnh.
Trung úy Đặng Hữu Nghĩa - Chính trị viên Đại đội 2, chia sẻ: “Không riêng tôi mà mỗi CBCS trong đơn vị đều cảm thấy vinh dự và tự hào khi trở thành chiến sĩ của Tiểu đoàn 1 Anh hùng. Mỗi CBCS xác định quyết tâm rèn luyện, phấn đấu xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, mẫu mực tiêu biểu để luôn xứng đáng với truyền thống hào hùng của các thế hệ cha anh đi trước, góp phần tô thắm truyền thống của đơn vị: Điều đâu đi đó, chỉ đâu đánh đó, đánh đâu thắng đó”./.
Nhật Minh