Tiếng Việt | English

15/06/2021 - 10:31

Toàn tỉnh đã xuống giống hơn 215.500ha lúa Hè Thu

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Long An, toàn tỉnh xuống giống hơn 215.500/215.000ha lúa Hè Thu 2021, đạt 100,2% kế hoạch bằng 126,9% so với cùng kỳ năm 2020, đã thu hoạch 36.158ha, năng suất khô ước đạt 64,9 tạ/ha, sản lượng 234.629 tấn. Các diện tích lúa đang ở các giai đoạn: mạ, đẻ nhánh, làm đòng, trỗ chín.

Nông dân cần tuân thủ khuyến cáo để có vụ Hè Thu thắng lợi

Qua kiểm tra đồng ruộng, Sở NN&PTNT tỉnh phát hiện bệnh đạo ôn lá với diện tích nhiễm là 3.868ha, tăng 443ha so với tuần trước, tỷ lệ nhiễm 3-5%: 400ha, tỷ lệ nhiễm 5-10%: 3.173ha, 10-20%: 295ha, tập trung trên lúa ở giai đoạn đẻ nhánh ở hầu hết các huyện, thị xã Kiến Tường và TP.Tân An.

Ngoài ra còn có các đối tượng gây hại: Bọ trĩ (393ha), rầy nâu (350ha), ốc bươu vàng (261ha), bệnh cháy bìa lá (208ha), chuột (139ha), sâu đục thân (120ha), ngộ độc phèn (40ha), sâu cuốn lá nhỏ (2 ha),… gây hại chủ yếu trên các trà lúa giai đoạn mạ - đẻ nhánh - đòng trổ ở hầu hết các địa phương trên địa bàn tỉnh.

Qua đó, Sở NN&PTNT cũng dự báo, trong tuần tới trên lúa sẽ xuất hiện các đối tượng dịch hại: rầy nâu (rầy cám  T3 - T4 xuất hiện rải rác); ốc bươu vàng, ngộ độc phèn, bọ trĩ, chuột,... Hầu hết sẽ phát sinh trên lúa mới gieo sạ tập trung ở các huyện: Thạnh Hóa, Thủ Thừa, Bến Lức, Đức Huệ, Cần Đước và Tân Trụ; bệnh đạo ôn lá, sâu đục thân, rầy nâu, bệnh cháy bìa lá,... tiếp tục phát sinh và gia tăng diện tích nhiễm trên lúa giai đoạn đẻ nhánh - đòng trổ; bệnh đạo ôn cổ bông, bệnh lem lép hạt, chuột,... phát sinh trên lúa giai đoạn trổ chín ở các huyện Tân Hưng, Mộc Hóa, Tân Thạnh, Thạnh Hóa và thị xã Kiến Tường.

Để bảo đảm vụ Hè Thu thắng lợi, Sở NN&PTNT khuyến cáo nông dân theo dõi chặt chẽ tình hình và hạn chế thấp nhất sự gây hại của muỗi hành, rầy nâu, bệnh vàng lùn – lùn xoắn lá. Bên cạnh đó, nông dân nên áp dụng tốt các giải pháp kỹ thuật ngay từ đầu vụ: “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm”, “1 phải 6 giảm”, quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), quản lý nước hợp lý,... giúp lúa sinh trưởng và phát triển tốt, giảm chi phí, tăng năng suất và lợi nhuận.

Bên cạnh đó, Sở NN&PTNT cũng yêu cầu nông dân phải thăm đồng thường xuyên để phát hiện sớm bệnh đạo ôn lá, bệnh cháy bìa lá,... nhằm có biện pháp quản lý và chăm sóc kịp thời, hạn chế ảnh hưởng đến sinh trưởng cây lúa. Ngoài ra, nông dân phải chú ý thu gom bao bì, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng để hạn chế ô nhiễm môi trường./.

Bùi Tùng

Chia sẻ bài viết