Tiếng Việt | English

23/09/2016 - 10:55

Vĩnh biệt vị “thống soái” cải lương tuồng cổ ​Thanh Tòng

Tin NSND Thanh Tòng trút hơi thở cuối cùng tại nhà riêng khoảng 10g sáng 22/9 vẫn làm nhói tim đồng nghiệp và nhiều thế hệ nghệ sĩ là học trò của ông.

NSND Thanh Tòng và con gái NSƯT Quế Trân tại lễ trao giải HTV Awards tháng 5-2013 - Ảnh: T.T.D.
Nhiều năm qua, sức khỏe nghệ sĩ Thanh Tòng không tốt do nhiều căn bệnh tuổi già như đau khớp, tim mạch, huyết áp… Nơi ngôi nhà tại khu dân cư Trung Sơn (Bình Chánh, TP.HCM) chiều 22-9, NSƯT Quế Trân giữ cho giọng mình không run khi kể lại những ngày cuối đời của cha:

“Ba tôi ra đi ai cũng bất ngờ. Vì sáng nay người nhà vẫn thấy ba không có dấu hiệu gì khác thường cả. Ba nằm trên giường rồi nhẹ nhàng ra đi!”.

“Lần này, ba đã chọn mấy tấm hình dặn là để dành làm tang lễ cho ba. Tấm hình nào là để quan tài, tấm hình nào là để đằng cửa... Nghe ba dặn thì nghĩ ba nói ngừa vậy thôi... Sáng nay nghe tin tôi sững sờ, muốn vứt hết tất cả... Ảnh hưởng của ba đối với tôi quá lớn, vừa là người cha mà vừa là người thầy...” - xen lẫn những cảm xúc nghẹn ngào là những giọt nước mắt không ngừng lăn dài trên gương mặt người con gái nối nghiệp ông.

Người thầy được ngưỡng mộ

Nếu nhắc đến nghệ thuật hát bội - cải lương tuồng cổ của miền Nam, có lẽ không thể không nhắc đến dòng tộc tính đến nay đã có đến sáu đời theo nghiệp hát hết sức lừng lẫy của gia đình nghệ sĩ Thanh Tòng, bắt đầu từ những năm 1920 khi bà cố nội của ông thành lập gánh hát bội Vĩnh Xuân vang danh.

Và có thể nói Thanh Tòng là đại diện xuất sắc nhất trong đời thứ tư của dòng tộc có gần 100 năm ăn cơm tổ nghiệp. Tài năng và đạo đức của ông đã khiến không chỉ anh em trong dòng họ kính trọng, mà nhiều đồng nghiệp cũng nể phục và yêu mến.

Nếu như cha ông, chú ông là những người sáng tạo ra cách hát bội pha cải lương thì Thanh Tòng chính là người tiên phong xây dựng loại hình cải lương tuồng cổ.

Là người em cô cậu với Thanh Tòng nhưng ngưỡng mộ ông như người thầy, nghệ sĩ Bạch Long ngậm ngùi nhớ lại:

“Phong cách diễn của tôi ảnh hưởng và học hỏi chủ yếu từ hai người thầy lớn là Minh Tơ và Thanh Tòng. Anh năm Thanh Tòng không chỉ dạy tôi mà còn dạy cả cho Bạch Lê, Thành Lộc...

Hồi nhỏ, tôi hay ngồi cánh gà coi anh diễn mê mệt, sáng ra cứ thế bắt chước anh mà làm. Vô tình anh đi ngang, thấy tui ham quá anh kêu lại dạy luôn. Bình thường tánh ảnh hiền, thương em út, nhưng vô tập là khó dữ thần.

Ảnh không đánh cây roi nào nhưng chểnh mảng, không tập trung, chỉ cần ảnh trợn mắt là em út sợ chết khiếp không dám lơ là. Ảnh chính là người đạo diễn và cho tôi những vai ghi dấu ấn như Thánh Gióng, Kim Đồng, Phạm Cự Chích, Trần Quốc Toản. Nhiều vở diễn ảnh phối hợp đưa vũ đạo hát bội vào khiến vở có nét riêng và hấp dẫn như Câu thơ yên ngựa, Bão táp nguyên phong, Thanh gươm nữ tướng...”.

NSND Thanh Tòng trong vở cải lương Chiếc áo thiên nga - Ảnh: Gia Tiến
Truyền nối truyền thống làm nghề lừng lẫy của gia tộc

Những vai diễn trên sân khấu của ông gồ ghề, góc cạnh bao nhiêu thì trong cuộc sống đời thường ông là người rất dễ xúc động.

Còn nhớ năm 2009, với sự gợi ý của con gái cưng Quế Trân, thay vì làm live show cho riêng mình, ông đã quyết định làm live show như một cuốn gia phả của gia tộc. Đó là chương trình Dòng nghề tâm sử tập trung gần như đầy đủ anh em nghệ sĩ trong dòng tộc.

Chương trình đó được anh em trong dòng họ tin tưởng tuyệt đối trao gửi cho ông vị trí thuyền trưởng. Những năm tháng đó khi lật giở những tư liệu gia đình để đưa vào chương trình, ngày nào ông cũng khóc vì xúc động, cứ hễ nhắc đến tâm huyết đó là ông lại rơi nước mắt.

Mong muốn của ông là cố gắng làm thật tốt, thật ý nghĩa để con cháu nhìn vào đó ý thức được truyền thống nghệ thuật của gia đình mà tiếp tục lưu giữ, truyền nối.

Có thể nói rất nhiều nghệ sĩ cải lương tuồng cổ tên tuổi hiện nay từng là học trò hoặc chí ít cũng từng được ông chỉ dạy như: Vũ Linh, Tài Linh, Kim Tử Long, Vân Hà, Chí Linh...

Từng là học trò của Thanh Tòng khoảng năm 1989 khi chuyển từ đoàn Trần Hữu Trang qua Minh Tơ và đến nay là cháu rể của ông, nghệ sĩ Kim Tử Long chia sẻ:

“Cậu năm từng làm đạo diễn các vở mà tôi đóng chánh được khán giả rất yêu thích như: Cánh nhạn mù sương, Phụng Nghi Đình, Tờ huyết thệ... Hồi đó ai tập mà cứ cà rỡn là chết với cậu. Nhờ theo học cậu mà nghề nghiệp của tôi được vững chãi như ngày nay. Về công tác đạo diễn, tôi học được từ cậu nhiều lắm.

Các vở cậu đạo diễn thường súc tích, dung dị, gắn liền với cuộc sống theo lối tả thực, không nặng tính ước lệ và trình thức vũ đạo rất đẹp mắt. Điều làm tôi nể phục là cậu giữ được lối sống rất nề nếp, không tìm kiếm thú vui bên ngoài, chỉ thích quây quần trong không khí gia đình.

Cậu dạy con rất tốt nên cả hai con đều ăn học đàng hoàng và được mọi người thương yêu. Trước khi mất, cậu cũng dặn lại đừng làm đám rùm beng, phiền hà mọi người, chỉ cần thu xếp mọi cách ấm cúng là được”.

Những năm gần đây tuổi cao sức yếu nên nghệ sĩ Thanh Tòng hạn chế xuất hiện trên sân khấu. Tuy nhiên khi sức khỏe cho phép, ông cố gắng đến gặp gỡ các nghệ sĩ trẻ, đồng nghiệp.

Dù ở vai trò là giám khảo hay khách mời tham gia giải Chuông vàng vọng cổ, giải Trần Hữu Trang, cách ông trò chuyện, ánh mắt ông rạng rỡ khi nói về nghề vẫn tiếp tục truyền lửa, truyền năng lượng cho thế hệ sau.

Ông đã sống như một con tằm đến chết vẫn còn muốn nhả tơ, những sợi tơ trân quý dâng lên nghiệp tổ...

NSND Thanh Tòng tên thật là Nguyễn Thanh Tòng, sinh năm 1948 tại Sài Gòn. Ông từng đoạt 4 HCV và 6 HCB trong các đợt hội diễn sân khấu toàn quốc. Với vai trò diễn viên, ông được khán giả nhớ nhiều với các vai diễn: Võ Minh Thành (vở Đời cô Lựu), Chu Phác Viên (vở Lôi vũ), cậu Tân (vở Tô Ánh Nguyệt)... Ông được Nhà nước phong tặng NSND vào năm 2007.

 Đoan Linh - Quang Thi/tuoitre online

Chia sẻ bài viết