Bài cuối: Xây dựng chiến lược dài hạn cho cây thanh long
Hiện chỉ có khoảng 15% sản lượng thanh long của tỉnh tiêu thụ tại thị trường nội địa, còn lại tập trung cho xuất khẩu, trong đó, phần lớn xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Chính vì vậy, cần phải có chiến lược phát triển bền vững cho cây thanh long, hạn chế sự lệ thuộc vào một thị trường nhất định.
Đẩy mạnh việc cấp mã số vùng trồng
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), để được cấp mã số vùng trồng, nông sản sản xuất theo một quy trình nhất định từ yêu cầu về diện tích canh tác, điều kiện canh tác đến sổ sách ghi chép, vệ sinh trên đồng ruộng, thành phần dịch hại trong vùng sản xuất, yêu cầu về thuốc bảo vệ thực vật.
Như vậy, việc xây dựng mã số vùng trồng không những giúp truy xuất nguồn gốc, bảo đảm các điều kiện khắt khe nhất về an toàn thực phẩm mà còn làm thay đổi nhận thức, hành động của người dân, doanh nghiệp và cán bộ quản lý tại địa phương trong việc nâng cao năng suất, diện tích, chất lượng và đầu ra cho sản phẩm.
Vì vậy, hàng năm, Sở đều có văn bản đề nghị các địa phương tăng cường và nâng cao chất lượng việc cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói nông sản phục vụ nhu cầu sản xuất và xuất khẩu. Đến nay, Long An có 54 mã vùng trồng thanh long xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc với diện tích hơn 9.800ha, sản lượng hơn 47.000 tấn/năm.
Thanh long đạt chuẩn VietGAP hoặc cao hơn là điều kiện cần để chinh phục những thị trường khó tính
Giám đốc Sở NN&PTNT - Nguyễn Thanh Truyền cho biết, với tình hình các thị trường xuất khẩu ngày càng khó tính, không còn cách nào khác, tỉnh phải nâng cấp vùng trồng thanh long. Từ bài học kinh nghiệm nông sản tắc nghẽn thông quan vào thị trường Trung Quốc cuối năm 2021, ngay trong đầu năm 2022, Sở tăng cường tuyên truyền và hỗ trợ nông dân đăng ký mã số vùng trồng cho cây ăn trái kết hợp với liên kết doanh nghiệp, hợp tác xã tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, Sở cũng tiến hành cấp mã số cho các cơ sở thu mua, sơ chế trái cây, tạo thuận lợi nhất cho xuất khẩu. “Tỉnh đã lên kế hoạch quy hoạch lại vùng trồng thanh long gắn với tiêu chuẩn, chất lượng cũng như cấp mã vùng trồng.
Thời gian tới, ngành Nông nghiệp chủ yếu nâng cao chất lượng, tiêu chuẩn thanh long. Bên cạnh đó, Sở tăng cường giám sát việc quản lý, sử dụng mã vùng trồng, mã đóng gói thanh long đã được cấp theo các quy định của Bộ NN&PTNT, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, lưu ý đối với các cơ sở được cấp mã số xuất khẩu sang Trung Quốc. Ngoài ra, Sở sẽ tăng cường công tác quản lý về chất lượng, an toàn thực phẩm; đảm bảo kiểm soát chặt chẽ tình hình sử dụng hóa chất, chất kích thích, chất tăng trọng,... trong toàn chuỗi sản xuất - tiêu thụ thanh long” - ông Truyền khẳng định.
Thông tin từ Bộ NN&PTNT, Bộ đang tập trung hướng dẫn địa phương, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực hiện nghiêm các quy định về quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm; đẩy mạnh giám sát, cấp mã số vùng trồng, vùng nuôi,...
Trong tháng 5/2022, các đơn vị của Bộ đã cấp 144 mã số vùng trồng xoài, thanh long, chanh không hạt, sầu riêng, ớt, thạch đen; 3 mã số cơ sở đóng gói đối với các loại quả chuối, vải xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Đến nay, cả nước có 3.646 mã số vùng trồng, 1.800 mã số cơ sở đóng gói cho tất cả các loại quả tươi để xuất khẩu với 50/63 tỉnh/thành đã được cấp mã số vùng trồng.
Bộ NN&PTNT yêu cầu các tỉnh, thành phố xây dựng, ban hành các chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển vùng trồng, cơ sở đóng gói theo quy mô sản xuất hàng hóa đáp ứng yêu cầu của nước xuất khẩu. Cùng với đó, hướng dẫn nông dân về quy trình canh tác theo hướng sử dụng vật tư đầu vào tiết kiệm, an toàn và hiệu quả; ghi chép và hoàn thiện các hồ sơ liên quan trong quá trình sản xuất phục vụ truy xuất nguồn gốc; giám sát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật; duy trì chất lượng của vùng trồng, cơ sở đóng gói đã được cấp mã số phục vụ xuất khẩu.
Để cây thanh long phát triển bền vững
Thông tin từ Hiệp hội Thanh long tỉnh, Hiệp hội hiện có trên 100 thành viên là các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Long An và Tiền Giang. Hầu hết thành viên đều có năng lực kho, sơ chế, đóng gói đạt chuẩn xuất khẩu. Đặc biệt, quả thanh long Châu Thành của Long An đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý và nhãn hiệu thanh long Tầm Vu cũng được bảo hộ tại 5 quốc gia, gồm: Mỹ, Pháp, Nhật, Singapore và Trung Quốc.
Chủ tịch Hiệp hội Thanh long tỉnh - Nguyễn Quốc Trịnh cho biết: Hiện nay, Hiệp hội tích cực xúc tiến thương mại để tìm thêm thị trường xuất khẩu mới, từng bước giải bài toán đầu ra cho thanh long. Đồng thời, Hiệp hội cũng đẩy mạnh tiêu thụ thanh long tại thị trường trong nước, đặc biệt là các siêu thị, chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch.
Nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn huyện Châu Thành duy trì thu mua thanh long cho nông dân trong hoàn cảnh khó tiêu thụ
“Hiệp hội cũng khuyến khích các khu công nghiệp đưa thanh long vào khẩu phần ăn cho công nhân. Đồng thời, đề nghị 2 công ty Nafood và Navifood nâng cao hơn nữa năng suất chế biến thanh long gắn với xây dựng vùng nguyên liệu. Nếu làm tốt, chỉ tính riêng thị trường nội địa, mỗi năm có thể tiêu thụ trên 100.000 tấn thanh long” - ông Trịnh cho biết thêm.
Giám đốc Sở NN&PTNT - Nguyễn Thanh Truyền thông tin: “Thời gian tới, Sở sẽ triển khai quyết liệt nhiều biện pháp nâng cao chất lượng trái thanh long theo hướng bảo đảm an toàn thực phẩm và xem đây là yếu tố then chốt để cây thanh long phát triển ổn định, bền vững và lâu dài. Theo đó, Sở sẽ tăng cường công tác vận động, tuyên truyền đến người dân về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ,...; triển khai đồng bộ từ khâu sản xuất đến cơ sở đóng gói, sơ chế, bảo quản để chủ động phục vụ xuất khẩu.
Song song đó, Sở phối hợp nghiên cứu, phát triển giống thanh long mới thay thế giống bị thoái hóa để đa dạng sản phẩm và nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế của cây thanh long; đẩy mạnh công tác chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, nhất là mô hình sản xuất công nghệ cao và nhân rộng các mô hình hiệu quả.
Ngoài ra, Sở sẽ vận động, tuyên truyền nông dân đẩy mạnh phát triển các mô hình liên kết, hợp tác sản xuất thanh long theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ cũng như nâng cao nhận thức trong thực hiện liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị ngành hàng thanh long để giảm chi phí đầu vào, giúp sản phẩm nâng cao sức cạnh tranh và hiệu quả sản xuất, kinh doanh, góp phần hạn chế rủi ro trong sản xuất và tiêu thụ”./.
Đến cuối tháng 6/2022, diện tích thanh long toàn tỉnh trên 10.643ha, đạt 88,69% kế hoạch, bằng 98,6% so cùng kỳ; diện tích cho trái khoảng 10.183ha, sản lượng thu hoạch 6 tháng đầu năm ước đạt 135.120 tấn, giảm 26.122,3 tấn so cùng kỳ. |
Bùi Tùng