Tiếng Việt | English

21/05/2025 - 19:37

Tín dụng xanh: Động lực thúc đẩy chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia

Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết tăng trưởng xanh không còn là một lựa chọn mà đã trở thành một yêu cầu cấp thiết đối với các quốc gia, đặc biệt là các nước đang phát triển như Việt Nam.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú phát biểu tại tọa đàm. (Ảnh: Vietnam+)

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú phát biểu tại tọa đàm. (Ảnh: Vietnam+)

“Xác định vai trò quan trọng của nguồn vốn tín dụng ngân hàng thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia, Ngân hàng Nhà nước đã vào cuộc rất sớm, từ năm 2015 đã lồng ghép mục tiêu phát triển bền vững trong các văn bản chỉ đạo công tác tín dụng, Chỉ thị thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng.“

Đó là nhận định của Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú tại tọa đàm “Đẩy mạnh triển khai Kế hoạch hành động của ngành ngân hàng thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030” do Ngân hàng Nhà nước tổ chức ngày 21/5.

Ngân hàng đẩy mạnh tín dụng xanh

Phát biểu tại tọa đàm, Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, trước những tác động ngày càng rõ nét của biến đổi khí hậu, vấn đề suy thoái môi trường đến phát triển kinh tế và ổn định xã hội, tăng trưởng xanh không còn là một lựa chọn mà đã trở thành một yêu cầu cấp thiết đối với các quốc gia trên thế giới - đặc biệt là các nước đang phát triển như Việt Nam. Chính vì vậy, chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng xanh - phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường và sử dụng hiệu quả tài nguyên là xu thế tất yếu để Việt Nam hướng đến một tương lai bền vững, bao trùm và thịnh vượng.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, dư nợ tín dụng đối với các lĩnh vực xanh của hệ thống ngân hàng đã có sự tăng trưởng nhanh cả về quy môi và tốc độ. Từ mức dư nợ tín dụng xanh chỉ đạt 180.000 tỷ đồng vào năm 2017, thì đến hết tháng 3/2025, đã có 58 tổ chức tín dụng phát sinh dư nợ tín dụng xanh với dư nợ đạt hơn 704.244 tỷ đồng, tăng 3,5% so với cuối năm 2024 và chiếm tỷ trọng 4,3% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Theo đó, tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng xanh bình quân đạt hơn 21%/năm trong giai đoạn 2017-2024, cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng của toàn nền kinh tế.

Về đánh giá rủi ro môi trường xã hội trong hoạt động cấp tín dụng của các tổ chức tín dụng, tính đến 31/3, có 57 tổ chức tín dụng có dư nợ tín dụng được đánh giá rủi ro môi trường và xã hội đạt 3,62 triệu tỷ đồng tăng gần 1% so với cuối năm 2024 với số món được đánh giá rủi ro mô trường xã hội đạt gần 1,3 triệu món, tăng hơn 15 lần so với thời điểm bắt đầu thực hiện năm 2017.

Chia sẻ tại tọa đàm, ông Trần Phương - Phó Tổng Giám đốc BIDV cho biết ngân hàng này đã triển khai ESG (bộ tiêu chuẩn đánh giá về môi trường, xã hội và quản trị) và tài chính bền vững dựa trên 3 khía cạnh (cung cấp các sản phẩm tài chính bền vững, quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong cho vay, vận hành bền vững), với 6 nhóm hoạt động chính (quản trị chiến lược, phát triển sản phẩm tài chính bền vững, tài trợ bền vững, quản lý rủi ro ESG, tham gia thị trường tín chỉ carbon, trở thành ngân hàng phát thải ròng bằng "0").

Tính đến cuối năm 2024, tổng dư nợ tín dụng xanh tại BIDV đạt 80.870 tỷ đồng, chiếm 12% dư nợ tín dụng xanh toàn ngành; tài trợ tín dụng xanh cho 1.600 khách hàng, với 1.982 dự án/phương án...

xanh-td-111111.jpg

Các đại biểu tham dự tại Tọa đàm. (Ảnh: Vietnam+)

Tương tự, ông Đoàn Ngọc Lưu - Phó Tổng Giám đốc Agribank cũng cho biết từ năm 2023, Agribank đã thành lập Ban chỉ đạo triển khai ESG trong hệ thống Agribank. Ngân hàng cũng đã Ban hành Bộ tiêu chuẩn ESG và Kế hoạch hành động triển khai áp dụng bộ tiêu chuẩn ESG tại Agribank giai đoạn 2024-2030…

Đến nay, tỷ trọng tài trợ dự án xanh trong tổng dư nợ tín dụng của Agribank tăng từ 0,9% năm 2020 lên 1,7% năm 2024.

"Quý 1/2025, Agribank tiếp tục là ngân hàng dẫn đầu về số lượng khách hàng được cấp tín dụng thuộc lĩnh vực xanh với hơn 41.600 khách hàng và tổng dư nợ đạt gần 29.300 tỷ đồng, trong đó chiếm tỷ trọng lớn nhất là năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, lâm nghiệp bền vững và lâm nghiệp xanh," ông Đoàn Ngọc Lưu cho biết thêm.

Xây dựng quy trình cụ thể với khoản vay xanh

Gợi ý một số giải pháp trong thời gian tới, Tiến sỹ Michaela Baur - Giám đốc Quốc gia GIZ tại Việt Nam khuyến cáo, phân loại xanh là yếu tố then chốt để định hướng các dòng vốn hướng tới tăng trưởng xanh và giúp Việt Nam tiếp cận nguồn tài chính xanh toàn cầu.

Bà Michaela Baur cho biết, từ năm 2017, theo ủy thác của Chính phủ Đức, GIZ đã hỗ trợ Ngân hàng Nhà nước xây dựng "Báo cáo thống kê tín dụng xanh." Đây được xem là phiên bản sơ khởi của một hệ thống phân loại xanh dành riêng cho ngành ngân hàng, nhằm theo dõi và thúc đẩy các hoạt động tín dụng xanh.

Hiện nhiều ngân hàng đang tăng tốc kiện toàn các nền tảng trụ cột cho khung phát triển bền vững, hướng tới việc tạo ra giá trị và tác động tích cực.

xanh-td-444444.jpg

Tiến sỹ Michaela Baur - Giám đốc Quốc gia GIZ tại Việt Nam phát biểu tại tọa đàm. (Ảnh: Vietnam+)

Bà Nguyễn Minh Châu - Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Quân đội (MB) cho biết, ngân hàng đặt mục tiêu trở thành ngân hàng xanh tiên phong, điển hình dẫn dắt về chuyển đổi ESG toàn diện trong chuỗi giá trị, hướng tới trung hòa carbon vào năm 2030. MB cũng sẽ tiên phong trong các giải pháp tài chính khí hậu, tận dụng thế mạnh nội tại về công nghệ số. Để hiện thực hóa mục tiêu này, MB cùng các tổ chức tín dụng khác mong muốn Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục phối hợp để tăng cường truyền thông và nâng cao năng lực về ESG trong toàn ngành. Điều này có thể được thực hiện thông qua việc tổ chức các hội thảo, tọa đàm trao đổi kinh nghiệm, cũng như xây dựng các cơ chế khuyến khích và hỗ trợ phù hợp.

Cũng tại tọa đàm, bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế thuộc Ngân hàng Nhà nước cho biết: “Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi và đôn đốc việc triển khai của các ngân hàng. Thứ hai, chúng tôi cũng sẽ khẩn trương hướng dẫn về hoạt động cấp tín dụng xanh đối với danh mục xanh sau khi các cơ quan có thẩm quyền trình Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục xanh này. Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ tiếp tục tạo thuận lợi cho các tổ chức tín dụng thông qua công tác đàm phán tìm kiếm nguồn huy động quốc tế và đặc biệt là cũng sẽ tiếp tục triển khai công tác đào tạo để hỗ trợ cho quá trình tăng trưởng xanh của các tổ chức tín dụng.”

Một điểm nhấn quan trọng khác của tọa đàm là lễ ra mắt Sổ tay "Hệ thống quản lý rủi ro môi trường-xã hội trong hoạt động cấp tín dụng.” Đây là một sản phẩm hợp tác giữa Ngân hàng Nhà nước và Tập đoàn Tài chính Quốc tế (IFC), được xây dựng theo các thông lệ quốc tế nhằm hỗ trợ tổ chức tín dụng áp dụng tiêu chuẩn ESG trong hoạt động tín dụng, thúc đẩy mục tiêu tài chính bền vững. Cấu trúc của Sổ tay gồm phạm vi và nguyên tắc quản lý rủi ro môi trường xã hội; hệ thống quản lý rủi ro môi trường xã hội; các chỉ số về môi trường xã hội và báo cáo; đề cập cách thức tham gia của các bên liên quan...

Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh việc ra mắt Sổ tay này do Ngân hàng Nhà nước và IFC phối hợp biên soạn là rất thiết thực, "cầm tay chỉ việc" cho các tổ chức tín dụng trong việc xây dựng quy trình cụ thể và phù hợp theo tính chất của từng ngân hàng và khoản vay. Đây là tài liệu tham khảo có tính thực tiễn cao, giúp các tổ chức tín dụng tăng cường quản lý rủi ro theo các thông lệ quốc tế tốt nhất, góp phần triển khai hiệu quả Kế hoạch hành động ngành Ngân hàng thực hiện Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh./.

Theo Vietnamplus

Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/tin-dung-xanh-dong-luc-thuc-day-chien-luoc-tang-truong-xanh-quoc-gia-post1039841.vnp

Chia sẻ bài viết