Tiếng Việt | English

02/11/2016 - 02:47

Vĩnh biệt anh Chín Cần - Vị lãnh đạo luôn “chiêu hiền đãi sĩ”

Anh Chín Cần ra đi! Dẫu biết rằng: Sinh, lão, bệnh, tử là luật của muôn đời; thế nhưng, niềm tiếc thương vô hạn cùng những ấn tượng sâu đậm về con người anh chắc chắn luôn ngự trị trong tim tôi cho đến hết cuộc đời.

Tôi còn nhớ cơ duyên gặp anh một lần ở Hà Nội vào năm 1982 đưa tôi về hẳn với Long An công tác, bởi tôi quý trọng và cảm phục tư tưởng, thái độ “chiêu hiền đãi sĩ” của anh. Anh đến nhà riêng thăm gia đình tôi, sau đó gặp Bộ trưởng Bộ Điện và Than đặt vấn đề xin tôi về Long An (năm 1975, tôi có quyết định tiếp nhận của TP.HCM nhưng do nhu cầu của Bộ Điện và Than, tôi phải ở lại).

Năm 1982, giao thông đi lại khó khăn, anh mua vé máy bay khứ hồi Hà Nội - TP.HCM và chỉ đạo cho lãnh đạo các huyện đưa tôi về thăm nhà sau mấy chục năm xa cách trước khi tôi quyết định về Long An. Tôi cảm động, kính phục, thương yêu anh bởi nghĩa cử hào hiệp, chăm lo cho cán bộ, quan tâm từ việc nhỏ đến việc lớn - tính cách của con người Nam Bộ.


Đồng chí Nguyễn Văn Chính (thứ 3, trái qua) cùng Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh và các đồng chí lãnh đạo chủ chốt tỉnh Long An trong thời đầu khai mở Đồng Tháp Mười (năm 1984)

Tôi nhớ mãi lúc chuẩn bị chuyển công tác ra Hà Nội, anh tâm sự với tôi: “Thật ra mình không muốn xa Long An, xa đồng chí từng gắn bó với mình qua 2 cuộc chiến tranh. Tuổi trẻ, tâm trí, gian khổ của mình hòa quyện cùng nhân dân Long An; thậm chí máu của mình cũng nhuộm đất Long An nên khó dứt ra được. Đồng chí Phạm Hùng - Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng 3 lần trao đổi với mình để ra công tác ở Hà Nội. Mình suy nghĩ: “Thà làm một cây đinh mũi nhọn còn hơn làm cái bù lon đầu tù vù. Thôi phải chấp hành nghị quyết của Trung ương”.

Những ngày anh nằm ở Bệnh viện Thống Nhất- TP.HCM, mỗi lần đi khám bệnh, tôi đều ghé thăm anh. Tôi thật sự không thể cầm lòng khi thấy anh nằm bất động, lúc nhớ, lúc quên bên những ống thở oxy đang tiếp thêm sự sống cho anh. Lúc nào anh cũng muốn đọc báo nên khi sức yếu, không thể cầm nổi tờ báo thì hai tay anh lại cầm tờ giấy đưa lên trước mắt để đọc; tờ giấy đó có thể mảnh báo nhỏ để gói xôi hay gói bánh mì của người nhà. Anh không thể rời bỏ thói quen đọc báo bởi lúc nào anh cũng muốn biết đất nước đang thay đổi như thế nào; kết quả việc chống tham nhũng; đời sống nhân dân tỉnh nhà phát triển ra sao;…? dù trước mắt anh là khoảng tối mênh mông, chỉ còn lờ mờ chút ánh sáng le lói, anh vẫn nghĩ đến dân, đến nước. Thật cảm phục!

Anh ra đi để lại trong lòng bao người niềm thương tiếc đối với một người chiến sĩ cách mạng kiên cường với phẩm chất đạo đức cao đẹp về tình người, tình đồng chí đầy tính nhân văn. Anh cùng tập thể lãnh đạo Tỉnh ủy Long An qua các thời kỳ và nhân dân tỉnh nhà tô đậm thêm vào bản đồ lịch sử đấu tranh của dân tộc 8 chữ vàng: “Trung dũng, kiên cường, toàn dân đánh giặc”.

Với những tư duy lãnh đạo mới mẻ, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu; anh cùng tập thể lãnh đạo tỉnh Long An đi đầu trong việc thí điểm chính sách giá-lương-tiền, góp phần đổi mới kinh tế đất nước.

Vĩnh biệt anh, đồng chí Chín Cần. Xin kính cẩn nghiêng mình trước vong linh anh và thành thật chia buồn cùng tang quyến./.

Tiến sĩ Nguyễn Mộng Hùng (Nguyên Tỉnh ủy viên, Ủy viên UBND tỉnh Long An, Nguyên Giám đốc Sở Công nghiệp Long An)

Chia sẻ bài viết