Nghệ sĩ nhiếp ảnh Tôn Thất Hùng ký tặng sách Hội An thương nhớ cho bạn bè
"Làm được thì làm, kẻo muộn"
Chúng tôi gặp lại nhiếp ảnh gia Tôn Thất Hùng trong một sự kiện sau đại dịch Covid-19. Sau cái bắt tay hồ hởi, ông tặng chúng tôi quyển sách mới xuất bản của mình mang tên Hội An thương nhớ. Đó là quyển sách do ông viết về nơi ông gắn bó suốt tuổi thơ, với những trang viết đầy ắp kỷ niệm và thương nhớ. Hình ảnh trong sách cũng do ông chụp qua nhiều chuyến thăm quê. Đó có thể là con đường ngày nhỏ ông đi học, góc phố xưa có hàng cây nay đã trở thành những căn nhà phố khang trang, sầm uất, cũng có thể là mái ngói phủ rêu xanh của căn nhà trong phố cổ.
Tất cả được chính tay ông chuẩn bị, chỉnh sửa từng chữ cái, thiết kế từ trang sách đến trang bìa. Ông đã tỉ mỉ làm mọi thứ một mình trong những ngày thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ trước khi đưa bản thảo đến cho nhà xuất bản. Ông bảo rằng, mình đã có những ngày chống dịch đầy ý nghĩa, đã làm được điều hằng ấp ủ suốt nhiều năm.
Những ngày tỉnh áp dụng Chỉ thị số 16/CT-TTg, mọi người ở yên trong nhà chống dịch. Thay vì lo lắng, hoang mang, ông Tôn Thất Hùng chọn cách tận hưởng những ngày đặc biệt bên người thân, gia đình. Hàng ngày, không thể ra ngoài phiếm đàm cùng bè bạn, ông cùng vợ làm việc nhà, chủ động giúp vợ nhiều việc để bà xã có thêm thời gian nghỉ ngơi. Ông dành thời gian chơi cùng, học cùng các cháu và dạy cháu làm việc nhà. Nhờ vậy, ông cảm nhận, tình cảm gia đình ông khắng khít nhiều hơn sau đại dịch.
Nhiếp ảnh gia Tôn Thất Hùng kể: “Những ngày dịch Covid-19 hoành hành, tôi thường xuyên theo dõi tin tức về dịch bệnh. Thấy số ca nhiễm, ca tử vong tăng lên hàng ngày, tôi nhận ra cần phải trân trọng hơn nữa cuộc sống này và những người thân bên cạnh mình. Có lẽ đó cũng là một phần lý do tôi thực hiện quyển sách Hội An thương nhớ. Cái gì có thể làm được thì làm, kẻo muộn. Covid-19 có thể đến với mình bất cứ lúc nào nên những điều ấp ủ biết đâu sẽ không được phát huy”.
Và quyển sách nhỏ chứa đầy tình cảm về Hội An đã ra đời như vậy! Cầm quyển sách trên tay, chúng tôi cảm nhận được tình yêu quê hương chan chứa trong từng trang viết. Nhìn hình ảnh, chúng tôi cảm thấy mình bị thuyết phục rằng, hãy đến Hội An thử một lần để được tận mắt ngắm nhìn những điều yêu thương bé nhỏ đang được kể trong từng bức ảnh.
Chúng tôi nghĩ, Hội An thương nhớ khiến người xem rung động vì hoàn cảnh ra đời có phần đặc biệt và những gì thể hiện trong sách đều là những chắt chiu của chính tác giả về quê hương mình. Quyển sách được hoàn thành trong vài tháng nhưng hình ảnh trong sách phải chụp trong nhiều năm, thậm chí nhiều chục năm và tình cảm đã được ấp ủ suốt cả cuộc đời.
Nhiếp ảnh gia Tôn Thất Hùng chia sẻ: “Đến tuổi như tôi thì hầu như ai cũng có thời gian để nhìn lại những việc mình đã làm và nghĩ đến việc cần làm những điều có ích cho gia đình, bạn bè, người thân và rộng lớn hơn là xã hội. Tôi mong con cháu sẽ biết và yêu quê cha đất Tổ qua quyển sách của tôi và bạn bè tôi ở Long An cũng sẽ hiểu thêm về quê hương tôi”. Ông nói rằng, khoảng thời gian chống dịch đã khiến ông nhận ra ranh giới giữa sự sống và cái chết quá mong manh. Ông muốn mình phải sống đúng, sống đủ, sống hài hòa với gia đình, anh em, hàng xóm. Những điều có lợi cho gia đình, xã hội, bạn bè đều là những việc nên làm, phải làm.
Trân trọng những ngày bên nhau
Dịch bệnh là giai đoạn hết sức khó khăn, mang tới nhiều mất mát, đau thương nhưng đó cũng là thời điểm khiến nhiều người nhận ra cần phải yêu thương gia đình, trân trọng người thân mình hơn bất cứ điều gì khác. Anh Trần Thanh Phương (xã Long Phụng, huyện Cần Giuộc) kể những ngày thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg, nghe tin dịch bệnh khắp nơi, anh sợ! Gia đình có miếng đất nhỏ nuôi cá, trồng rau, cuộc sống không quá khó khăn nhưng nỗi lo vẫn luôn thường trực, bởi anh quá yêu thương gia đình mình. Anh Phương nói: “Lúc đó, tôi mong cầu bình an cho tất cả mọi người, cho gia đình mình. Gia đình mà, chúng tôi đã quấn quýt bên nhau suốt gần 20 năm, làm sao không lo lắng, sợ hãi nếu lỡ có điều bất trắc”. Khi cả nhà nhiễm bệnh, mọi người tuân thủ hướng dẫn của cơ quan y tế và tự chăm sóc lẫn nhau, tình cảm gia đình vốn gắn bó lại thêm bền chặt.
Chị Lê Thị Kiều Oanh - vợ anh Phương, mở một cửa hàng dịch vụ làm đẹp tại nhà nên hầu như luôn bận rộn. Thương vợ, anh lui về phía sau, nhận việc chăm sóc gia đình, dạy bảo các con để vợ yên tâm làm việc. Anh Phương kể: “Tôi là thợ kim hoàn nên ở nhà làm việc và chăn nuôi thêm. Thời gian được tự do, thoải mái nên tôi có thể chăm sóc các con. Với tôi, việc đó không có vấn đề gì, gia đình nghĩa là yêu thương, san sẻ. Tôi cảm thấy cuộc sống rất dễ thay đổi nên còn được ở cạnh nhau vốn là một hạnh phúc, cần quan tâm, trân trọng điều đó”.
Trước đây, do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên anh Phương phải rời quê đi làm sớm. Anh hiểu rõ những nỗi niềm khi phải xa gia đình, vắng người thân. Những ngày dịch bệnh lại khiến anh cảm nhận rõ nét thêm về điều đó nên anh rất yêu thương và trân trọng mái ấm gia đình mình. Mỗi ngày, vợ chồng và 2 con của anh chị đều chờ nhau ăn bữa cơm gia đình. Đó luôn là ưu tiên hàng đầu, lúc các thành viên có thể cùng sẻ chia, tâm sự. Cuối tuần, cả nhà lại cùng nhau nấu bữa cơm gia đình cầu kỳ để các con cảm nhận được niềm hạnh phúc và sự yêu thương trong nhà.
Gia đình anh Trần Thanh Phương, chị Lê Thị Kiều Oanh (gia đình bên phải) nhận giải Nhì phần thi nấu ăn tại Ngày hội Gia đình văn hóa - thể thao tiêu biểu
Khi nói về vợ con, anh Phương luôn dùng những từ ngữ nhẹ nhàng và đầy yêu thương. Cuộc sống hiện tại của anh chị tương đối ổn định, không quá sang giàu hay dư dả nhưng với anh Phương, chị Oanh vậy là đầy đủ. Bên cạnh việc chăm lo kinh tế, anh chị dành thời gian để quan tâm tới nhau, không vì guồng quay công việc mà xem nhẹ gia đình.
Có lẽ chính vì vậy mà gia đình anh Phương được chọn là gia đình văn hóa đại diện huyện Cần Giuộc tham dự cuộc thi nấu ăn bữa cơm cuối tuần trong Ngày hội Gia đình văn hóa - thể thao tiêu biểu do tỉnh tổ chức vào cuối tháng 6 vừa qua. Nấu một bữa cơm gia đình đầy đủ dinh dưỡng, yêu thương vốn là điều anh chị vẫn làm mỗi ngày nên trong hội thi, gia đình anh Phương không gặp quá nhiều khó khăn và đã xuất sắc giành được giải nhì.
Dịch bệnh là điều chúng ta không thể kiểm soát được, điều duy nhất mỗi người có thể làm chính là thái độ của bản thân. Có người hoảng loạn và lo lắng nhưng cũng có người chọn sát cánh cùng nhau, lắng lòng lại để học được những bài học hay từ khó khăn, thử thách./.
Thu Lam