Tiếng Việt | English

05/12/2023 - 16:50

Vì sao nhiều người bị ngộ độc nặng sau khi ăn thịt cóc, trứng cóc?

Nếu ăn phải độc tố trong thịt cóc, chỉ sau 1-2 giờ, người bệnh sẽ có biểu hiện buồn nôn, nôn, đau và chướng bụng, tiêu chảy, rối loạn nhịp tim, có thể tổn thương gan, thận, dẫn đến tử vong.

Điều trị cho bệnh nhân ngộ độc do ăn trứng cóc. (Nguồn: TTXVN)

Điều trị cho bệnh nhân ngộ độc do ăn trứng cóc. (Nguồn: TTXVN)

Những năm gần đây, nhiều vụ ngộ độc do ăn thịt cóc đã xảy ra tại một số địa phương, thậm chí có một số trường hợp tử vong. Để phòng tránh ngộ độc, cơ quan chức năng khuyến cáo người dân, nhất là các em nhỏ không nên tự ý sơ chế, chế biến thịt, trứng cóc để ăn.

Ngộ độc do ăn trứng cóc, thịt cóc

Thời gian qua, ngành y tế tỉnh Gia Lai ghi nhận một số vụ ngộ độc thực phẩm do ăn cóc.

Mới đây, Chi cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm tỉnh vừa ghi nhận thêm một vụ ngộ độc thực phẩm do ăn cóc xảy ra tại địa phương khiến một người tử vong, một người nguy kịch.

Khoảng 15 giờ ngày 30/11, Kpă Chương (sinh năm 2004), Rơ Châm Sơng (sinh năm 2006) và Rơ Châm Ái (sinh năm 2003) đều trú tại làng Klăh Băng, xã Ia Băng, huyện Chư Prông (Gia Lai) đi làm ruộng, bắt được một con cóc rồi lấy trứng hấp ăn.

Khoảng 30 phút sau, Chương và Sơng xuất hiện triệu chứng đau đầu, buồn nôn, nôn ói, khó thở, vàng da toàn thân…, được người nhà đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai.

Tuy nhiên, Kpă Chương đã tử vong trên đường đến viện, Rơ Châm Sơng hiện đang được điều trị, tạm thời qua cơn nguy kịch. Riêng Rơ Châm Ái, do chỉ nếm một ít trứng cóc nên xuất hiện triệu chứng nhẹ và tự gây nôn, không đi viện.

Trước đó, vào chiều 11/10, Trung tâm Y tế huyện Chư Sê tiếp nhận ba ca bệnh nghi ngộ độc thịt cóc.

Theo gia đình, vào khoảng 12h cùng ngày, ba em nhỏ đã tự làm thịt cóc ăn, sau đó có triệu chứng nôn ói nhiều và mệt.

Đến khoảng 16h30, các em được gia đình đưa đến bệnh viện trong tình trạng tỉnh táo, không sốt, đau bụng, nôn ói nhiều lần… Qua thăm khám, Trung tâm Y tế huyện Chư Sê chẩn đoán các bệnh nhân ngộ độc trứng cóc/rối loạn nhịp tim.

Hồi tháng Tư, Trung tâm Y tế huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai cũng tiếp nhận 3 người bị ngộ độc do ăn thịt cóc. Khi nhập viện, 3 người bị nôn liên tục, một người sau đó đã tử vong.
Trước đó, ngày 22/1, tại làng Kret Krot (xã H'ra, huyện Mang Yang) xảy ra một vụ 4 người ngộ độc do ăn cóc, trong đó có 1 người tử vong.

Không chỉ ở Gia Lai, một số vụ ngộ độc liên quan đến cóc cũng xảy ra tại một số địa phương khác.

Hồi tháng Chín vừa qua, khoa Nhi-Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận cấp cứu cho hai anh em ruột 8 tuổi và 3 tuổi được chuyển đến từ Kỳ Sơn, Hòa Bình trong tình trạng nôn, buồn nôn liên tục sau khi ăn thịt cóc nướng.

Độc tố nằm ở trứng, da, gan, chất nhầy của cóc.

Độc tố nằm ở trứng, da, gan, chất nhầy của cóc.

Theo lời kể của người mẹ, sau khi bắt được con cóc trong vườn nhà, vợ chồng chị làm thịt cho hai con ăn. Khi thịt cóc, hai vợ chồng chị đã lột sạch da, bỏ hết nội tạng nhưng có để lại bộ trứng cóc, nướng lên cho con ăn và bố hai cháu cũng ăn một ít.

Sau khi ăn chừng 30 phút, cả ba bố con đều có dấu hiệu mệt lả, nôn liên tục. Hai cháu nhỏ được đưa đến Bệnh viện Đa khoa Lương Sơn cấp cứu, sau đó được chuyển đến khoa Nhi bệnh viện Bạch Mai.

Bố bệnh nhi sau khi truyền dịch tại Bệnh viện Lương Sơn thì tình trạng đỡ hơn, được xuất viện về nhà. Rất may, cả hai cháu bé đều bị ngộ độc nhẹ, không nguy hiểm đến tính mạng.

Trước đó, Khoa Hồi sức Tích cực-Chống độc-Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ cũng cứu sống người bệnh N.T.C, 58 tuổi, ở Cẩm Khê bị ngộ độc do ăn thịt và trứng cóc.

Bà C cùng cháu ruột đã ăn thịt cóc và buồng trứng cóc. Sau khi ăn khoảng 1 giờ, hai bà cháu có biểu hiện bị ngộ độc nên được đưa đi cấp cứu.

Bà C nhập khoa Hồi sức Tích cực-Chống độc trong tình trạng đau bụng, bụng chướng, buồn nôn, đi ngoài, đau tức ngực, điện tim xuất hiện nhịp chậm. Ngay lập tức, bà C được rửa dạ dày cấp cứu, bơm than hoạt, dùng thuốc để nâng huyết áp, nâng nhịp tim liên tục. Sau 5 giờ cấp cứu, bà C qua cơn nguy kịch, kiểm soát được nhịp tim và huyết áp ổn định.

Khuyến cáo của bác sỹ

Theo Cục An toàn Thực phẩm, Bộ Y tế, lâu nay, dân gian coi thịt cóc là thực phẩm bổ dưỡng cho người già, hỗ trợ điều trị trẻ em lười ăn, chậm lớn dưới dạng ruốc, bột hoặc thịt tươi dùng để nấu cháo, làm chả cóc...

Tuy vậy, khoa học đã chứng minh trong các tuyến dưới da, tuyến sau tai, tuyến trên mắt, trứng và gan cóc có chứa các độc tố như Bufotalin, Bufotenin, Bufotonin, Epinephrine, Norepinephrine, Serotonin. Do đó, nếu trong quá trình chế biến, các chất này còn lưu lại trên thịt cóc thì sẽ gây ngộ độc, rất nguy hiểm.

Theo các chuyên gia y tế, bản chất của thịt cóc không chứa độc tố, độc tố nằm ở trứng, da, gan, chất nhầy của cóc. Lượng độc tố có độc lực mạnh, chỉ cần chế biến không đúng cách, một lượng nhỏ nhiễm vào thịt cóc cũng có thể gây ngộ độc. Trong khi đó, lượng độc tố khó phân hủy ở nhiệt độ cao, khó phán đoán việc thịt cóc có bị nhiễm độc tố hay không nếu quan sát bằng mắt thường.

Trong các tuyến dưới da, tuyến sau tai, tuyến trên mắt, trứng và gan cóc có chứa các độc tố như Bufotalin, Bufotenin, Bufotonin, Epinephrine, Norepinephrine, Serotonin. Do đó, nếu trong quá trình chế biến, các chất này còn lưu lại trên thịt cóc thì sẽ gây ngộ độc.

Chính quyền xã Ia Băng, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai tuyên truyền người dân không chế biến thịt cóc để làm thức ăn. (Ảnh: TTXVN phát)

Nếu ăn phải độc tố trong thịt cóc, chỉ sau 1-2 giờ, người bệnh sẽ có biểu hiện buồn nôn, nôn, đau và chướng bụng, tiêu chảy, rối loạn nhịp tim, tụt huyết áp, sốc, ảo giác, đau đầu, có thể tổn thương gan, thận, dẫn đến tử vong nếu không điều trị kịp thời. Độc tố cũng hấp thu qua da, gây ra dị ứng, bỏng rát ở mắt, niêm mạc người. Ngộ độc khi ăn thịt cóc có tỷ lệ tử vong rất cao nên cần phát hiện sớm, sơ cứu, cấp cứu kịp thời ở cơ sở y tế.

Các bác sỹ khuyến cáo người dân không nên ăn thịt cóc và các sản phẩm làm từ cóc.

Người dân chỉ sử dụng những sản phẩm của cóc đã qua chế biến dưới dạng thực phẩm, thuốc đã được các cơ quan chức năng cho phép lưu hành; nếu muốn sử dụng thịt cóc để ăn cần loại bỏ cóc tía (cóc có mắt màu đỏ), thịt cóc theo đúng quy trình (cắt bỏ đầu dưới hai tuyến mang tai, chặt 4 bàn chân, lột da trong chậu nước, khoét bỏ hậu môn, loại bỏ hết ruột, trứng, gan, mật, rửa sạch nhiều lần dưới vòi nước sạch), chỉ lấy thịt, xương để chế biến thành thực phẩm), tuyệt đối không ăn trứng, da, nội tạng của cóc.

Những việc cần làm khi có người bị ngộ độc cóc:

- Phát hiện dấu hiệu ngộ độc sớm (người bệnh còn tỉnh táo): cần gây nôn chủ động; chuyển bệnh nhân nhanh chóng đến cơ sở có điều kiện hồi sức cấp cứu.

- Chống rối loạn tim mạch, hô hấp, thần kinh và tiết niệu bằng dịch truyền, thuốc điều trị triệu chứng, thở ôxy, thở máy, máy tạo nhịp, lợi tiểu, lọc thận...

- Thải trừ chất độc: Rửa dạ dày, uống than hoạt, thụt, tháo...

Theo TTXVN

Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/vi-sao-nhieu-nguoi-bi-ngo-doc-nang-sau-khi-an-thit-coc-trung-coc-post911589.vnp

Chia sẻ bài viết


Nồi nấu phở bằng điện sản xuất giá rẻ