Tiếng Việt | English

18/08/2015 - 09:12

Tuyển sinh đại học 2015: Như đường ống nước Sông Đà?

Tuyển sinh đại học năm 2015 gặp “vướng” từ khâu công bố điểm, Bộ GD-ĐT sửa cách làm và đến giờ là cách xét nguyện vọng 1 lại rối, lại sửa…

Hơn hai tuần đã trôi qua kể từ khi Bộ Giáo dục-Đào tạo chính thức cho phép nhận hồ sơ xét tuyển đợt 1 năm 2015 vào các trường đại học và cũng bằng ấy ngày “một không khí lo âu, bất an” bao trùm gia đình các thí sinh. Chưa năm nào, công tác tuyển sinh đại học lại “rối rắm, nặng nề” như năm nay. Phụ huynh và thí sinh quay cuồng với cuộc chơi mới nhưng các thông tin từ phía Bộ đưa ra khiến nhiều người sốt ruột, bởi tất cả chỉ xoay quanh cụm từ “sáng suốt, bình tĩnh” lựa chọn trường và liên tục cập nhật thông tin. Nhiều người kêu trời, than đất vì một kỳ thi có nhiều cái mới gây khó cho gia đình các thí sinh.

Quá tải tại các điểm rút hồ sơ xét tuyển nguyện vọng 1 (ảnh Quang Trung)

Trong chương trình “Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời” tối 16/8, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận cho biết đối với việc xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng, trước đây học sinh chỉ biết lo lắng và chấp nhận kết quả dựa trên sự đăng ký ban đầu đầy may rủi. Bây giờ tuy lo lắng nhưng có thông tin để tính toán, cân nhắc và thay đổi.

Nhưng không biết Bộ trưởng có thấu hiểu đã có quá nhiều gia đình phải thốt lên “chúng tôi đã quá lo lắng, bất an” hay không? Nửa tháng qua, nhiều gia đình chịu cảnh “cơm hàng, cháo chợ”, chầu trực ở các trường đại học để rút rút, nộp nộp hồ sơ cho con em mình mà không biết đỗ hay trượt. Nửa tháng qua, nhà nào cũng vậy, có con thi điểm cao, có hy vọng đỗ đại học đều như “đứng đống lửa, như ngồi đống than”.

Mọi diễn biến trong kỳ thi này có vẻ đã vượt tầm kiểm soát của Bộ GD-ĐT. Quay ngược về thời điểm công bố điểm thi THPT Quốc gia. Cách làm của Bộ đã khiến bao nhiêu người bất bình, vì “úp úp, mở mở”. Thế là Bộ phải “sửa sai” bằng cách để hàng chục báo điện tử cùng tham gia công bố điểm, chứ ban đầu là Bộ độc quyền và giữ kín vì đây là “bí mật cá nhân”.

Sau nhiều ngày người dân kêu ca, phàn nàn về việc quá vất vả khi phải đợi chờ, rút – nộp hồ sơ tuyển sinh đại học, Bộ GD-ĐT đã có công văn “gỡ khó” cho thí sinh - công văn 4079 đề nghị các Sở Giáo dục - Đào tạo phối hợp với các trường tiếp nhận đề nghị thay đổi nguyện vọng xét tuyển của thí sinh. Những tưởng, công văn này sẽ giúp các trường giảm tải, các thí sinh hạn chế việc đi lại, nhưng hiệu ứng “ngược” lại xảy ra, tình hình lại càng trở nên rối rắm, nhiều gia đình không biết phải làm theo cách nào.

Cách làm của Bộ GD-ĐT đang khiến nhiều người liên tưởng đến đường ống nước Sông Đà. Cứ làm, vỡ lại bịt, sai lại sửa, mà không dự liệu tính toán từ đầu. Và cũng như đường ống nước, dù có vỡ hay bị sự cố gì, cuối cùng vẫn là dân phải chịu. Hàng chục nghìn gia đình ở thủ đô đã phải sống trong cảnh thiếu nước sinh hoạt khi mỗi lần vỡ ống nước. Cuối cùng, TP Hà Nội đã phải quyết định xây dựng một dự án mới thay thế công trình hiện nay!

Trở lại với câu chuyện rút – nộp hồ sơ xét tuyển đại học năm 2015, Bộ GD-ĐT bảo, các em có cơ hội, có thông tin để tham khảo, nhưng thông tin của Bộ đưa ra giống như “tung hỏa mù”, chẳng ai định hướng được. Mọi năm, ngưỡng điểm 20 là đã chắc ăn đỗ đại học. Năm nay, 23-24 điểm mà vẫn chưa biết có đạt được nguyện vọng số 1 của mình hay không. Nói như PGS Văn Như Cương: “Trường Lương Thế Vinh có 48% các cháu đạt điểm 23-24 điểm. Đây là ngưỡng điểm chấp chới khiến tôi lo lắng nhất”.

Điều đáng nói, với một đề án đổi mới ảnh hưởng quá sâu rộng trong xã hội nhưng dường như sự chuẩn bị của Bộ Giáo dục-Đào tạo còn rất hời hợt. Để đến khi bắt tay vào làm thì sai đâu sửa đấy, sai đâu khắc phục đấy, ai cũng thấy rằng Bộ GD-ĐT rất bị động trong cuộc thi này. Thế nhưng, các phát ngôn của lãnh đạo Bộ đưa ra khiến nhiều người có thâm niên trong ngành giáo dục, như PGS Văn Như Cương, cũng phải thốt lên rằng, Bộ quá chủ quan khi cho rằng kỳ thi tiết kiệm, thành công, thí sinh có nhiều thuận lợi, tăng cơ hội trúng tuyển.

Nói về cơ hội trúng tuyến, theo PGS Văn Như Cương, với một đề thi “hai trong một” thì 2 mục tiêu đạt được trong một kỳ thi đã khó, vì không phân hóa cao. Chính vì thế, cơ hội trúng tuyển nhiều cũng đồng nghĩa với băn khoăn chất lượng tuyển sinh cũng tăng?

Thí sinh có thời gian suy nghĩ, lựa chọn và... vất vưởng cả tháng trời (ảnh Quang Trung)

Lãnh đạo Bộ GD-ĐT bảo rằng, cách tuyển sinh ngày xưa bất công bằng, nó khiến những bạn học giỏi bị trượt đại học trong khi bạn học kém hơn có thể đỗ đại học, vì không có thông tin. Và với cách thay đổi năm nay, nói như Bộ GD-ĐT thì cánh cửa vào đại học đang “mở toang” với nhiều người. Tất nhiên còn có một cái barie là “điểm sàn”. Điều này cũng có nghĩa, các trường sẽ tuyển được đông sinh viên, tăng doanh thu… Những năm qua, tuyển sinh đại học khắt khe là vậy thế nhưng ra trường vẫn có tới 178.000 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp. Năm nay, cơ hội vào đại học nhiều hơn trong khi chất lượng chưa chắc đã tăng, thì con số cử nhân thất nghiệp có lẽ sẽ tiếp tục tăng chứ không có cơ hội giảm./.

Vũ Hạnh/VOV.VN

 

 

Chia sẻ bài viết


 
Liên kết hữu ích