Tiếng Việt | English

03/12/2022 - 09:33

Trẻ em đang là mục tiêu bị “săn tìm” trên môi trường mạng

Phương pháp chặn lọc các trang web “bẩn” gần như không còn hiệu quả bởi hiện nay các nội dung độc hại tự tìm kiếm, tiếp cận với trẻ em thông qua nhiều cái tưởng chừng vô hại.

Chỉ chặn trang web người lớn không còn đúng với thực tế

Thống kê của Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cho thấy, Việt Nam đang có khoảng 24,7 triệu trẻ em, chiếm gần 25% dân số, trong đó 2/3 trẻ em có thể tiếp cận thiết bị kết nối internet. Còn theo số liệu báo cáo của UNICEF, 82% trẻ em Việt Nam trong độ tuổi 12-13 tuổi có sử dụng internet và con số này tăng lên 93% đối với trẻ từ 14-15 tuổi.


Nội dung độc hại tự tìm kiếm, tiếp cận với trẻ em thông qua chương trình game, video hoạt hình, ca nhạc... trên các nền tảng.

“Điều này cho thấy mức độ tham gia các hoạt động trên không gian mạng của trẻ em ở Việt Nam là rất lớn, đặc biệt là sau đại dịch Covid-19 vừa qua. Có thể nói chưa bao giờ trẻ em dành nhiều thời gian cho Internet như hiện nay”, ông Nguyễn Đức Tuân, Giám đốc Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam (VNCERT), Bộ TT&TT nhận định.

Việc sử dụng, tham gia các hoạt động trên Internet gia tăng sẽ khiến trẻ em phải đối mặt với nhiều rủi ro như tiếp cận với các nội dung độc hại, bị phát tán thông tin riêng tư, nhạy cảm; bị bắt nạt trực tuyến hoặc rơi vào tình trạng nghiện Internet. Trước tình trạng này, bảo vệ và giúp đỡ trẻ em phát triển lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng là trách nhiệm của toàn xã hội.

Theo nhiều chuyên gia, nếu như trước đây, việc sử dụng các công cụ chặn lọc các trang web người lớn có thể tạo lớp tường bảo vệ trẻ em thì hiện tại việc này không còn hữu hiệu. Các nội dung “bẩn” thậm chí là cả nền tảng cung cấp dịch vụ như YouTube cũng muốn “khai thác”, “săn tìm” đa dạng đối tượng khách hàng, bao gồm cả trẻ em.

“Khảo sát công cụ quét cho thấy có tới 80% tiếp xúc không mong muốn với các nội dung không phù hợp với lứa tuổi, nội dung người lớn… dù ngay tại các kênh được xem cho dành cho trẻ em. Các nội dung khiêu dâm, độc hại được cài cắm ngay trong các video tưởng như chuyên dành cho trẻ em như phim hoạt hình, ca nhạc, chương trình game…”, bà Nguyễn Phương Thanh Trúc, đồng sáng lập và CEO CyberPurify cho biết.

Còn theo khảo sát của CyberPurify với khoảng 1000 cha mẹ có con nhỏ dưới 12 tuổi, 75% phụ huynh cho rằng con mình chưa từng tiếp cận với các hình ảnh khiêu dâm và họ có biện pháp để kiểm soát nội dung con mình tiếp cận. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, không một biện pháp công nghệ nào có thể chặn lọc 100% nội dung xấu tiếp cận với trẻ em.

“Con số khảo sát cho thấy dường như phụ huynh đang đánh đồng lứa tuổi của mình với lứa tuổi của trẻ hiện nay. Việc kiểm soát trẻ mới chủ yếu thỏa mãn xu hướng muốn kiểm soát của bố mẹ mà chưa mang lại hiệu quả tối ưu. Trong khi hiện nay giới trẻ rất rành công nghệ. Họ hoàn toàn có thể lập mật khẩu mới hoặc lách tài khoản đăng nhập để tránh sự kiểm soát của bố mẹ. Đặc biệt với lứa tuổi dậy thì, việc kiểm soát không đúng cách của bố mẹ có thể dẫn đến việc con không tin bố mẹ hay giấu diếm vì sợ bố mẹ phán xét… có thể dẫn đến nhiều việc không mong muốn”, bà Trúc cho hay.

Tạo hệ miễn dịch số cho trẻ em khi tham gia trên môi trường mạng

Theo ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, hiện nay có thực trạng là trẻ gặp vấn đề trên mạng nhưng không biết chia sẻ với ai. Tổng đài bảo vệ trẻ em 111 trực 24/7, đây là một cổng giao tiếp đặc biệt. Trung bình mỗi năm nhận hơn 500.000 cuộc gọi đến cao điểm nhất là thời điểm đại dịch Covid-19. Năm 2022, tổng đài này không chỉ tiếp nhận cuộc gọi đến của trẻ em mà còn của cả các bậc cha mẹ để phối hợp xác minh, hỗ trợ, can thiệp khẩn cấp; hỗ trợ thông tin, tư vấn.


Tạo hệ miễn dịch số cho trẻ em khi tham gia trên môi trường mạng để bảo vệ trẻ em.

Tính đến 11/2022, Tổng đài 111 đã tiếp nhận 356.681 cuộc gọi tới, tiếp nhận trên các kênh chính là điện thoại di động, cố định và tài khoản zalo 111. Thông qua các công cụ trên môi trường mạng đã tiếp nhận hơn 9.301 cuộc gọi trên hệ thống online này. Trong đó có 417 cuộc gọi xếp loại có vấn đề xâm hại trên môi trường mạng; trong đó triển khai 393 cuộc gọi tư vấn, trong đó 20 trường hợp cần can thiệp khẩn cấp.

“Khó khăn khi triển khai Tổng đài 111, đó là người gọi đến kỳ vọng có kết quả ngay tuy nhiên để giải quyết nóng, nhanh thì Cục Trẻ em không thể làm được hoặc giải quyết không kịp kỳ vọng của các cha mẹ, trẻ em khi gọi tới. Ngoài ra rất khó xoá triệt để các thông tin độc hại bởi vẫn tồn tại các đường link, thông tin biến tướng và có thể xuất hiện ở nhiều nơi. Do đó, phải có sự kết hợp nhiều bên, nhiều giải pháp khác nhau”, ông Nam cho biết.

Cục trưởng Cục Trẻ em cho rằng: “Để trẻ có được hệ miễn dịch số khi tham gia trên môi trường mạng, tạo ra vaccine số cho từng nhóm trẻ, quan trọng nhất là từ phía cha mẹ làm sao để trẻ sẵn sàng chia sẻ những vấn đề gặp phải trên môi trường mạng, về các thông tin trẻ có thể tiếp cận trên môi trường mạng. Việc này đòi hỏi có sự tham gia, đồng hành, đồng thuận của trẻ và bảo vệ các thông tin bí mật riêng tư của trẻ”.

Cùng với đó, các cơ quan quản lý đang hợp lực tìm kiếm, khuyến khích các ứng dụng công nghệ để bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Cục Trẻ em cùng Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) đang khuyến khích, tìm kiếm các doanh nghiệp có thể xây dựng giải pháp sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.

Cụ thể, theo lãnh đạo Cục Trẻ em, Tổng đài quốc gia về bảo vệ trẻ em 111 đang tìm kiếm các giải pháp đồng hành và xây dựng AI dần thay thế nhân viên tư vấn của 111 để giải đáp thông tin dưới dạng (chatbox); phân tích dữ liệu, xác định xu hướng bởi cục đã có đầy đủ các dữ liệu đầu vào; hỗ trợ cho những người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp cơ sở (thôn, xã) để AI hỗ trợ họ trong đánh giá nguy cơ trên mạng cũng như trong đời thực để hỗ trợ địa phương xây dựng các kế hoạch hỗ trợ can thiệp, các dịch vụ cần kết nối hay các cá nhân có trách nhiệm.

“AI này được xây dựng theo triết lý để đồng hành cùng con người, sau đó dần dần thay thế nguồn nhân lực của chúng ta. AI đồng hành cùng con người, giúp con người trong chăm sóc và điều trị sức khoẻ tâm thần cho trẻ em. Đây là khía cạnh có nhu cầu rất lớn, rõ rệt nhất là trong đại dịch Covid-19 vừa qua”, ông Nam nói.

Tuy nhiên, ông Đặng Hoa Nam cũng khuyến nghị, cho dù các sản phẩm công nghệ như thế nào để hỗ trợ trẻ em trên mạng thì sản phẩm đó phải đồng hành, đồng thuận và thân thiện với trẻ em./.

Vân Anh/VOV.VN

Chia sẻ bài viết