Liên đoàn Lao động tỉnh tuyên truyền pháp luật cho công nhân, lao động ở khu nhà trọ
Đã thành lập 305 tổ công nhân tự quản
Là tỉnh phát triển công nghiệp đứng đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nên số lượng người lao động đến làm việc trên địa bàn ngày càng nhiều, nhất là ở các huyện phát triển công nghiệp như Bến Lức, Đức Hòa, Cần Giuộc, Thủ Thừa, Cần Đước. Do lao động đến làm việc trên địa bàn từ các địa phương khác nên phải lưu trú trong các khu nhà trọ.
Trước nhu cầu đó, loại hình kinh doanh nhà trọ cũng nở rộ. Qua khảo sát thực tế của các cấp, các ngành cho thấy phần lớn CNLĐ sau giờ làm việc về đến nhà là chỉ muốn nghỉ ngơi, ít xem tivi hay đọc sách, báo. Thậm chí cũng ít quan tâm đến những chế độ, chính sách, pháp luật của Nhà nước, cho dù có nhiều vấn đề thiết thực liên quan đến bản thân. Bên cạnh đó, một vấn đề đặt ra với nhiều lo ngại là tại các khu nhà trọ tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an ninh, trật tự, tệ nạn xã hội và các hành vi vi phạm pháp luật.
Xuất phát từ thực tế đó, năm 2013, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh xây dựng Đề án số 01 về xây dựng tổ chức CNTQ ở khu nhà tập thể, khu nhà trọ có đông CNLĐ lưu trú và được UBND tỉnh phê duyệt. Đề án ra đời, thực hiện được đông đảo chủ nhà trọ, công nhân và các cấp Công đoàn, chính quyền địa phương đồng tình cao. Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh - Lê Thị Thu Cúc cho biết: “Tính đến hết năm 2019, toàn tỉnh thành lập được 305 tổ CNTQ tại các khu nhà trọ, đạt hơn 52% (chỉ tiêu đề ra trên 40%)”.
Để nâng dần chất lượng, ở 305 tổ CNTQ đã thành lập, bổ sung và thực hiện tốt “Quy ước tổ CNTQ”. Đồng thời, nhiều tổ còn xây dựng được lịch sinh hoạt hàng tháng, hàng quí. Thông qua những tổ CNTQ ở các khu nhà trọ, nhà tập thể có đông công nhân, các cấp Công đoàn tích cực phối hợp công an, các ban, ngành, đoàn thể địa phương tổ chức các hoạt động tuyên truyền sâu, rộng đến CNLĐ các chính sách, pháp luật.
Nhà trọ Duy Quý ở thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức, có hơn 250 phòng trọ với hàng trăm người ở trọ là một trong những nơi thành lập tổ CNTQ sớm nhất trên địa bàn tỉnh. Ông Nguyễn Văn Lới - chủ khu nhà trọ Duy Quý, cho biết, có tổ CNTQ, khu nhà trọ không còn những vụ mất cắp vặt; công nhân ở trọ sống chan hòa, vui vẻ, đoàn kết với nhau. Điều này khiến người lao động luôn yên tâm sinh sống, làm việc. Một trong những quy định “cứng” tại khu nhà trọ là không tiếp khách, nói lớn tiếng sau 22 giờ.
Thời gian qua, người ở trọ tại đây được tổ CNTQ, tổ chức Công đoàn, các cấp, các ngành tập trung tuyên truyền về Luật Lao động, Luật Công đoàn, Luật Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp, Luật An ninh mạng. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm và sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình,... Gần đây, đẩy mạnh tuyên truyền Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định 100 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực vi phạm giao thông đường bộ, đường sắt.
“Thông qua những cuộc tuyên truyền đó, tôi hiểu hơn về pháp luật để thực hiện, đồng thời cũng biết được những quyền lợi, trách nhiệm của bản thân khi lao động trong khu công nghiệp”, anh Nguyễn Văn Hoàng - công nhân đang lưu trú tại khu nhà trọ, cho biết.
Tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến công nhân hiệu quả hơn.
Chỉ riêng năm 2019, có trên 15.000 CNLĐ thường xuyên tham gia sinh hoạt ở các khu nhà trọ, nhà tập thể. Ban chỉ đạo xây dựng tổ CNTQ các cấp đã tổ chức 17 cuộc tư vấn, tuyên truyền pháp luật lưu động cho hơn 2.500 người lao động và phát hàng ngàn tờ rơi. Theo Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh - Lê Thị Thu Cúc, thông qua tổ CNTQ ở khu nhà trọ, những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các chế độ, chính sách lao động được thông tin, phổ biến kịp thời hơn đến công nhân để nắm bắt, hiểu rõ, thực hiện.
Thời gian qua, các cấp Công đoàn còn tuyên truyền, hướng dẫn để công nhân ở các tổ CNTQ theo dõi các chuyên mục Lao động và Công đoàn, các nội dung hỏi - đáp pháp luật lao động đến người lao động thông qua website congdoanlongan, Bản tin Công đoàn hoặc truy cập trang fanpage CÔNG ĐOÀN LONG AN và nhóm Facebook LONG AN 287.
Cùng với việc đổi mới nội dung, thời gian qua, có nhiều mô hình hay, sáng tạo, hiệu quả trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đã được triển khai và nhân rộng. Tiêu biểu như LĐLĐ huyện Bến Lức tổ chức diễn đàn lắng nghe ý kiến CNLĐ ở các khu nhà trọ. LĐLĐ huyện Đức Hòa tổ chức hội thi an toàn giao thông tại khu nhà trọ có đông CNLĐ lưu trú; phối hợp các đơn vị tổ chức tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS, dịch bệnh và các chính sách, pháp luật khác liên quan đến CNLĐ.
“Từ những hiệu quả mang lại, mô hình tổ CNTQ khu nhà trọ, khu tập thể có đông CNLĐ đã tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức Công đoàn tuyên truyền, phổ biến pháp luật, góp phần nâng cao nhận thức của CNLĐ. Từ đó, góp phần hạn chế xảy ra các vụ tranh chấp lao động dẫn đến ngừng việc tập thể làm ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội tại địa phương”, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh - Lê Thị Thu Cúc đánh giá.
Trên địa bàn tỉnh Long An hiện có trên 1.800 khu nhà trọ với hơn 16.600 phòng, có hơn 40.000 công nhân, lao động thuê trọ. Tính đến nay, đã thành lập được 305 tổ công nhân tự quản trong các khu nhà trọ, nhà tập thể. |
Lê Vy