Nông dân ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất chanh
Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, huyện Bến Lức chọn cây chanh làm chủ lực. Theo đó, huyện dành ngân sách để phát triển nông nghiệp ƯDCNC trên cây chanh như tổ chức nhiều lớp tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật; hỗ trợ giống chanh; thực hiện 10 cánh đồng Phòng trừ tổng hợp sâu, bệnh trên cây chanh với 160ha liền kề;... Đặc biệt, huyện rất quan tâm đến việc hỗ trợ mô hình tưới tiết kiệm. Cụ thể, hỗ trợ 37 hệ thống tưới tiết kiệm cho nông dân các xã: Lương Bình, Lương Hòa, Thạnh Lợi và Bình Đức, với tổng kinh phí gần 750 triệu đồng.
Ông Huỳnh Kim Hữu, ngụ ấp 1, xã Bình Đức, là một trong những nông dân được chọn làm điểm để chuyển giao công nghệ và hỗ trợ 50% chi phí lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm theo phương thức tưới phun mưa và nhỏ giọt trên cây chanh. Gia đình ông được lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm trên 3ha đất trồng chanh, với 1.700 vòi phun, tổng kinh phí thực hiện trên 18 triệu đồng. Sau khi được đầu tư, gia đình ông đã thực hiện tưới nước, tưới phân cho cây chanh theo đúng quy trình chăm sóc mà ngành Nông nghiệp hướng dẫn. Chỉ cần bật cầu dao là mọi công đoạn được thực hiện, với 15 phút, mỗi gốc chanh sẽ được tưới khoảng 20 lít nước, không cần phải kéo vòi khắp vườn như cách tưới truyền thống. Ông Hữu cho biết: “Tưới nhỏ giọt giúp gia đình tôi tiết kiệm trung bình 30% chi phí thuê nhân công lao động, 70-75% công tưới nước, bón phân; tiết kiệm 40-50% lượng nước tưới; 30% tiền điện; giảm các chất độc hại có trong đất làm cho bộ rễ của cây phát triển tốt”.
Theo thông tin từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, mùa khô năm 2019-2020, Bến Lức có trên 2.200ha chanh bị thiệt hại do hạn, xâm nhập mặn. Điều này đặt ra vấn đề nông dân phải thay đổi phương thức canh tác truyền thống chuyển sang ƯDCNC vào sản xuất mới có thể tăng năng suất, tiết kiệm nước tưới, thích ứng với biến đổi khí hậu. Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp tỉnh phối hợp Công ty TNHH MTV Cánh Đồng Xanh Drone (huyện Tân Trụ) tổ chức “Hội thảo chuyên đề cơ giới hóa trên cây chanh” cho hơn 70 hộ nông dân trồng chanh tại các xã: Thạnh Hòa, Lương Hòa, Lương Bình, Bình Đức, Thạnh Lợi. Công ty dùng máy bay số hiệu PR P30S trình diễn phun thuốc trừ nấm bệnh cho 1ha chanh với thời gian khoảng 30-40 phút. Máy chứa được 16 lít thuốc và có thể phun kín từ 10-20ha chanh trong 1 ngày, tiết kiệm được 30% thuốc và 90% lượng nước, cho hiệu quả cao gấp 20-30 lần so với các phương pháp truyền thống. Đây là phương pháp tưới nước và bón phân tiết kiệm, hiệu quả cho cây trồng, bằng cách cho phép nước nhỏ giọt từ từ vào vùng đất có rễ. Hệ thống này được thực hiện bằng cách sử dụng các ống nhỏ để cung cấp nước trực tiếp đến gốc cây dưới dạng các giọt nước nhỏ ra chậm với lưu lượng không đổi nhờ các cơ chế điều tiết áp lực nước của các đầu tưới nhỏ giọt.
Bà Đỗ Thị Phụng, ngụ xã Lương Hòa, cho biết: “Thấy việc ƯDCNC mang lại hiệu quả kinh tế cao, gia đình tôi mạnh dạn đầu tư hệ thống tưới nước tự động cho 1,5ha chanh, với tổng kinh phí trên 50 triệu đồng. Ngoài ra, gia đình tôi còn sử dụng phân hữu cơ vi sinh, thuốc bảo vệ thực vật dạng sinh học; đồng thời, mạnh dạn cắt tỉa cành tạo tán, loại bỏ cành sâu giúp cây phát triển tốt, hạn chế sâu, bệnh. Nhờ vậy, giảm được công chăm sóc, số lần phun thuốc hóa học, tiết kiệm được nước, phân bón, lợi nhuận tăng gấp 1,5 lần so với sản xuất theo cách truyền thống”.
Hiện nay, Bến Lức có trên 7.000ha chanh, trong đó có 1.200ha chanh ƯDCNC. Dự kiến năm 2021, huyện sẽ có thêm 300ha chanh ƯDCNC. Có thể thấy, mô hình trồng chanh ƯDCNC ngày càng tăng về diện tích. Điều này khẳng định mô hình đã thật sự đi vào cuộc sống, nhận được sự đồng tình, hưởng ứng tích cực từ nông dân./.
Lê Ngọc