Tiếng Việt | English

20/02/2016 - 19:42

Trị bệnh cho chồng


Ảnh minh họa: Kiều Oanh

Ai cũng bảo anh hiền, siêng năng lại biết cưng chiều vợ con. Anh sẽ là mẫu đàn ông đáng để chị em mơ ước nếu không có một cái tật rất kỳ cục. Mỗi khi tức giận hay bị đuối lý trong một cuộc tranh luận nào đó giữa 2 vợ chồng, anh liền nổi cơn mày tao loạn xạ, để vợ sợ mà hết dám ý kiến ý cò!

Mỗi lần như vậy, chị ấm ức lắm, lý lẽ đang ngon trớn bỗng nhiên bị bác bỏ một cách lãng nhách. Cái câu anh vẫn dùng để “chặn đứng” chị là: “Lắm lời quá! Mày im ngay cái miệng cho tao nhờ. Thứ đàn bà gì mà óc như trái nho lại cứ thích cãi chồng lem lẻm!”. Thế là chị… kinh! Thôi thì nhịn đi cho nó lành, kẻo một hồi hàng xóm lại tưởng chị là con anh!

Khi hết giận, chị mới đem vấn đề “mày tao” của anh ra phân tích để anh rút kinh nghiệm. Nào là xưng hô như vậy chứng tỏ là người không có văn hóa, là không tôn trọng vợ, hàng xóm người ta cười cho. Rồi là tấm gương xấu cho con cái, làm sao dạy được con,… Chị phân tích đủ thứ tác hại từ cái tật xấu của anh gây ra. Anh nghe thấy cũng phải, gật gù hứa sẽ bỏ. Anh còn thanh minh, tại lúc đó tức quá, không còn tỉnh táo mà phân biệt được tốt xấu nên cứ vậy “phun châu nhả ngọc” cho hả!

Hứa là hứa vậy thôi, chỉ được vài lần là quên tuốt, anh lại chứng nào tật nấy. Chị vừa xấu hổ với hàng xóm, vừa sợ con cái nghe riết sẽ bắt chước. Vợ chồng còn yêu thương nhau, cứ anh anh em em ngọt sớt mà bỗng nhiên mày tao loạn cả lên, qua “cơn” lại tỉnh queo như chẳng có chuyện gì xảy ra vậy. Thiệt chẳng ra thể thống gì hết! Mà cứ vậy riết rồi tình cảm chị dành cho anh cũng sứt mẻ dần. Chị trăn trở, suy tính tìm cách trị “bệnh” cho chồng. Cô bạn thân hiến kế: “Lấy độc trị độc thử coi!”. Nghĩa là mỗi lần anh mày tao thì chị cũng “mày tao” luôn, chắc chắn anh sẽ… ngán mà bỏ tật. Nhưng tính tới tính lui, chị thấy dùng cách này hình như không ổn! Một mình anh “mày tao” nghe đã thấy xấu hổ, giờ cả hai vợ chồng cùng mày tao lại càng loạn. Mà chị cũng không thể thốt ra những lời đó, nghe chẳng… giống ai!

Rồi chị cũng nghĩ ra một cách. Chị tin cách này sẽ hiệu quả, nghĩ thế chị bỗng thấy lòng đầy hy vọng…

Vừa rồi, anh chị lại có vấn đề phải bàn bạc. Như mọi lần khi cơn nóng giận bừng bừng bốc lên, anh lại giở “chiêu” cũ ra để chấm dứt cuộc tranh luận đến hồi căng thẳng. Đã chuẩn bị sẵn, nên toàn bộ “lời hay ý đẹp” của anh bị “hút” cả vào cái điện thoại trong tay chị đang mở sẵn chế độ ghi âm. Trận chiến kết thúc, phần thắng tuy nghiêng về phía anh nhưng trong lòng chị như đang nhen nhóm một niềm vui. Chẳng biết nghĩ gì mà chị tủm tỉm cười một mình.

Hôm nay anh vui lắm, anh vừa được lên chức trưởng phòng. Trên đường về, anh ghé mua vài món ngon vợ con thích. Ở cơ quan đã vui với đồng nghiệp rồi, về nhà cũng phải đãi vợ con một chầu nữa chứ (lúc bình thường anh dễ thương vậy đó). Cả nhà vui lắm, lũ trẻ rộn ràng cười tít: “Ba được làm sếp hả ba?”. Chị cũng cười tươi như hoa chúc mừng chồng. Những giây phút như lúc này, gia đình chị thật hạnh phúc. Không ai có thể tưởng tượng ra người đàn ông bình thường đáng yêu đến thế kia lại có lúc “hô biến” ra ngay một con người trái ngược hoàn toàn chỉ vì không kiềm chế được lời nói…

Khi các con lên lầu học bài, chỉ có hai vợ chồng với nhau chị mở bản nhạc mà anh chị từng rất thích từ thuở còn yêu. Bản nhạc du dương lãng mạn đưa anh trở về kỷ niệm ngày xưa, anh lim dim chìm đắm trong cảm xúc. Đột nhiên tiếng nhạc ngưng bặt, thay vào đó là tiếng ồn ào. Rồi tiếng một người đàn ông, anh lắng nghe, hình như tiếng mình! Nhưng sao lạ lắm, chẳng giống lúc thường chút nào. Mà nghe dữ quá, cũng ngoa ngoắt lắm, chẳng khác một gã chợ trời đang lớn tiếng ức hiếp kẻ yếu. Trời! Là mình thiệt sao? Mình tệ vậy sao? Anh luống cuống nhìn vợ vẻ ái ngại, xấu hổ. Nhưng chị có vẻ như đang mải loay hoay làm gì đó, có lẽ chị muốn anh tự nhìn lại mình mà suy ngẫm.

Anh vội tắt máy như muốn trốn chạy khỏi những thanh âm khó chịu kia. Ngẩn tò te một hồi, anh bẽn lẽn hứa lần này nhất định sẽ bỏ hẳn, không thì mất mặt quá. Lại vừa lên sếp, nói ai nghe?

Hoài Thu

Chia sẻ bài viết