Lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy tham gia chữa cháy nhà
Coi chừng "bà hỏa"
Những năm qua, trong cả nước xảy ra những vụ cháy nhà làm chết cùng lúc nhiều người. Tại địa bàn tỉnh cũng xảy ra những vụ cháy nhà ở gây ra nhiều thiệt hại.
Mới đây nhất, rạng sáng ngày 07/3/2022, một đám cháy lớn bùng lên từ tiệm sửa xe máy của anh Nguyễn Văn Lộc (SN 1990, ấp Võ Văn Be, xã Vĩnh Bửu, huyện Tân Hưng). Những người dân chứng kiến vụ hỏa hoạn cho biết, vào thời điểm trên, mọi người đang ngủ thì nghe tiếng tri hô chữa cháy tại tiệm sửa xe của anh Lộc. Ngọn lửa bùng phát và một lúc đã bao trùm toàn bộ tiệm.
Vụ hỏa hoạn không gây thiệt hại về người bởi chủ nhà kịp thời chạy ra ngoài nhưng đã thiêu rụi hoàn toàn tiệm sửa xe. Trong đó, có 15 chiếc xe máy của khách hàng đang gửi sửa cũng bị cháy rụi trơ khung.
Ông Nguyễn Văn Lâm (phường 3, TP.Tân An) cho biết, ở địa bàn cũng từng xảy ra cháy lớn tại căn nhà 3 lầu. Vụ cháy xảy ra vào đêm khuya nên khi chủ nhà ngủ trong phòng phát hiện thì lửa đã lan rộng. Cũng may chủ nhà nhanh chóng trèo ra phía trước và thoát ra ngoài. Chỉ đến khi lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp đến dập lửa thì đám cháy mới được dập tắt. Dù không thiệt hại về người nhưng nhiều tài sản bị thiêu rụi.
Còn tại thị trấn Tầm Vu, huyện Châu Thành, nhiều người vẫn bàng hoàng khi nói về một vụ cháy nhà thời gian trước. Vụ cháy xảy ra vào lúc rạng sáng, gây thiệt hại rất lớn về tài sản khi nơi đây cất, chứa nhiều mặt hàng nội thất có giá trị cao.
“Hôm đó, lửa cháy lan từ ngoài vào nên những người ở trong nhà không thể tự thoát ra ngoài. Nghe tiếng nổ lớn, kêu cứu nên hàng xóm, láng giềng kịp thời vùng dậy đến ứng cứu. Sau khi phá cửa sắt khóa kín không được, người dân đã dùng búa đập tường cứu được 4 người bị mắc kẹt ở bên trong ra ngoài” - bà Nguyễn Thị Lan nhớ lại.
Thông tin từ Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn Công an tỉnh, nguy cơ xảy ra cháy nhà ở, trụ sở cơ quan, ký túc xá, khu chung cư vẫn luôn tiềm ẩn, nhất là vào mùa khô, nắng nóng.
Vẫn còn lơ là, chủ quan
Tại xã Đức Hòa Hạ, huyện Đức Hòa có nhiều nhà ở, ki-ốt, cửa hàng, nhà trọ gác lửng với không gian nhỏ, hẹp được người dân kết hợp vừa ở, vừa buôn bán hàng hóa. Dù vậy, qua ghi nhận vẫn có nhiều hàng hóa được để bừa bộn, nằm sát các thiết bị, máy móc chứa xăng như xe máy hoặc nơi thắp nhang thờ cúng nên rất dễ bị bén lửa.
Ông Nguyễn Văn Hiếu, ngụ tại địa phương, cho rằng, có những hộ nhà ở có chứa nhiều hàng hóa để buôn bán nhưng không trang bị bình chữa cháy mini để kịp thời ứng phó, xử lý khi xảy ra sự cố cháy từ ban đầu.
Hiện trường một vụ cháy nhà
Song song đó, kết cấu nhà ở, cửa hàng buôn bán, nhà trọ, ki-ốt ở các địa bàn thành thị, phát triển thương mại, dịch vụ thường được thiết kế dạng ống, chỉ có duy nhất cửa ra, vào phía trước. "Trong tình huống xảy ra cháy từ bên ngoài lan vào trong rất dễ dẫn đến chết người vì không kịp thoát thân" - ông Lê Văn Tiến (phường 4, TP.Tân An) nhìn nhận.
Theo cơ quan chức năng, qua xác minh, điều tra các vụ cháy nhà thì nguyên nhân chập điện chiếm tỷ lệ cao. Dù vậy, vẫn có nhiều nhà ở, khu trọ, ki-ốt có hệ thống đường dây điện cũ kỹ, được đấu nối, lắp đặt, câu móc rất lộn xộn và tùy tiện, đèn chiếu sáng lắp sát với hàng hóa. Có nhiều chủ nhà, dù đi ra ngoài hoặc không có nhu cầu sử dụng nhưng vẫn vô tư để các thiết bị điện hoạt động nên rất dễ dẫn đến chập điện, cháy nhà,...
Ngoài nhiều hạn chế như trên thì kỹ năng chữa cháy, ứng phó và thoát nạn của người dân khi xảy ra hỏa hoạn, kể cả những người ở trong khu dân cư cao tầng, nhà ở xã hội cũng còn có nhiều hạn chế. Trước nhiều mối nguy cơ xảy ra, lực lượng chức năng, chính quyền địa phương thường xuyên quan tâm đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân trong công tác phòng cháy, chữa cháy./.
Vũ Quang