Kênh, rạch cạn khô nước ở Thủ Thừa
Đến ngày 06/02/2020, độ mặn trên các tuyến sông trong tỉnh (Rạch Cát, Vàm Cỏ, Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây, sông Tra) dao động ở mức từ 0,60-17,0 gram/lít (g/l). Trên sông Vàm Cỏ Đông, độ mặn 1,0g/l gần đến kênh Sa Bà, huyện Đức Hòa, cách sông Soài Rạp khoảng 102km. Độ mặn 4,0g/l vượt qua cầu Bến Lức, huyện Bến Lức, cách sông Soài Rạp khoảng 58km. Trên sông Vàm Cỏ Tây, độ mặn 1,0g/l vượt qua cống Bắc Đông, huyện Thủ Thừa, cách cửa sông Soài Rạp khoảng 86km. Độ mặn 4,0g/l gần đến bến đò Chú Tiết, TP.Tân An, cách cửa sông Soài Rạp khoảng 70km.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Long An, hệ thống công trình khu vực các huyện phía Nam tỉnh (các huyện: Cần Đước, Cần Giuộc, Tân Trụ, Châu Thành, TP.Tân An và phía Nam huyện Thủ Thừa, Bến Lức) bao gồm: Hệ thống Rạch Chanh - Trị Yên, Đôi Ma - Xóm Bồ, Nhựt Tảo - Tân Trụ, Bảo Định - Bà Lý, Rạch Chanh - Bắc Đông đến nay cơ bản được đầu tư tương đối hoàn thiện khép kín, bảo đảm ngăn mặn, ngăn triều cường.
Tuy nhiên, hệ thống kênh, mương nội đồng trong khu vực bờ bao đã bị bồi lắng nhiều, mặt cắt bị thu hẹp, do đó chưa đáp ứng khả năng dẫn nước, trữ nước và cấp nước trong thời gian mùa khô. Một số cống tròn do địa phương quản lý bị xuống cấp, không có cửa ngăn mặn có khả năng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng rò rỉ mặn vào trong nội đồng.
Đối với vùng kẹp giữa 2 sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây (đoạn từ kênh Bến Lức - Thủ Thừa đến kênh Phước Xuyên, Thạnh Hóa) thì hệ thống công trình thủy lợi trong vùng chủ yếu là các tuyến kênh, rạch ngang dọc; cặp theo các tuyến kênh, rạch đã được đầu tư hệ thống bờ bao, cống bọng khép kín. Tuy nhiên, trước các tác động nước mặn xâm nhập sâu như hiện nay, khả năng nước mặn lấn sâu vào các tuyến kênh, rạch nội đồng tiếp giáp sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây sẽ xuất hiện tình trạng nguồn nước ngọt bị nhiễm mặn, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt của người dân.
Trong khi đó, với khu vực phía Nam Quốc lộ 62, hiện tại dọc tuyến Quốc lộ 62 còn nhiều vị trí cống dưới lộ chưa được đầu tư khép kín, bảo đảm ngăn mặn xâm nhập như cống Bà Định, Thủ Cồn, La Khoa, Bến Kè. Qua rà soát, tổng hợp số liệu từ các huyện, theo kế hoạch, tổng diện tích lúa vụ Đông Xuân 2019-2020 trên địa bàn các huyện: Cần Đước, Cần Giuộc, Bến Lức, Thủ Thừa, Thạnh Hóa, Tân Trụ, Châu Thành và TP.Tân An khoảng 62.268ha. Theo dự báo, diện tích lúa ở các địa phương trên có khả năng bị ảnh hưởng hạn, xâm nhập mặn khoảng 15.343ha. Ông Nguyễn Văn Lâm, ngụ xã Đức Tân, huyện Tân Trụ, xuống giống 0,5ha lúa được khoảng 40 ngày nhưng nước trong ruộng khô dần. “Tình trạng này không biết cầm cự được bao lâu” - ông Lâm lo lắng.
Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Thủ Thừa - Nguyễn Hữu Lợi cho biết: “Trước mùa vụ, ngành khuyến cáo người dân khu vực bị ảnh hưởng mặn xâm nhập không nên gieo sạ, nông dân đã tuân thủ nên không bị ảnh hưởng nhiều. Tuy nhiên, hiện nay, có nhiều diện tích lúa đang trong giai đoạn cần nước để trổ bông. Nếu thiếu nước, nguy cơ giảm năng suất, thậm chí mất trắng. Do đó, tuần qua, huyện tăng cường bơm nước”. Ngoài ra, diện tích rau màu, cây ăn trái ở các địa phương này có khả năng bị ảnh hưởng 11.059ha.
Trước tình hình này, các ngành, địa phương đã triển khai các giải pháp thực hiện phòng, chống hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn mùa khô 2019-2020. Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT - Nguyễn Chí Thiện, UBND tỉnh đã ban hành các công văn, kế hoạch khẩn trương triển khai thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn, phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh trong mùa khô năm 2019-2020 trên địa bàn tỉnh. Thống nhất cho chủ trương để Sở Giao thông Vận tải lắp đặt 16 cửa cống ngăn mặn nằm dọc trên tuyến Quốc lộ 62 thuộc địa bàn huyện Thủ Thừa, Thạnh Hóa gồm: Tám Khanh, Rạch Chùa, Rạch Gỗ, Bà Lộc, Rạch Bần, Tam Lang, Ổ Gà, Bà Thầy, Cả Ràng, Rạch Gia, Bà Sở, Thầy Pháp, Nước Trong, Cây Khế, Rạch Lò. Chỉ đạo Sở NN&PTNT phối hợp Ban Quản lý Đầu tư xây dựng Thủy lợi 10 triển khai đắp 2 đê quay kết hợp ngăn mặn tại vị trí thi công cống rạch Bà Hai Màng và cống rạch Ông Nhượng, huyện Thạnh Hóa,... Triển khai thi công đắp các đập tạm ngăn mặn trên các kênh, rạch cắt ngang Quốc lộ 62 thuộc huyện Thạnh Hóa như: Rạch Bà Định, Thủ Cồn, rạch La Khoa, kênh Bến Kè. Đến nay, đã hoàn thành việc đắp đập ngăn mặn. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, vận động nhân dân đối với những khu vực chưa nhiễm mặn chủ động đắp các bờ bao, đập tạm và lấy nước tích trữ nước ngọt trên đồng ruộng, dùng để tưới cây trồng trong thời gian dài. Tuy nhiên, lưu ý người dân khi lấy nước phải được các đơn vị chuyên môn kiểm tra, đo đạc chất lượng nước và hướng dẫn chặt chẽ. Đặc biệt, hiện nay độ mặn 2 sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây tăng cao nên phần lớn các cống thuộc hệ thống thủy lợi Nhựt Tảo - Tân Trụ không thể điều tiết lấy nước sản xuất, trong khi còn khoảng 4.700ha lúa của huyện Tân Trụ và Nam Thủ Thừa giai đoạn 30-60 ngày tuổi đang thiếu nước trầm trọng.
UBND tỉnh cho chủ trương thuê các máy bơm để tăng cường bơm nước bổ sung kết hợp với mở các cống đầu mối Ông Sen, Bà Phổ, Vàm Kênh, Cây Gáo khi độ mặn ngoài sông <1,5g/l trong kỳ triều kém từ ngày 31/01 đến 07/02/2020, nhằm tăng cường lấy nước ngọt tối đa vào hệ thống, phục vụ cứu 4.700ha lúa. Hiện vẫn còn hơn 2.000ha thiếu nước trầm trọng. Theo đó, đang chờ con nước trong tháng này, nếu độ mặn giảm sẽ bơm nước vào để cứu lúa. Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT - Nguyễn Chí Thiện, trước tình hình xâm nhập mặn đang diễn ra phức tạp, thời gian tới, các ngành, địa phương tiếp tục tiến hành nạo vét, đắp đập tạm, lắp đặt các trạm bơm dã chiến để kịp thời dẫn nước, trữ nước phục vụ sản xuất. Đặt các trạm bơm dã chiến tại các cống đầu mối: Cống Châu Phê, Ông Sen, Bà Phổ, kênh Thủ Thừa để bơm nước vào đồng khi kiểm tra độ mặn bảo đảm phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh. Phối hợp Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa đề nghị cung cấp, bổ sung, tăng lượng nước ngọt xả về sông Vàm Cỏ Đông khi độ mặn lên cao để kịp thời đẩy mặn, tranh thủ lấy nước ngọt phục vụ sản xuất.
Ngoài ra, theo ông Thiện, còn có các phương án khác để kịp thời cung cấp nước uống, nước sạch sinh hoạt hỗ trợ người dân vùng bị thiếu nước. Song song đó, rà soát, tu bổ, tôn cao các tuyến bờ bao xung yếu bị thẩm lậu, bờ bao thấp và đắp đập tạm để trữ nước, ngăn mặn: Bến Lức, Thủ Thừa, Thạnh Hóa, Đức Hòa, Đức Huệ. Kiểm tra các cống đầu mối, phủ bạt chống rò rỉ nước mặn vào nội đồng. Tổ chức nạo vét hệ thống kênh, mương, nạo vét khơi thông dòng chảy./.
Lê Đức