Về nguồn là một hoạt động sáng tạo của Long An trong đổi mới công tác dân vận. Hoạt động Về nguồn huy động được sức mạnh của toàn Đảng bộ, sự chung tay, góp sức của nhiều tổ chức, cá nhân trong các hoạt động tri ân các gia đình chính sách, người có công với nước và đầu tư xây dựng các công trình
phúc lợi,... Hoạt động Về nguồn trở thành "đòn bẩy" giúp nhiều địa phương phát triển KT-XH.
Kỳ 1: Về nguồn - về với nhân dân, nghĩ đến trách nhiệm
Xuất phát từ một mô hình hiệu quả, Ban Dân vận Tỉnh ủy xin chủ trương để nhân rộng thành hoạt động thường niên tại tỉnh. Từ hoạt động Về nguồn, hàng ngàn tỉ đồng được huy động xây dựng các công trình phúc lợi, chăm lo gia đình chính sách cùng các hoạt động an sinh xã hội.
Từ mô hình đến hoạt động Về nguồn
Từ hoạt động Về nguồn, cầu giao thông Tuyên Bình Tây, huyện Vĩnh Hưng được xây dựng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại
Trước năm 2007, khi những mô hình dân vận chưa mang tính sáng tạo, đột phá thì mô hình Về nguồn của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tỉnh phát động thực sự trở thành điểm sáng trong công tác dân vận. Từ mô hình này, hội vận động các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh đóng góp nguồn lực để tri ân các gia đình chính sách, chăm lo các hộ nghèo ở vùng căn cứ kháng chiến cũ, kêu gọi xã hội, cộng đồng chung tay thực hiện chính sách - xã hội đối với những người có công, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, người nghèo tại các địa phương trong tỉnh.
Mặc dù ban đầu chỉ là một mô hình nhỏ của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tỉnh nhưng hiệu quả mang lại thực sự có ý nghĩa và được Ban Dân vận Tỉnh ủy đánh giá cao. Xác định đây là mô hình hiệu quả, cần được nhân rộng, đến năm 2007, Ban Dân vận xin chủ trương của Ban Thường vụ Tỉnh ủy chọn xã Phước Vĩnh Đông, huyện Cần Giuộc làm điểm để tổ chức thực hiện, tiếp theo năm 2008 tổ chức tại huyện Thủ Thừa và năm 2009 tổ chức tại huyện Đức Huệ.
3 năm đầu thực hiện, kết quả mà chương trình mang lại ngoài mong đợi khi các tổ chức trong và ngoài tỉnh tích cực tham gia đóng góp tiền, hiện vật chăm lo cho gia đình chính sách cũng như đầu tư các công trình thiết yếu phục vụ cộng đồng, được đông đảo người dân đón nhận, hưởng ứng.
Đến năm 2010, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo hoạt động Về nguồn là trách nhiệm của các cấp, các ngành, cần có sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền, để huy động các nguồn lực chăm lo đối tượng chính sách, người nghèo và đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng ở vùng kháng chiến cũ, các xã còn nhiều khó khăn. Từ đó, hàng năm, tỉnh chọn 2 xã làm điểm, mỗi huyện chọn 1 xã và mỗi xã chọn 1 ấp để tổ chức hoạt động Về nguồn. Đặc biệt, năm 2015, tỉnh chọn 3 xã làm điểm Về nguồn.
Hàng ngàn công trình ý nghĩa
Những tuyến đường giao thông xã Tuyên Bình Tây, huyện Vĩnh Hưng được đầu tư xây dựng
Sau khi trở thành hoạt động lớn của tỉnh, trong 6 năm (2010-2015), từ cơ sở, cấp huyện đến cấp tỉnh, hàng ngàn tỉ đồng được huy động cho hoạt động Về nguồn để thực hiện các công trình xây dựng tại các xã điểm cũng như tri ân gia đình có công, gia đình chính sách và các hoạt động an sinh xã hội.
Theo Ban Dân vận Tỉnh ủy, trong 6 năm (2010-2015) hoạt động Về nguồn ở cấp huyện và cơ sở được tổ chức thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” cùng tinh thần “Lá lành đùm lá rách”. Trong 6 năm, cấp huyện, cơ sở huy động trên 2.470 tỉ đồng cho hoạt động Về nguồn, xây dựng và sửa chữa 2.027 công trình giao thông nông thôn, làm mới và sửa chữa 765 cây cầu cùng hàng trăm công trình về thủy lợi, văn hóa, y tế, giáo dục.
Bên cạnh đó, các hoạt động đền ơn đáp nghĩa và xã hội giúp dân cũng được các địa phương thực hiện với quyết tâm cao. Trong hoạt động Về nguồn, tỉnh đầu tư trên 708 tỉ đồng cho 13 xã điểm. Tính chung trong toàn tỉnh, từ năm 2010-2015, nguồn lực đầu tư cho hoạt động Về nguồn lên đến trên 3.182 tỉ đồng, trong đó có cả giá trị đất người dân hiến để xây dựng công trình.
Phó Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy - Đỗ Thanh Hùng đánh giá: “Hoạt động Về nguồn góp phần rất lớn trong xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, tạo điều kiện quan trọng để phát triển KT-XH, thực hiện các tiêu chí nông thôn mới. Minh chứng là trong lễ tổng kết hoạt động Về nguồn ở xã An Vĩnh Ngãi, TP.Tân An và xã Thanh Phú, huyện Bến Lức cũng là lúc cả 2 xã này đón nhận bằng công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới.
(còn tiếp)
Các địa phương được chọn tổ chức hoạt động Về nguồn của tỉnh: Xã Phước Vĩnh Đông, huyện Cần Giuộc (năm 2007); thị trấn Thủ Thừa, huyện Thủ Thừa (năm 2008); xã Bình Thành, huyện Đức Huệ (năm 2009, lần 1); xã Tuyên Bình Tây, huyện Vĩnh Hưng (năm 2010); xã Hưng Thạnh, huyện Tân Hưng và xã Đức Tân, huyện Tân Trụ (năm 2011); xã Thạnh Phước, huyện Thạnh Hóa và xã Thuận Mỹ, huyện Châu Thành (năm 2012); xã Tân Lân, huyện Cần Đước và xã Hậu Thạnh Tây, huyện Tân Thạnh (năm 2013); xã An Ninh Tây, huyện Đức Hòa và xã Bình Phong Thạnh, huyện Mộc Hóa (năm 2014); xã An Vĩnh Ngãi, TP.Tân An; xã Thanh Phú, huyện Bến Lức và xã Bình Thành, huyện Đức Huệ (lần 2) (năm 2015). |
Thụy Anh - Văn Đát