Xây dựng trạm cấp nước giúp các xã TP.Tân An nâng tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch
|
Khởi sắc
Theo Phòng Kinh tế TP.Tân An, năm 2010, khi thành phố triển khai chương trình XDNTM, hầu hết các xã đều không đạt tiêu chí (TC) giao thông. Khi đó, các tuyến đường trục xóm, ấp là đường mòn, chưa được cứng hóa và bị xuống cấp; các tuyến đường ngõ, xóm là đường nội bộ; đường trục chính nội đồng phần lớn là đường đất và sỏi đỏ, mùa mưa thường lầy lội, gây khó khăn cho việc đi lại và vận chuyển hàng hóa của người dân.
Sau hơn 8 năm thực hiện XDNTM, với sự nỗ lực và sự đầu tư từ tỉnh, thành phố, nhân dân, doanh nghiệp, các tuyến đường giao thông nông thôn tại 5 xã được nâng cấp, xây mới. 100% tuyến đường xã, đường từ trung tâm xã đến trung tâm thành phố được nhựa hóa hoặc bêtông hóa, bảo đảm ôtô đi lại thuận tiện. Thành phố đầu tư nhựa hóa 11 tuyến đường trục xã với tổng chiều dài trên 26km, nâng tổng số đường trục xã được nhựa hóa trên địa bàn các xã lên 44,12km, đạt 100%.
Từ năm 2011 đến nay, thành phố chuyển đổi trên 2.500ha đất trồng lúa sang các cây trồng khác và bước đầu mang lại hiệu quả cao, phù hợp. TC môi trường được thành phố hết sức chú trọng. Theo đó, thành phố đầu tư các công trình cấp nước và nâng cấp hệ thống xử lý nước sạch trên địa bàn các xã là 43 công trình, kinh phí trên 8,7 tỉ đồng; vốn tỉnh hơn 3,1 tỉ đồng, vốn thành phố hơn 3,7 tỉ đồng, vốn dân góp trên 1,8 tỉ đồng. Từ đó, góp phần nâng tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch lên 68,3%, tỷ lệ hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100%.
Xây dựng nông thôn mới, các hội, đoàn thể cùng chung sức (Trong ảnh: Trao thùng đựng rác cho người dân xã Lợi Bình Nhơn)
Năm 2015, xã Lợi Bình Nhơn được công nhận đạt chuẩn NTM.Chủ tịch UBND xã - Hồ Duy Tâm cho biết, khi thực hiện chương trình XDNTM vào năm 2010, xã gặp nhiều khó khăn, chỉ đạt 9/19 TC. Tỷ lệ hộ nghèo chiếm gần 10%; thu nhập bình quân đầu người dưới 15 triệu đồng/năm. Từ khi XDNTM đến nay, nhân dân xã đóng góp hơn 8,6 tỉ đồng, chiếm gần 8% tổng số vốn được huy động từ các nguồn lực và hàng ngàn ngày công để xây dựng cơ sở vật chất như bêtông hóa đường giao thông nông thôn, kiên cố hóa kênh, mương nội đồng,... Xã chăm lo đời sống người dân, góp phần nâng cao thu nhập; tỷ lệ hộ nghèo hiện còn 1,31%. Từ năm 2015 đến nay, ngành điện đầu tư kinh phí khá lớn để hạ thế điện và xóa điện tổ trên địa bàn xã. Thời gian tới, xã tiếp tục củng cố, nâng chất các TC về môi trường, an ninh, trật tự, vận động người dân đóng góp duy tu, sửa chữa một số tuyến đường giao thông nông thôn.
Vùng quê “chuyển mình”
Chúng tôi đến xã Hướng Thọ Phú, địa phương cuối cùng của thành phố đạt chuẩn NTM vào cuối năm 2017. Ông Trương Văn Sơn, ngụ ấp 2, nói: “Từ khi địa phương XDNTM, người dân được hưởng lợi. Hướng Thọ Phú hôm nay có nhiều đường nông thôn được trải nhựa tạo điều kiện cho người dân lưu thông và vận chuyển hàng hóa; người dân cùng với chính quyền trồng cây xanh, chăm sóc hoa; một số trạm cấp nước được đầu tư;... Xã khuyến khích người dân áp dụng kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp để tăng thu nhập. Gia đình tôi từ khi chuyển từ trồng lúa sang hoa màu, đời sống khá hơn xưa”.
Xã Hướng Thọ Phú đạt chuẩn xã văn hóa - nông thôn mới
Chạy xe trên lộ nhựa thẳng tắp đến trung tâm xã, chúng tôi được biết đây là tuyến đường được xây dựng trong quá trình đi lên xã văn hóa - NTM. Đó là đường Đỗ Trình Thoại, con đường huyết mạch của địa phương. Để nhựa hóa được tuyến đường này, Hướng Thọ Phú vận động 114 hộ dân đồng tình hiến đất và tài sản trên đất với tổng kinh phí xây dựng trên 11,6 tỉ đồng. Không chỉ có đường Đỗ Trình Thoại, xã còn được quan tâm, nâng cấp và mở rộng đường Huỳnh Ngọc Mai, Đặng Ngọc Sương, Trần Văn Ngàn,...
Theo UBND xã Hướng Thọ Phú, địa phương xác định XDNTM cần có lộ trình. Hơn 5 năm phát động, xã huy động tối đa nguồn lực, đầu tư hơn 50 tỉ đồng, trong đó, người dân đóng góp gần 7 tỉ đồng. Trong 19 TC XDNTM, TC môi trường, hình thức tổ chức sản xuất, giao thông,... được xem là những TC khó. Vì vậy, đến nay địa phương dù đạt 19/19 TC nhưng vẫn duy trì, củng cố.
Hướng Thọ Phú có 100% hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh; địa phương đầu tư xây dựng 17 hệ thống khử trùng, nâng tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch đạt 66,6%; số hộ có đủ 3 công trình (nhà tắm, hố xí, bể nước) đạt chuẩn là 92,9%; 100% cơ sở kinh doanh bảo đảm đạt tiêu TC về môi trường; gần 90% số hộ chăn nuôi có chuồng trại bảo đảm vệ sinh môi trường; vận động các hộ dân trên các tuyến đường chính ký hợp đồng thu gom rác; thường xuyên vận động nhân dân tham gia vớt lục bình, phát quang bụi rậm, cây dại trên các tuyến kênh,... Ngoài ra, trường học được xây dựng, đáp ứng nhu cầu dạy và học.Trạm Y tế xã được xây mới, đạt chuẩn quốc gia về y tế. Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Học tập cộng đồng được xây dựng khang trang tại ấp 2 với nguồn vốn trên 3 tỉ đồng, diện tích gần 6.000m2. 5 ấp của xã đều có trụ sở sinh hoạt.
Hệ thống giao thông được xây dựng, một trong những điều kiện giúp các địa phương Tân An đạt chuẩn nông thôn mới (Trong ảnh: Giao thông nông thôn tại xã Hướng Thọ Phú được trải nhựa, trồng hoa)
Về xã Hướng Thọ Phú hôm nay mới thấy rõ sự phát triển kinh tế của người dân qua những ngôi nhà khang trang. Hiện nay, trên địa bàn xã có gần 1.700 hộ xây dựng nhà kiên cố, đạt gần 90%, địa phương cơ bản xóa 100% nhà tạm bợ và hoàn thành TC số 9 trong XDNTM.
Theo UBND thành phố, từ nay đến năm 2020, Tân An tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, huy động mọi nguồn lực XDNTM theo hướng nâng cao các TC đã đạt, hướng đến các mục tiêu: Đẩy mạnh đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng KT-Xh nông thôn theo hướng đồng bộ, nâng cao mức sống của người dân khu vực nông thôn; tập trung phát triển nông nghiệp đô thị, nông nghiệp kỹ thuật cao, nông nghiệp ven đô thị gắn với công tác bảo vệ môi trường,... góp phần nâng cao đời sống người dân, rút ngắn khoảng cách giữa nông thôn với thành thị./.
Tổng kinh phí thực hiện chương trình XDNTM của TP.Tân An từ năm 2011-2018 trên 295 tỉ đồng; trong đó vốn ngân sách khoảng 230 tỉ đồng, vốn doanh nghiệp 30,06 tỉ đồng, nhân dân đóng góp 16,499 tỉ đồng.
Đến nay, kết cấu hạ tầng thiết yếu trên địa bàn 5 xã từng bước đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất và dân sinh. Trong lộ trình XDNTM, thành phố đầu tư nạo vét 43 tuyến kênh, rạch; thay mới, sửa chữa 26 nắp cống thủy lợi; duy tu, sửa chữa 3 đê bao với tổng kinh phí thực hiện trên 19 tỉ đồng. Xây dựng mới 4 trung tâm văn hóa - thể thao và học tập cộng đồng; 12 trường đạt chuẩn quốc gia,...
(Nguồn: UBND TP.Tân An)
|
Thanh Nga