Chẳng ngại khó khăn, thầy Trương Văn Tính - giáo viên Trường Tiểu học Long Khốt, ươm mầm tri thức cho các em
1.Đường vào Trường Tiểu học Long Khốt, xã Thái Bình Trung, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An được láng nhựa. Dù đường đến trường không còn nhọc nhằn như trước nhưng GV, HS vẫn không quên khoảng thời gian từng trải qua. “Đường nhựa có từ năm 2015. Trước đó, đường đất nhỏ, hẹp, GV và HS đến lớp đều chịu cảnh nắng bụi, mưa lầy. Mùa nước nổi thì đi xuồng” - thầy Trương Văn Tính - GV Trường Tiểu học Long Khốt, cho biết.
Cảm nhận được cái khó của mảnh đất vùng biên, GV càng hiểu hơn những vất vả, thiếu thốn của học trò nơi đây. Để rồi, thầy cô lại càng yêu thương những đứa trẻ này và nguyện gieo chữ bằng cả cái tâm trên vùng đất biên giới. Trường Tiểu học Long Khốt có điểm chính và một điểm phụ ở ấp Láng Đao. So với điểm chính, HS của điểm phụ thiệt thòi hơn. Các em vừa đi học xa, có em thiếu áo quần, sách vở, trong khi phụ huynh vì bận chuyện mưu sinh, ít quan tâm việc học tập của con. Vì vậy, cô giáo trở thành mẹ hiền dìu dắt, dạy bảo các em từng con chữ, đức tính.
Cô Phạm Thị Thu Vân - GV Trường Tiểu học Long Khốt, nói: “Học trò vùng nông thôn hiền và ngoan lắm! Có điều, đa số các em vào lớp 1 chưa qua mẫu giáo nên tiếp thu những bài học vỡ lòng còn chậm”.
Nhiều năm giảng dạy ở điểm phụ, cô Vân không ngại đường xa, chỉ cần đến trường, nhìn sĩ số HS trong lớp đầy đủ là thấy vui! Cô bộc bạch: “Dạy điểm phụ hơn 10 năm, tôi rút ra kinh nghiệm phải quan tâm, chia sẻ khó khăn với HS nhiều hơn để các em bám trường, bám lớp. Mỗi lần có mạnh thường quân hỗ trợ, các em đều được nhận quà. Còn GV, không riêng gì tôi mà các thầy cô khác thường mua dụng cụ học tập, áo quần cho các em”.
Hỗ trợ vật chất phần nào tạo niềm vui, động lực để trẻ đến trường. Còn để trẻ say mê, thích thú học tập thì GV phải có phương pháp dạy hiệu quả. Ở vùng biên, mỗi lớp có gần 20 em nên việc kèm HS trung bình, yếu của GV cũng thuận lợi. Ngoài cầm tay dạy viết, phụ đạo ngoài giờ, cô Vân từng áp dụng sáng kiến “Phương pháp luyện viết cho HS lớp 1” với hình thức dạy từng nét cơ bản, sau đó ráp thành chữ cho các em làm quen và không cảm thấy khó.
Còn thầy Võ Ngọc Thùa - người gắn bó với học trò vùng biên giới xã Thái Bình Trung lâu năm, cảm thấy niềm vui lớn nhất là tình cảm, tinh thần chịu khó đến trường của HS. Hơn 30 năm trước, rời quê Châu Thành, thầy đến biên giới nhận nhiệm vụ dạy học tại Trường Tiểu học Thái Bình Trung (sau này là Trường Tiểu học Long Khốt, thành lập trên cơ sở tách ra từ Trường Tiểu học Thái Bình Trung) cho đến nay. Kể về quãng thời gian gieo chữ nơi này, thầy Thùa ít nói về khó khăn mà chủ yếu kể lại tình cảm của phụ huynh, HS nơi này.
Thầy Thùa chia sẻ: “Hồi đó, đường đi không có, GV đến trường đi nhờ xuồng của phụ huynh. Lương GV thấp nên đến mùa thu hoạch, phụ huynh mang gạo, rau màu, nước mắm tới cho GV. Đến giờ, khó khăn vơi bớt nhưng sự quan tâm của phụ huynh vẫn vậy! Chính tình cảm gắn bó mà những đợt nghỉ hè, về quê Châu Thành nhưng nhớ học trò, tôi lại đi ngược lên thăm. Với tôi, tụi nhỏ như con, cháu trong nhà”.
Thương trò, ngoài dạy chữ thầy Thùa còn dạy bao điều hay, lẽ phải. Thầy ân cần hỏi ước mơ từng đứa rồi khuyên: “Con cố gắng học hành để ước mơ thành sự thật”. Trên lớp, thầy dùng phương pháp nêu gương và so sánh để dạy. Sau mỗi bài giảng là một câu chuyện, một tấm gương cảm động được kể với mong muốn, học trò của thầy học được tinh thần vượt khó, lòng hiếu thảo, tình yêu thương,... Đó là hành trang quý giá của tuổi học trò!
Thầy Võ Ngọc Thùa, Trường Tiểu học Long Khốt, thường xuyên quan tâm, động viên các em học sinh
2. Tốt nghiệp Đại học Sư phạm Đồng Tháp, năm 2010, cô Trần Phương Trâm về dạy tại Trường Tiểu học Hưng Điền B (huyện Tân Hưng). Năm học 2016-2017, cô chuyển về Trường Tiểu học Hưng Hà. Là GV trẻ lại dạy ở vùng đất khó, cô Trâm không khỏi bỡ ngỡ; thậm chí có lúc nản lòng. Nhưng hình ảnh học trò là động lực để cô đứng vững và bước tiếp. “Có đứa đến trường mặt mày lem luốc, áo quần không lành lặn, tôi thấy thương! Hơn nữa, nhiều HS đạp xe 7km đến trường rất vất vả. HS chịu nhiều nhọc nhằn mà vẫn ham học như vậy thì là GV, có khó khăn đến mấy cũng phải vì các em mà nỗ lực” - cô Trâm tâm sự.
Cũng như những GV khác, cô Trâm thường mua áo quần, tập sách tặng HS. Với cô, điều quan trọng là làm thế nào để các em tiếp thu bài học thật tốt. “Lúc học đại học, tôi thực tập ở những trường trong khu vực thành phố nên HS tiếp thu nhanh, GV dạy đỡ cực. Nhưng khi về biên giới này công tác, thấy HS tiếp thu bài chậm hơn, tôi không thể áp dụng phương pháp từng thực tập mà tìm cách dạy mới cho phù hợp” - cô Tâm cho biết.
Để HS giỏi kèm HS yếu là một phương pháp cô Trâm áp dụng. Ngoài ra, cô phân theo nhóm đối tượng để dạy và phụ đạo thêm ngoài giờ. Có những HS ở xa, mỗi khi trời mưa to, các em lại nghỉ học. Hôm sau đến trường, cô dành thời gian nghỉ giải lao giảng lại bài hôm trước để HS theo kịp chương trình. “Hồi còn dạy ở Hưng Điền B, có khi vào buổi chiều, trên đường về, tôi ghé ngang nhà HS để dạy thêm. Thấy GV nhiệt tình, phụ huynh cũng quan tâm chuyện học của con. GV cũng vui khi thấy phụ huynh thay đổi suy nghĩ như vậy!” - cô Trâm chia sẻ.
Dùng tình thương đối xử với HS để chúng không còn cảm giác GV khó gần. Và, tình thương ấy đôi khi chỉ là những việc làm nhỏ của GV. Trong lớp cô Trâm đang dạy, có một HS Việt kiều Campuchia tiếp thu bài và khả năng nhận thức rất chậm so với các bạn. Cô ân cần chỉ dạy, đến nay, em chuyển biến tốt. “Bây giờ, em biết mặt chữ và đếm số” - cô Trâm kể.
Đó là niềm vui, hạnh phúc của cô Trâm, của những GV vùng biên giới. Chẳng ngại khó khăn, các thầy cô ươm mầm tri thức cho bao thế hệ HS ở vùng biên giới bằng tình yêu thương vô bờ bến./.
Thùy Hương