Nhiều đặc sản nổi tiếng
Nói đến các đặc sản nổi tiếng của Long An không thể không nhắc đến thanh long. Đây là loại trái cây được trồng nhiều ở huyện Châu Thành, có giá trị dinh dưỡng và kinh tế cao. Đã từng có thời kỳ thanh long Châu Thành lên ngôi “nữ hoàng” và thậm chí nhắc đến trái thanh long là người ta nhớ ngay đến huyện Châu Thành, tỉnh Long An. Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, toàn tỉnh hiện có hơn 7.811ha thanh long, trong đó diện tích cho trái khoảng 6.860ha.
Trước đây, thanh long thường chín vào mùa hè, khoảng từ đầu tháng 5 đến cuối tháng 10 hàng năm. Tuy nhiên, hiện nay, thanh long tại vùng trồng huyện Châu Thành cho thu hoạch quanh năm do nông dân xông đèn để thanh long cho trái nghịch vụ. Đây là một trong những giải pháp được ngành Nông nghiệp tỉnh khuyến khích nông dân thực hiện nhằm sản xuất thanh long rải vụ, tránh tình trạng ùn ứ số lượng lớn vào mùa thu hoạch rộ, dẫn đến tình trạng “được mùa, rớt giá”.
Ông Trương Đình Quyền (xã Dương Xuân Hội, huyện Châu Thành) cho biết: “Tôi trồng thanh long đã hơn 10 năm. Hiện tôi có 2 vườn, 1 vườn đang cho trái và 1 vườn chuẩn bị xông đèn. Năm nay, giá bán thanh long khá ổn định, không bấp bênh như những năm trước. Vì vậy, tôi cũng mạnh dạn đầu tư cho vườn thanh long hơn”.
Nông dân chăm sóc thanh long (Ảnh tư liệu)
Thanh long là loại trái có giá trị dinh dưỡng cao, chứa hàm lượng vitamin C, carotin, canxi, một số loại vitamin nhóm B cùng một số chất dinh dưỡng và chất oxy hóa khác. Thanh long Châu Thành hiện có 2 loại là thanh long ruột đỏ và thanh long ruột trắng. Ngoài dùng như một loại trái cây tươi, thanh long còn được chế biến thành nhiều loại thực phẩm khác như thanh long sấy, rượu thanh long,...
Bên cạnh thanh long, chanh cũng là một trong những cây trồng chủ lực của tỉnh. Hiện Long An là địa phương có diện tích trồng chanh lớn nhất Đồng bằng sông Cửu Long với hơn 11.888ha. Trong đó, có hơn 10.888ha chanh đang cho trái. Huyện Bến Lức chiếm hơn một nửa diện tích chanh toàn tỉnh với 2 giống chủ lực là chanh không hạt và chanh bông tím.
Thông tin từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bến Lức, sau khi xác định cây chanh phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng địa phương, huyện Bến Lức đã đẩy mạnh phát triển vùng trồng chanh. Theo đó, huyện thường xuyên tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật canh tác, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật cho nông dân. Nhờ đó, nhiều hộ dân đã chuyển từ trồng mía sang trồng chanh, đặc biệt là giống chanh không hạt, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ Nông nghiệp Thạnh Hòa (huyện Bến Lức) thành lập năm 2014 và là một trong những đơn vị điển hình về sản xuất chanh không hạt. HTX hiện có 15 thành viên, diện tích vùng trồng 30ha.
Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp Thạnh Hòa - Đặng Văn Phải cho biết: "Trước đây, nông dân chủ yếu trồng khóm và mía nhưng giá bán bấp bênh. Khi phát hiện cây chanh phù hợp thổ nhưỡng, người dân bắt đầu chuyển đổi sang loại cây này. Nhờ đầu ra ổn định và giá cả tốt, đời sống người dân ngày càng cải thiện. Các vùng trồng chanh đạt tiêu chuẩn GlobalGAP được xuất khẩu sang châu Âu, trong khi sản lượng còn lại phục vụ thị trường nội địa và các thị trường khác”.
Năm 2014, ông Nguyễn Ngọc Bộ - thành viên HTX Dịch vụ Nông nghiệp Thạnh Hòa, quyết định chuyển toàn bộ 6ha đất trồng mía và khóm sang trồng chanh không hạt. Theo ông Bộ, chanh không hạt trồng sau 1,5 năm là thu hoạch và nếu sử dụng phân bón hữu cơ, tuổi thọ cây có thể kéo dài từ 6-8 năm. Loại chanh này cho trái quanh năm và từ năm thứ hai, năng suất bắt đầu tăng cao.
“Vườn chanh của tôi được trồng theo tiêu chuẩn GlobalGAP nên được ký hợp đồng với công ty thu mua, giá bán ổn định ở mức 15.000-20.000 đồng/kg, cao hơn giá thị trường khoảng 5.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, tôi có lợi nhuận từ 100-200 triệu đồng/ha/năm, tùy vào độ tuổi cây và giá cả” - ông Bộ chia sẻ.
Long An có diện tích chanh lớn nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long với hơn 11.888ha
Cũng theo ông Bộ, việc áp dụng đúng liều thuốc, bón phân hữu cơ và trồng đúng kỹ thuật giúp vườn chanh ít bị sâu, bệnh như nhện, đốm hồng hay ghẻ. “Sử dụng phân bón hữu cơ không chỉ giúp cây phát triển tốt, ít dư lượng thuốc bảo vệ thực vật mà còn cải thiện độ phì nhiêu của đất” - ông Bộ nhấn mạnh.
Chanh không hạt Bến Lức nổi tiếng với quả chắc, tuyến múi dày, vỏ xanh đậm, sáng bóng, đều màu, bề mặt chứa nhiều túi tinh dầu. Loại chanh này không chỉ nổi danh nhờ quy mô và giá trị xuất khẩu mà còn qua các giải thưởng danh giá.
Từ năm 2014-2017, chanh không hạt Bến Lức liên tục được vinh danh là "Sản phẩm nông nghiệp quốc gia tiêu biểu" do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam công nhận. Hiện nay, bên cạnh trái chanh tươi, huyện Bến Lức cũng phát triển thêm một số sản phẩm từ chanh như nước cốt chanh, vỏ chanh sấy, bột chanh, bột trà chanh,...
Huyện Bến Lức cũng phát triển thêm một số sản phẩm từ chanh như nước cốt chanh, vỏ chanh sấy, bột chanh, bột trà chanh,…
Ngoài thanh long Châu Thành, chanh Bến Lức, Long An còn nhiều đặc sản hấp dẫn du khách như đậu phộng Đức Hòa, rượu đế Gò Đen, bánh tét Long An, mắm còng Cần Giuộc, gạo Nàng Thơm Chợ Đào,...
Cùng với đó, các sản phẩm OCOP như lạp xưởng tươi, chả giò, nem nướng, mật ong, dưa lưới,... cũng là những món ngon không thể bỏ qua khi đến với Long An.
Cơ hội kết nối, quảng bá
Thông tin từ UBND tỉnh, Hội nghị liên kết, hợp tác, xúc tiến du lịch và sản phẩm OCOP giữa TP.HCM và 13 tỉnh, thành phố Vùng Đồng bằng sông Cửu Long sẽ là 1 trong 10 hoạt động nổi bật được tổ chức trong Tuần Văn hóa - Thể thao - Du lịch lần thứ 2 năm 2024 của tỉnh diễn ra từ ngày 28/11/2024 đến 04/12/2024.
Giám đốc Công ty TNHH Chế biến Xuất nhập khẩu Nông sản Long Châu (thị trấn Tầm Vu, huyện Châu Thành) - Nguyễn Ngọc Phan cho biết, trước đây, thanh long chủ yếu xuất khẩu trái tươi sang thị trường Trung Quốc nhưng giá cả thường xuyên biến động. Do đó, anh nảy ra ý tưởng nghiên cứu quy trình sấy dẻo thanh long. Từ đó, anh bắt tay vào sản xuất thanh long sấy dẻo xuất khẩu và đã chào bán tại một số thị trường như Singapore, Malaysia, Thái Lan, Nhật, Pháp,... với mức tiêu thụ rất tốt.
Hiện nay, công ty liên kết vùng trồng với HTX Dương Xuân (xã Dương Xuân Hội, huyện Châu Thành) và có 2 sản phẩm là thanh long sấy dẻo và đu đủ sấy dẻo đạt chứng nhận OCOP 3 sao.
Công nhân Công ty TNHH Chế biến Xuất nhập khẩu Nông sản Long Châu (thị trấn Tầm Vu, huyện Châu Thành) đóng gói thanh long sấy dẻo
Chia sẻ về cơ hội quảng bá, kết nối tiêu thụ nông sản của hội nghị lần này, anh Phan cho biết: “Đây là cơ hội lớn để quảng bá nông sản và các sản phẩm OCOP của tỉnh, trong đó có trái thanh long và các sản phẩm chế biến từ thanh long của huyện Châu Thành. Do đó, tôi hy vọng thông qua hội nghị lần này, lãnh đạo tỉnh và các địa phương sẽ đẩy mạnh kết nối tiêu thụ, giúp nông sản có đầu ra ổn định, an tâm sản xuất”.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Lê Thanh Đông thông tin: Hội nghị lần này nhằm đánh giá kết quả của thỏa thuận liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa TP.HCM và 13 tỉnh, thành phố Vùng Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2020-2025 trong năm 2024.
Đồng thời, thông qua hội nghị giới thiệu các sản phẩm du lịch mới, thúc đẩy hợp tác vùng, chia sẻ kinh nghiệm thu hút khách du lịch từng phân khúc khách hàng, giới thiệu, quảng bá các sản phẩm du lịch truyền thống có thế mạnh của khu vực.
Cùng với đó, hội nghị lần này cũng nhằm nâng cao nhận thức về du lịch nông thôn; thúc đẩy các hoạt động xúc tiến thương mại các sản phẩm du lịch nông thôn gắn với tiêu thụ sản phẩm OCOP; khai thác thế mạnh du lịch nông thôn của tỉnh nói riêng và của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói chung trong việc phát huy các giá trị văn hóa bản địa, phát triển sản phẩm du lịch nông thôn đặc trưng của địa phương.
“Hội nghị góp phần tháo gỡ khó khăn, rào cản trong việc thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; kết nối các mô hình du lịch nông thôn, các sản phẩm OCOP với các đơn vị du lịch lữ hành, hộ dân làm du lịch trong và ngoài tỉnh, thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng xanh và bền vững” - ông Lê Thanh Đông thông tin thêm./.
Về Long An thưởng thức các loại đặc sản
Nhóm PV