Ảnh minh họa. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)
Đại dịch COVID-19 đang dần khép lại, cuộc sống của hầu hết người dân cũng đã trở lại trạng thái bình thường.
Giải pháp thanh toán không tiền mặt được khuyến khích trong giai đoạn dịch bùng phát để hạn chế tiếp xúc tưởng chừng lắng xuống theo dịch, thế nhưng thực tế lại đang trở thành thói quen của nhiều người.
COVID-19 thực sự đã trở thành đòn bẩy quan trọng trong việc thúc đẩy nhanh hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, tiến tới một xã hội không tiền mặt theo định hướng của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước.
Khi thanh toán không tiền mặt trở thành thói quen
Tại một quán cà phê trên đường Tô Hiệu, quận Tân Phú (Thành phố Hồ Chí Minh), theo quan sát của phóng viên, có tới 7/10 khách tới đây lựa chọn hình thức thanh toán không tiền mặt thông qua ví điện tử, chuyển khoản ngân hàng hoặc quét mã QR.
Anh Lê Huy, một khách hàng ở đây, cho biết vài năm trước, việc thanh toán các khoản mua sắm nhỏ không được chấp nhận, mà chỉ chấp nhận đối với giao dịch có giá trị thanh toán trên 100.000 đồng trở lên.
Tuy nhiên, sau khi dịch COVID-19 bùng phát, mua một ly cà phê, hay tô bún ăn sáng... cũng được khuyến khích thanh toán không tiền mặt với nhiều hình thức khác nhau nhằm hạn chế tiếp xúc. Khi dùng thấy tiện lợi và lâu dần, thanh toán không tiền mặt trở thành thói quen của nhiều người.
“Để đẩy mạnh thanh toán không tiền mặt, thời gian qua, hầu hết các ngân hàng hiện đều miễn phí dịch vụ chuyển tiền bất kể là chuyển tiền cùng hệ thống hay giao dịch liên ngân hàng. Hạn mức chuyển tiền có thể lên tới 1-2 tỷ đồng/ngày.
Chưa kể, các ngân hàng còn phối hợp với các đối tác có chương trình ưu đãi cho người dùng. Trong khi đó, việc rút tiền mặt vừa tốn nhiều thời gian, vừa phải mất phí, lại không rút được nhiều tiền trong ngày,” anh Huy chia sẻ.
Gần hai năm nay, chị Nguyễn Hà, ở Quận Bình Tân (Thành phố Hồ Chí Minh) cũng luôn duy trì hình thức thanh toán trực tuyến thông qua chuyển khoản ngân hàng hoặc dùng ví điện tử để thanh toán tiền tiện, phí quản lý chung cư, đóng tiền học cho con, mua sắm trực tuyến ở các sàn thương mại điện tử...
Lúc đầu, chị Hà sử dụng dịch vụ này để hạn chế tiếp xúc khi dịch COVID-19 bùng phát, diễn biến phức tạp và rồi giờ thực hiện như một thói quen cố hữu đã lâu.
Theo chị Hà, việc mua hàng và thanh toán không tiền mặt thường xuyên sẽ thấy rất thuận lợi. Đặc biệt, các ngân hàng, ví điện tử, sàn thương mại điện tử thường xuyên có các chương trình khuyến mãi hoàn tiền hay các dịch vụ cộng thêm như miễn phí vận chuyển, ưu đãi giảm giá… cho các giao dịch không tiền mặt. Điều này có lợi cho người dùng, nên chị có thể tiết kiệm thêm khoản chi phí không nhỏ.
“Ngoại trừ đi chợ, ra cửa hàng tạp hóa là phải dùng tiền mặt, còn các hoạt động mua sắm khác hiện tôi đều thanh toán qua thẻ. Tôi có cài tích hợp thanh toán qua thẻ tín dụng ở các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Grab… nên khi mua sắm rất thuận tiện, không có tiền sẵn vẫn mua được đồ.
Dùng quen và thấy rất tiện lợi nên dù hết dịch tôi vẫn dùng thôi. Với lại, thanh toán qua thẻ quen rồi, giờ thấy trao đổi tiền mặt cũng bất tiện lắm,” chị Hà bày tỏ.
Ảnh minh họa. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)
Không chỉ riêng anh Huy, chị Hà, thói quen thanh toán của nhiều người dân đã hoàn toàn thay đổi sau mùa dịch.
Nghiên cứu về thái độ thanh toán của người tiêu dùng được Công ty VISA công bố đầu tháng 6/2022 cho thấy, người tiêu dùng Việt Nam đã nhanh chóng đón nhận hàng loạt các phương thức thanh toán kỹ thuật số và có sự thay đổi rõ rệt trong thói quen thanh toán.
Cụ thể, 65% người tiêu dùng Việt mang ít tiền mặt hơn trong ví và 32% cho biết họ sẽ ngưng sử dụng tiền mặt sau đại dịch. Cùng với đó là sự tăng trưởng đáng kể của thanh toán không tiền mặt. Trong đó, gần 76% người tiêu dùng hiện tại sử dụng ví điện tử và tỷ lệ người sử dụng thẻ còn cao hơn (82%).
Cũng theo VISA, mua sắm trực tuyến và các lựa chọn thay thế tiền mặt sẽ được duy trì sau đại dịch. 2/3 người dùng Việt đã thử trải nghiệm mua sắm trực tuyến trong suốt thời kỳ đại dịch và 1/2 người dùng lần đầu trải nghiệm mua hàng qua nền tảng mạng xã hội.
9/10 người tiêu dùng hiện đang sử dụng dịch vụ giao hàng tận nhà và hầu như tất cả đều sử dụng dịch vụ này thường xuyên hơn so với giai đoạn trước đại dịch.
Do tác động của đại dịch COVID-19, có đến hơn 80% người tiêu dùng hiện nay đang sử dụng thẻ, thanh toán qua mã QR và ví điện tử ít nhất một lần một tuần.
Trong khi đó, 1/2 số người dùng Việt đã bắt đầu sử dụng thẻ thường xuyên hơn, trong khi 64% và 63% người dùng đã tăng cường sử dụng thanh toán không tiếp xúc qua điện thoại di động và ví điện tử.
Tính thuận tiện luôn là tiêu chí hàng đầu trong sự ưa thích của người tiêu dùng đối với các phương thức thanh toán kỹ thuật số, theo sau đó là an toàn tránh lây nhiễm và bảo mật giao dịch.
Theo bà Đặng Tuyết Dung, Giám đốc VISA Việt Nam và Lào, sự tác động của đại dịch COVID-19 là không thể bỏ qua cả trong ngắn hạn và dài hạn.
Khi mà những tác động này dẫn đến những thay đổi lâu dài trong việc người tiêu dùng lựa chọn cách thức mua sắm và thanh toán. Thành công của các đơn vị chấp nhận thanh toán số và doanh nghiệp phụ thuộc vào khả năng cải tiến và chuyển đổi để thích ứng với những thay đổi trên.
Tăng trưởng mạnh nhờ eKYC
Việc nhiều người dân thay đổi thói quen thanh toán phải kể đến sự vào cuộc của cơ quan quản lý nhà nước, ngành ngân hàng, các công ty thanh toán với việc triển khai nhiều phương thức mới để tiếp cận người dùng. Tại đây, thói quen thanh toán không tiền mặt ghi nhận vẫn duy trì tích cực sau đại dịch.
Ông Nguyễn Minh Tâm, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Sài Gòn-Thương Tín (Sacombank) cho biết, sau dịch COVID-19, hoạt động thanh toán không tiền mặt vẫn tiếp tục thu hút sự chú ý của người dân.
Thanh toán không tiền mặt đang tăng trưởng trên mọi phương diện và có tốc độ tăng đều khắp mọi nơi chứ không riêng ở khu vực đô thị. Ngay tại Sacombank, có một số điểm thanh toán ở vùng xa cũng ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ.
Theo ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ thanh toán Ngân hàng Nhà nước, thanh toán không dùng tiền mặt có sức lan tỏa lớn khi nhận được sự quan tâm, hưởng ứng của đông đảo người dân, doanh nghiệp.
Hành vi, kỳ vọng người tiêu dùng thay đổi mạnh mẽ trong kỷ nguyên số, số hóa dịch vụ sâu rộng và tác động đa chiều của dịch COVID-19 đã khiến thanh toán số trở xu hướng tất yếu trong nền kinh tế và ưu tiên hàng đầu của người dùng.
Ảnh minh họa. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)
Đáng chú ý, nhờ việc triển khai quy định về mở tài khoản thanh toán bằng phương thức định danh khách hàng điện tử (eKYC) nên trong mùa dịch COVID-19 vừa qua, nhiều khách hàng mới chưa tiếp cận dịch vụ ngân hàng đã mở được tài khoản từ xa dù giãn cách kéo dài, không thể giao dịch trực tiếp.
Thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, đã có khoảng 3,4 triệu tài khoản và 1,3 triệu thẻ ngân hàng được mở mới trực tuyến, từ xa qua phương thức điện tử (eKYC). Hiện tỷ lệ người dân trưởng thành có tài khoản thanh toán đạt gần 66% với tốc độ tăng trưởng bình quân 11,44% từ năm 2015-2021.
Đến tháng 4/2022, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 69,7% về số lượng, 27,5% về giá trị; giao dịch qua Internet cũng tăng tương ứng 48,39% và 32,76%; qua điện thoại di động tăng tương ứng 97,65% và 86,68%; qua mã QR tăng tương ứng 56,52% và 111,62% so với cùng kỳ năm 2021; tổng số ví điện tử đã kích hoạt tăng 10,37% so với cuối năm 2021.
Một điểm nhấn quan trọng trong tiến trình hướng đến xã hội không tiền mặt còn phải kể đến việc Chính phủ cho phép triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ giá trị nhỏ (Mobile Money).
Tại buổi họp báo của Ngân hàng Nhà nước mới đây, ông Lê Anh Dũng cho biết, chỉ sau bốn tháng triển khai Mobile Money, đến nay đã có 1,1 triệu tài khoản Mobile Money được mở mới; trong đó, có hơn 60% người dùng Mobile Money ở vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo.
Liên quan đến hoạt động này, trong thời gian qua không xảy ra rủi ro gì đáng tiếc và Ngân hàng Nhà nước sẽ đồng hành cùng Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an để thúc đẩy phát triển hơn nữa Mobile Money, đặc biệt là vùng sâu vùng xa.
Để thúc đẩy thanh toán không tiền mặt, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết, thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục nghiên cứu, rà soát hoàn thiện khung khổ pháp lý, xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy thanh toán không tiền mặt trên cơ sở ứng công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Trước mắt, tập trung vào việc hoàn thiện, trình Chính phủ Nghị định về thanh toán không dùng tiền mặt và ban hành các văn bản hướng dẫn Nghị định 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt, Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng.
Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành cơ quan liên quan triển khai có hiệu quả Đề án Thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2021-2025, Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Quyết định thí điểm Mobile Money…/.
H.Chung (TTXVN/Vietnam+)