Tiếng Việt | English

08/07/2022 - 09:43

Tìm hướng phát triển cây thanh long bền vững (Bài 2)

Những năm qua, cây thanh long trở thành một trong những loại cây chủ lực của tỉnh bởi mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp nhiều nông dân vươn lên thoát nghèo. Tuy nhiên, hơn 2 năm trở lại đây, người trồng thanh long liên tục thua lỗ vì giá thấp, khó tiêu thụ. Để cải thiện tình trạng này, ngành Nông nghiệp tỉnh Long An khuyến cáo nông dân tập trung chuyển đổi phương thức sản xuất và tăng cường liên kết với các doanh nghiệp thu mua để có đầu ra ổn định.

Bài 2: Chỗ dựa cho người trồng thanh long

Trước những biến động bất lợi của thị trường, việc tiêu thụ thanh long liên tục gặp khó. Tuy nhiên, nhiều hợp tác xã (HTX) thanh long vẫn duy trì được chuỗi liên kết các công ty (Cty) thu mua, các thành viên của HTX vẫn có lợi nhuận ổn định.

Đồng hành cùng nông dân

Tại huyện Châu Thành, ai cũng biết đến HTX Thanh long Tầm Vu, một trong những HTX ra đời khá sớm và kinh doanh hiệu quả. Trò chuyện với chúng tôi, ông Trương Quang An - nông dân trồng thanh long giỏi cấp tỉnh, đồng thời là Giám đốc HTX Thanh long Tầm Vu, cho biết, được thành lập năm 2008, ban đầu, HTX chỉ có 13 thành viên, trồng 13ha thanh long, vốn điều lệ 250 triệu đồng; đến nay có hơn 40 thành viên, trồng diện tích hơn 50ha và hàng trăm hộ liên kết. Phần lớn diện tích trồng thanh long của HTX đều theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP,... và được ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất.

Theo ông An, 2 năm gần đây, khi thị trường tiêu thụ thanh long lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc gặp khó khăn do họ thực hiện chính sách “Zero Covid”, nhiều nơi, thanh long phải bán với giá vài ngàn đồng/kg, người trồng lỗ nặng. Trong khi đó, thanh long của các thành viên HTX Tầm Vu vẫn được thu mua với giá ổn định. “Nhờ tuân thủ tốt các quy trình, tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, trái thanh long của HTX được các Cty thu mua đánh giá cao. Hiện nay, HTX tiếp tục vận động người trồng thanh long tham gia vào HTX và chuyển đổi sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP để ổn định đầu ra” - ông An chia sẻ thêm.

Thanh long được vận chuyển từ vườn về kho để tiến hành sơ chế, đóng gói

Tương tự, tại HTX Dịch vụ Nông nghiệp Dương Xuân (xã Dương Xuân Hội, huyện Châu Thành), hầu hết thành viên đã canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Theo Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp Dương Xuân - Phan Thanh Sơn, nhiều năm qua, cây thanh long đã mang lại nguồn thu nhập khá ổn định cho thành viên HTX và các nhà vườn tại địa phương. Tuy vậy, hiện nay, thị trường chính để tiêu thụ thanh long vẫn là thị trường Trung Quốc. Một khi thị trường này biến động thì nông dân sẽ gặp khó.

“Thời gian qua, ngành Nông nghiệp tỉnh, huyện cũng thường xuyên quan tâm, hỗ trợ tiêu thụ thanh long. Qua đó, nhiều giải pháp đã được đưa ra nhằm giải quyết bài toán “được mùa, rớt giá” và tình trạng ùn ứ thanh long như nâng cao chất lượng trái thanh long thông qua việc sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP,…; khai thác thị trường nội địa; tăng cường bảo quản bằng kho lạnh và chế biến sâu,... Các giải pháp này đều rất khả thi nhưng cần nhiều thời gian và chi phí để triển khai” - ông Sơn cho biết.

Cùng nhau vượt khó

Sau hơn 3 năm theo đuổi, Anh Võ Văn Khanh, ngụ xã Thạnh Hòa, huyện Bến Lức, đã chuyển đổi toàn bộ 3ha thanh long phổ thông của gia đình sang thanh long hữu cơ. Nhờ đó, thời gian gần đây, khi nhiều nông dân gặp khó khăn trong tiêu thụ thì thanh long của anh vẫn vào được thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ,... Theo anh Khanh, nhận thấy sản xuất thanh long theo kiểu truyền thống gặp khó khăn trong tìm kiếm thị trường, chi phí đầu tư cao, rủi ro lớn, năm 2019, anh quyết định “đập đi xây lại” 3ha thanh long của gia đình. Từ những nỗ lực không ngừng, tháng 5/2021, toàn bộ diện tích thanh long của anh được cấp mã vùng trồng và chứng nhận đạt chuẩn GlobalGAP.

Anh Trương Minh Trung sử dụng màng phủ để hạn chế cỏ mọc dưới gốc thanh long

Đưa chúng tôi đi thăm vườn thanh long xanh mướt, trĩu quả, anh Khanh chia sẻ, ai cũng biết trồng thanh long hữu cơ sẽ có cơ hội tìm được thị trường mới nhưng thực hiện thì không hề đơn giản. Hiện nay, giá phân hữu cơ vi sinh, thuốc bảo vệ thực vật đều tăng cao, hàm lượng thuốc công bố trên nhãn hiệu cũng không chính xác và có độ trễ về thời gian nên nếu không cẩn thận thì đến lúc thu hoạch trái thanh long sẽ không đạt tiêu chuẩn và bị trả hàng. Do đó, trong quá trình sản xuất phải bảo đảm quy định về sử dụng phân, thuốc và bảo đảm thời gian cách ly an toàn.

Để làm được điều này, anh đã ứng dụng số vào canh tác để quản lý nhật ký sản xuất, mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Đồng thời, cập nhật biến động thị trường để điều tiết sản xuất. “Mặc dù chịu ảnh hưởng không nhỏ bởi dịch Covid-19 nhưng nhờ sản xuất bài bản, khoa học, đáp ứng đầy đủ các tiêu chí, tiêu chuẩn, thông qua đối tác là một Cty ở Cần Thơ, toàn bộ thanh long của gia đình tôi đều được bao tiêu với giá 25.000 đồng/kg” - anh Khanh cho biết.

Cũng nhờ được cấp mã vùng trồng cùng thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, ứng dụng công nghệ cao, hầu hết thành viên của HTX Thanh long Long Hội (xã An Lục Long, huyện Châu Thành) đều sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Vì thế, HTX vẫn đứng vững bất chấp dịch Covid-19 và mới đây là lệnh 248, 249 từ phía Hải quan Trung Quốc.

Theo Giám đốc HTX Thanh long Long Hội - Trương Minh Trung, từ năm 2020 đến nay, mặc dù tình hình thời tiết diễn biến phức tạp cộng với dịch Covid-19, tiếp đó là chính sách “Zero Covid” từ phía Trung Quốc, thanh long cũng như các mặt hàng nông sản khác của Việt Nam bị xuống giá và ùn ứ, khó tiêu thụ. Tuy nhiên, thanh long của HTX vẫn bán được giá cao nhờ sản xuất theo quy trình VietGAP và có hợp đồng bao tiêu sản phẩm được ký kết hàng năm.

.

Bón phân hữu cơ để nâng cao chất lượng trái thanh long, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường

“Được cấp mã vùng trồng, HTX mạnh dạn ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Qua đó, vừa tiết kiệm nhân công, vật tư đầu vào, kéo giảm chi phí sản xuất, nông sản làm ra lại sạch, được thị trường đón nhận. Hiện mỗi ngày, tôi nhận hàng chục cuộc gọi đặt mua thanh long từ các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh nhưng từ chối do sản lượng HTX có hạn, sắp tới nếu các doanh nghiệp muốn hợp tác và ký hợp đồng rõ ràng, HTX sẽ không ngần ngại mở rộng thành viên và diện tích canh tác” - anh Trung khẳng định.

Cùng với người trồng, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng ý thức được những khó khăn từ phía thị trường Trung Quốc, từ đó, sớm chuẩn hóa các kho, hoàn thiện các thủ tục và đề nghị cấp mã số doanh nghiệp, mã kho, bảo đảm hàng hóa được thông suốt. Trong đó, Cty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Hoa Cương là đơn vị có hệ thống nhà kho thanh long lớn nhất huyện Châu Thành. Hiện mỗi ngày, Cty vẫn xuất đều đặn trên 150 tấn hàng đi Trung Quốc, tuy có giảm hơn 25% so với bình thường nhưng tình hình hoạt động của Cty vẫn ổn định.

Phó Giám đốc Cty TNHH xuất nhập khẩu trái cây Hoa Cương - Võ Thị Thu Hân cho biết, thị trường xuất khẩu của Cty chủ yếu là Trung Quốc. Ngay từ khi phía Trung Quốc có động thái siết chặt nhập khẩu thì Cty đã chuẩn hóa các hồ sơ, thủ tục pháp lý. Tuy nhiên, về mã vùng trồng, theo nguyên tắc là do cơ quan quản lý nhà nước xem xét và Hải quan Trung Quốc cấp nên không phải nhà vườn nào cũng được cấp mã số vùng trồng, chính điều này làm cho doanh nghiệp bị giới hạn lượng hàng xuất đi.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành - Võ Văn Vấn cho biết: “Thời gian tới, bên cạnh vận động nông dân tham gia vào các hội quán, tổ hợp tác, HTX, chúng tôi còn mở các lớp dạy nghề ứng dụng công nghệ cao, tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào trồng thanh long, nhất là hướng dẫn người dân sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Có như vậy mới đáp ứng nhiều thị trường, từng bước đưa thanh long hội nhập sâu, rộng vào các thị trường khó tính trên thế giới, tiếp tục khẳng định vị thế thanh long là cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế tại địa phương”./.

(còn tiếp)

Bùi Tùng

Chia sẻ bài viết