Tiếng Việt | English

12/04/2021 - 11:03

Vang mãi trận Cù Tròn

Trận Cù Tròn là trận đánh thể hiện sức mạnh của chiến tranh nhân dân với hình thức mưu trí, dùng ít chống nhiều. Chiến thắng này là nét son trong lịch sử chống càn nói chung và chống xâm lược của nhân dân ta nói chung. Đây được xem là trận đánh lớn nhất, nhì ở huyện Châu Thành, tỉnh Long An góp phần làm bẻ gãy kế hoạch “bình định có trọng điểm” và làm phá sản chiến lược chiến tranh đặc biệt của Mỹ - ngụy ở miền Nam vào thời điểm những năm 1963-1965.

Trong thời gian kháng chiến chống Mỹ - ngụy, Cù Tròn từng là căn cứ địa cách mạng của huyện Châu Thành, đặc biệt với chiến tích đẩy lùi trận càn của Sư đoàn 7 ngụy

Trong thời gian kháng chiến chống Mỹ - ngụy, Cù Tròn từng là căn cứ địa cách mạng của huyện Châu Thành, đặc biệt với chiến tích đẩy lùi trận càn của Sư đoàn 7 ngụy

“Cù Tròn” là tên một cù lao tọa lạc tại ấp Tân Long, xã Thanh Phú Long, huyện Châu Thành, kéo dài từ Tân Lục (An Lục Long) đến Phú Tây (Thanh Phú Long) và giáp ranh tỉnh Tiền Giang do đoạn uốn cong của sông Cầu Hàng chảy qua. Trong thời gian kháng chiến chống Mỹ - ngụy, Cù Tròn từng là căn cứ địa cách mạng của huyện Châu Thành.

Bước vào năm 1964, có thể nói đây là năm khủng hoảng triền miên của ngụy quyền Sài Gòn, nhiều cuộc đảo chính nổ ra. Trước thực tế đó, đế quốc Mỹ buộc phải đổi chiến lược từ chiến tranh đặc biệt sang kế hoạch “bình định có trọng điểm” và tỉnh Long An là 1 trong 7 trọng điểm chiến lược phòng ngự của Mỹ. Lúc đó, Mỹ đổ vũ khí và quân số ồ ạt vào địa bàn nhỏ, hẹp này, mật độ dân số lúc đó tăng gấp 3, 4 lần so với các tỉnh khác. Địch mở hàng loạt cuộc càn quét vào vùng giải phóng và những nơi chúng nghĩ là căn cứ cách mạng của ta.

Tháng 4/1964, Tỉnh ủy Long An họp đánh giá tình hình, xác định chủ trương và triển khai biện pháp cụ thể, quyết tâm đánh thắng Mỹ - ngụy. Thực hiện quyết tâm của Tỉnh ủy, bộ đội ta đã chủ động tiến công, đánh liên tục bẻ gãy nhiều cuộc càn lớn, diệt được nhiều đơn vị chủ lực ngụy.

Với ý đồ mong muốn thắng lợi trong trận càn tìm diệt chủ lực của ta, địch lên kế hoạch chuẩn bị và chia làm nhiều hướng vào xã Tân Long. Vào ngày 19/11/1964, Trung đội 1 thuộc Đại đội 313 địa phương quân Châu Thành đang đóng quân tại xã An Vĩnh Ngãi nhận triệu tập, hỏa tốc hành quân về căn cứ ngay trong đêm mưa to.

Sáng ngày 20/11/1964, địch càn vào xã Tân Long với quy mô lớn liên tỉnh có bộ binh cơ giới, máy bay, tàu chiến,... Cả tiểu đội đã lợi dụng địa hình, địa vật sẵn sàng đánh địch, chờ địch tới là nổ súng, mỗi viên đạn là một quân thù, kiên quyết đánh, không cho địch vào chiếm địa hình. Ngay trong loạt đạn đầu chính xác của các chiến sĩ ta, đã có hàng chục tên địch chết và bị thương.

Với quân số ít hơn nhiều so với lực lượng địch, nhưng Trung đội 1 thuộc Đại đội 313 địa phương quân Châu Thành đã lập nên chiến công xuất sắc, bám trụ địa bàn, chiến đấu ngoan cường dũng cảm và đẩy lùi 6 đợt tấn công ác liệt của địch gần trọn ngày 20/11/1964. Kết quả, ta đã diệt và làm bị thương trên 120 tên địch và bắn hư 1 thiết vận xa, bẻ gãy trận càn quy mô cấp trung đoàn của Mỹ - ngụy.

Trung đội 1 thuộc Đại đội 313 địa phương quân Châu Thành đã làm rạng danh Cù Tròn, đưa vùng đất này đi vào lịch sử. Và tên tuổi những người lính Trung đội 1 mãi là niềm tự hào của bao thế hệ Châu Thành hôm nay.

Sức sống mới ở vùng đất anh hùng

Sức sống mới ở vùng đất anh hùng

Ngày nay, Di tích lịch sử Cù Tròn được UBND tỉnh xếp hạng là di tích cấp tỉnh. Đây là niềm tự hào to lớn của quân - dân Châu Thành và là một minh chứng khẳng định hùng hồn về sự thất bại không thể tránh khỏi của Mỹ - ngụy trong cuộc chiến tranh phi nghĩa ở Việt Nam.

Đã 57 năm trôi qua, nhiều gian khó với biết bao kỷ niệm, thấm đượm nghĩa tình, vùng đất cằn cỗi với cỏ dại, cây rừng thưa thớt trước đây nay đã trở thành vùng đất trù phú, một màu xanh mướt của những cánh đồng thanh long mang lại thu nhập cao, nhiều hộ khá và giàu từ chính mảnh đất quê hương mình.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Phú Long - Trần Lâm Duy Linh, nhờ Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao mà kết cấu hạ tầng ở xã từng bước hoàn chỉnh, đời sống người dân cải thiện, nâng lên đáng kể, quốc phòng - an ninh được giữ vững.

Ông Huỳnh Văn Kiệt, ngụ xã Thanh Phú Long, chia sẻ: “Hơn 50 năm sống tại mảnh đất này, tôi chứng kiến quê hương thay đổi từng ngày. Sau bao năm vất vả, giờ đây, cuộc sống của người dân cũng dần được ổn định. Đặc biệt, việc chuyển sang trồng cây thanh long đã mở ra một hướng đi mới cho người dân Thanh Phú Long có thể làm giàu”.

Thanh Phú Long ngày nay xóa dần chiến tích chiến tranh, khoác lên mình "chiếc áo mới". Cuộc sống người dân ấm no đã khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, tô thắm thêm truyền thống quê hương anh hùng.

Ngày nay, Di tích lịch sử Cù Tròn được UBND tỉnh xếp hạng là di tích cấp tỉnh. Đây là niềm tự hào to lớn của quân - dân Châu Thành và là một minh chứng khẳng định hùng hồn về sự thất bại không thể tránh khỏi của Mỹ - ngụy trong cuộc chiến tranh phi nghĩa ở Việt Nam./.

Trà Long

Chia sẻ bài viết