Tiếng Việt | English

26/09/2022 - 12:06

Tổ chức dây hụi trên 100 triệu đồng phải thông báo bằng văn bản cho UBND cấp xã  

Hiện nay, việc huy động vốn thông qua hình thức chơi hụi, họ, biêu, phường (sau đây gọi là hụi) tại một số địa phương rất phức tạp. Một số trường hợp bị vỡ hụi và chủ hụi bỏ trốn làm cho người dân rất hoang mang, phát sinh nhiều hệ lụy.

Tại cuộc tiếp xúc với đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Long An trước Kỳ họp thứ 3 – Quốc hội khóa XV, cử tri kiến nghị tỉnh có giải pháp khắc phục tình trạng này.


Nhằm tránh "tiền mất, tật mang", ngoài việc thỏa thuận về dây hụi bằng văn bản thì người tham gia có thể yêu cầu chủ hụi cấp giấy biên nhận cho việc góp hụi, lĩnh tiền hụi, nhận lãi, trả lãi,... (Ảnh minh họa)

Trả lời kiến nghị của cử tri, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An – Nguyễn Minh Lâm thông tin, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành Công an chủ động phối hợp các ngành chức năng tăng cường nắm tình hình, triển khai, thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng ngừa, kịp thời phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn các hành vi lợi dụng việc chơi hụi để lừa đảo chiếm đoạt tài sản; nâng cao hiệu quả công tác phát động phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Thời gian qua, ngành Công an thường xuyên tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của quần chúng nhân dân; rà soát những vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng thủ đoạn lợi dụng việc chơi hụi để lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại địa phương để đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các đối tượng phạm tội theo quy định của pháp luật để răn đe, phòng ngừa chung.

Từ đầu năm 2022 đến nay, lực lượng Công an đã tiếp nhận, thụ lý giải quyết 2 tin báo lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan hoạt động hụi. Trong đó, đã điều tra làm rõ, khởi tố 1 vụ, 1 bị can về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (bằng hình thức chơi hụi); hướng dẫn khởi kiện dân sự 1 vụ.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh, công tác đấu tranh, xử lý hành vi lợi dụng hoạt động chơi hụi để lừa đảo chiếm đoạt tài sản còn gặp một số khó khăn, vướng mắc do chính quyền địa phương ít nắm được thông tin, cho đến khi người dân trình báo cơ quan công an.

Điều 7 của Nghị định số 19/2019/NĐ-CP, ngày 19/02/2019 của Chính phủ quy định rõ: Thoả thuận về dây họ (hụi) được thể hiện bằng văn bản. Văn bản thoả thuận về dây hụi được công chứng, chứng thực nếu những người tham gia dây hụi yêu cầu. Trên thực tế, nhiều trường hợp chủ hụi lợi dụng lòng tin của những người tham gia để chiếm đoạt tài sản, khi phát sinh tranh chấp khởi kiện ra tòa án hoặc khi cơ quan điều tra khởi tố vụ án hình sự thì việc thỏa thuận chơi hụi đa số là bằng miệng, không thể hiện bằng văn bản, dẫn đến việc điều tra, xác minh, giải quyết vụ án gặp khó khăn.

Nhằm ngăn chặn việc lợi dụng chơi hụi để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành và địa phương tăng cường công tác giáo dục, tuyên truyền các quy định của pháp luật về hụi, trong đó tập trung tuyên truyền Nghị định số 19/2019/NĐ-CP, ngày 19/02/2019 của Chính phủ về họ, hụi, biêu, phường để người chơi hụi biết tự bảo vệ quyền lợi của mình. Cụ thể, ngoài việc thỏa thuận về dây hụi bằng văn bản thì người tham gia có thể yêu cầu chủ hụi cấp giấy biên nhận cho việc góp hụi, lĩnh tiền hụi, nhận lãi, trả lãi,...

Song song đó, UBND tỉnh chỉ đạo ngành Công an, nhất là cấp cơ sở phối hợp lực lượng chức năng tổ chức rà soát, nắm thông tin việc mở hụi trên địa bàn phụ trách. Đối với việc tổ chức dây hụi có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên, hay khi tổ chức từ 2 dây hụi trở lên thì yêu cầu người tổ chức phải thông báo bằng văn bản cho UBND cấp xã nơi cư trú nắm, phản ánh dấu hiệu vi phạm pháp luật với cơ quan công an để giải quyết kịp thời./.

Kỳ Nam

Chia sẻ bài viết