Những điểm sáng trong ứng dụng công nghệ cao
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI chọn Phát triển nông nghiệp ƯDCNC gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp là 1 trong 3 chương trình đột phá. Kế thừa những kết quả của giai đoạn 2016 - 2020, trong giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh tập trung ƯDCNC vào 4 cây (lúa, rau, thanh long, chanh) và 2 con (tôm thẻ, bò thịt).
Huyện Cần Đước, Cần Giuộc (tỉnh Long An) là 2 địa phương trọng điểm thực hiện Chương trình ƯDCNC trên cây rau và con tôm. Theo đó, những năm qua, huyện Cần Đước, Cần Giuộc tích cực đẩy mạnh tuyên truyền, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, khai thác tốt các tiềm năng sẵn có ở địa phương, tranh thủ các nguồn lực từ huyện đến tỉnh để hỗ trợ nông dân, hợp tác xã (HTX) phát triển diện tích rau và tôm ƯDCNC.
Sau thời gian thực hiện, điểm nổi bật tại huyện Cần Đước và Cần Giuộc chính là xây dựng, duy trì và phát triển được nhiều HTX trồng rau ƯDCNC, góp phần thay đổi nhận thức của người dân từ trồng rau theo phương thức truyền thống sang ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật để tạo ra sản phẩm sạch, chất lượng, thân thiện với môi trường, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.
Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất là hướng đi tất yếu của nền nông nghiệp hiện đại
Điển hình như HTX Rau an toàn Việt (xã Long Trạch, huyện Cần Đước). Được biết, 7ha rau của HTX đều được trồng theo phương thức hữu cơ 100%. Với cách làm này, HTX phải tốn nhiều chi phí nhưng bù lại sản phẩm luôn được thị trường đón nhận, nhất là bảo đảm được sản phẩm chất lượng, thân thiện với môi trường.
Chị Nguyễn Thị Kim Thy (đại diện HTX Rau an toàn Việt) bày tỏ: “Với mong muốn đem đến cho khách hàng sản phẩm sạch, chất lượng và bảo vệ môi trường, HTX quyết định trồng rau hữu cơ. Thay vì sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để diệt cỏ hoặc sâu thì HTX chọn cách làm truyền thống là cho công nhân nhổ cỏ, bắt sâu. Trường hợp sâu nhiều, HTX sẽ dùng lá khuynh diệp nấu lên rồi phun diệt trừ sâu. Dù tốn nhiều chi phí và thời gian hơn nhưng sản phẩm đạt hữu cơ 100% và được người tiêu dùng đón nhận. Trung bình, HTX cung cấp ra thị trường khoảng 300kg rau/ngày với giá 10.000 đồng/kg, tiêu thụ chủ yếu các siêu thị, cửa hàng rau sạch”.
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cần Đước - Nguyễn Hồng Chương cho biết: “Huyện được chọn ƯDCNC trên con tôm và rau. Cụ thể, trên rau, huyện đang củng cố, nâng chất lượng khoảng 500ha rau ƯDCNC. Hiện nay, huyện có 19 HTX nông nghiệp, trong đó có 6 HTX sản xuất theo hướng CNC như HTX Rau an toàn Phước Hòa, HTX Rau an toàn Mười Hai,... Những HTX này đều sản xuất theo hướng hữu cơ, có chiến lược sản xuất, kinh doanh rất rõ ràng, góp phần cho huyện hoàn thành các chỉ tiêu về xây dựng vùng rau ƯDCNC”.
Huyện Tân Trụ cũng là địa phương thực hiện tốt ƯDCNC trên con tôm, bò và thanh long. Ngay khi các chính sách hỗ trợ cho người nuôi tôm, bò và thanh long có ƯDCNC được ban hành, các ngành chức năng hướng dẫn, huyện tích cực vào cuộc nhằm tạo điều kiện cho nông dân, doanh nghiệp được tiếp cận các chính sách ưu đãi theo chương trình Phát triển nông nghiệp ƯDCNC. Được biết, hiện nay, tỉnh hỗ trợ huyện thực hiện ƯDCNC với nhiều mô hình. Cụ thể, hộ anh Trần Minh Tuấn (xã Nhựt Ninh) được hỗ trợ 50% chi phí đầu tư thiết bị cảm biến tự động đo môi trường nước; thực hiện 1 mô hình điểm nuôi bò ƯDCNC tại xã Quê Mỹ Thạnh với tổng số tiền hỗ trợ 300 triệu đồng tương đương 10 con bò giống; thực hiện mô hình chuyển đổi giống bò tại xã Lạc Tấn với tổng kinh khí 30 triệu đồng;...
Anh Trần Minh Tuấn chia sẻ: “Gia đình có truyền thống nuôi tôm mấy chục năm. Những năm gần đây, thời tiết diễn biến phức tạp, nguồn nước bị ô nhiễm dẫn đến tôm chết hoặc năng suất không cao, từ đó tôi chuyển sang nuôi tôm ƯDCNC. Để nuôi tôm ƯDCNC đòi hỏi kinh phí đầu tư trang thiết bị, cải tạo ao nuôi rất lớn, nhất là phải am hiểu về kỹ thuật nuôi. Thời gian qua, tôi được huyện tạo điều kiện tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật, nhất là tạo điều kiện cho tôi tiếp cận các chính sách hỗ trợ. Chính sự chia sẻ của các cơ quan chức năng giúp tôi mạnh dạn mở rộng diện tích nuôi tôm ƯDCNC”.
Phấn đấu lợi nhuận của nông dân tăng ít nhất 10%
Định hướng của chương trình Phát triển nông nghiệp ƯDCNC của tỉnh là nhằm xây dựng vùng sản xuất nông sản chủ lực đạt tiêu chuẩn an toàn, hiệu quả và đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu thị trường. Cụ thể, tỉnh phấn đấu đến năm 2025, diện tích ƯDCNC trên cây lúa 60.000ha, thanh long 6.000ha, rau 2.000ha, cây chanh 3.000ha, chăn nuôi bò thịt và tôm nước lợ 100ha. Xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp ƯDCNC (7 vùng lúa, 1 vùng chanh, 1 vùng thanh long) đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, các mô hình điểm, mô hình nhân rộng ƯDCNC, trong đó, đẩy mạnh việc sử dụng giống lúa đạt cấp xác nhận, ứng dụng đồng bộ cơ giới hóa, CNC, công nghệ hiện đại, tự động hóa, công nghệ số,... vào các khâu trong sản xuất; áp dụng quy trình sản xuất an toàn, hữu cơ, liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp để bảo đảm đầu ra cho nông sản. Phấn đấu lợi nhuận người dân trong vùng triển khai chương trình tăng ít nhất 10% so với ngoài vùng. Củng cố các tổ hợp tác, HTX hiện có và thành lập mới ở những nơi đủ điều kiện. Đến năm 2025, có ít nhất 50% HTX sản xuất nông nghiệp ƯDCNC hoạt động hiệu quả.
Hợp tác xã Rau an toàn Việt chọn cách nhổ cỏ bằng tay thay vì sử dụng thuốc bảo vệ thực vật
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Thanh Truyền cho biết: “Thời gian tới, ngành tập trung thực hiện một số giải pháp để hoàn thành các kế hoạch đề ra như đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người dân trên địa bàn tỉnh về chương trình, trong đó xây dựng chuyên mục, chuyên trang tuyên truyền định kỳ hàng quí trên Báo Long An, Đài Phát thanh và Truyền hình Long An, hệ thống truyền thanh các cấp; củng cố, xây dựng và phát triển HTX, tổ hợp tác nông nghiệp ƯDCNC; tập trung đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển nông nghiệp ƯDCNC; sắp xếp bộ máy tổ chức và tiếp tục nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp ngành Nông nghiệp bảo đảm tinh gọn, chuyên nghiệp, đáp ứng tốt nhiệm vụ; tăng cường công tác xúc tiến thương mại tìm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp, xây dựng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu hàng hóa; hỗ trợ đưa các sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm OCOP lên các sàn giao dịch điện tử".
Theo ông Nguyễn Thanh Truyền, tỉnh cũng sẽ thu hút các doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp CNC, đưa CNC, công nghệ sạch vào sản xuất, chế biến, bảo quản nông sản sau thu hoạch, hỗ trợ các doanh nghiệp chứng nhận doanh nghiệp ƯDCNC nhằm nâng cao giá trị nông sản. Tập trung xây dựng chuỗi liên kết tăng giá trị sản phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa nông nghiệp đạt chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, nông nghiệp hữu cơ,... theo yêu cầu thị trường xuất khẩu. Tập trung chuyển đổi số trong nông nghiệp, trong đó tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu về cây trồng, vật nuôi, thủy sản. Phát huy công tác dự báo, phân tích đánh giá, quản lý và phát triển thị trường nông sản.
Tỉnh đang phát triển theo hướng công nghiệp hóa nhưng nông nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng cao trong phát triển kinh tế. Do đó, việc phát triển nông nghiệp ƯDCNC được xem là hướng đi tất yếu để xây dựng nền nông nghiệp hiện đại./.
Lê Ngọc