Tiếng Việt | English

25/11/2015 - 11:24

Long An

Vụ Đông Xuân 2015-2016: Nông dân gặp khó!

Năm nay, lũ thấp cộng với điều kiện thời tiết bất thường gây bất lợi đến việc sản xuất của nông dân. Nhiều nông dân phải tốn thêm một khoản chi phí gieo sạ lại vụ Đông Xuân (ĐX) khi bị thiệt hại do thời tiết.


Nông dân bơm nước trữ ngọt cho cuối vụ

Nông dân tốn thêm chi phí gieo sạ lại

Vụ ĐX năm nay, do lũ thấp nên nông dân tốn nhiều chi phí để vệ sinh đồng ruộng. Thời tiết bất lợi ảnh hưởng rất nhiều đến việc gieo sạ. Tại nhiều địa phương, nông dân phải tốn thêm một khoản chi phí để gieo sạ lại.

Tại huyện Vĩnh Hưng, vụ ĐX gieo sạ được trên 15.000ha, tuy nhiên, do gặp mưa lớn nên một số diện tích lúa gieo sạ vụ này bị hư hại. Nông dân phải xuống giống lại lần 2 khoảng 700ha, trong đó, tập trung nhiều nhất ở xã Khánh Hưng.

Huyện Tân Hưng, diện tích gieo sạ vụ ĐX đến thời điểm này hơn 19.500ha, diện tích sạ lại lần 2 khoảng 120ha.

Anh Lý Quốc Trì, ngụ ấp Gò Chuối, xã Hưng Điền, huyện Tân Hưng chia sẻ: “Gia đình tôi gieo sạ trên 12ha theo lịch thời vụ đợt 1, đợt 2. Nhưng do mưa lớn, ốc bươu vàng phá hoại nên tôi phải xuống giống lần 2 khoảng 6ha với chi phí khoảng 10 triệu đồng”.

Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Hưng - Phan Văn Nỉ cho biết: “Vụ ĐX năm nay, lũ nhỏ, dự báo tình hình xâm nhập mặn cuối vụ, điều kiện thời tiết bất thường, có hiện tượng những cơn mưa trái mùa gây ảnh hưởng đến tình hình gieo sạ của nông dân. Tuy nông dân phải sạ lại nhưng không ảnh hưởng nhiều đến lịch thời vụ, vì từ khi phát hiện hư hại đến khi xuống giống lại chỉ khoảng 3-4 ngày. Trong gieo sạ đợt 3 này, để tránh hư hại, nông dân nên theo dõi thời tiết, bố trí thời gian hợp lý và tạo nhiều rãnh để thoát nước, tránh tình trạng ngập úng cho ruộng lúa”.

Để vụ ĐX 2015-2016 đạt hiệu quả

Theo ông Võ Thế Nhã, ngụ ấp Bình Trung 1, xã Bình Hòa Trung, huyện Mộc Hóa: “Nước lũ không ngập sâu nên chúng tôi lo khi sản xuất lúa ĐX sẽ gặp nhiều bất lợi do dịch bệnh tấn công. Ngoài chuột bọ cắn phá, phải đối phó với rầy di trú đầu vụ. Nước ít cũng là điều kiện tốt cho cỏ dại, ốc bươu vàng và nhiều loại dịch bệnh khác lây lan, gây hại. Do đó, giá thành sản xuất lúa có thể cao hơn. Hiện, chúng tôi đang đắp bờ và thuê máy cày vùi lấp rơm rạ, diệt cỏ dại cho mặt ruộng sạch sẽ, chuẩn bị gieo sạ. Chúng tôi rất lo lắng về vấn đề xâm nhập mặn, vì vậy, sau khi gieo sạ, chúng tôi sẽ bơm nước trữ ngọt, chống xâm nhập mặn cuối vụ để vụ ĐX năm nay đạt hiệu quả”.


Nông dân chuẩn bị gieo sạ đợt 3

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Thanh Truyền cho biết: Năm nay, lũ thấp nên lịch gieo sạ sớm hơn vụ ĐX năm rồi 1 tháng. Để vụ ĐX này đạt hiệu quả cao, ngành tiếp tục chỉ đạo các địa phương hướng dẫn, vận động nông dân vệ sinh đồng ruộng, rửa phèn chuẩn bị gieo sạ; tuyên truyền, khuyến cáo nông dân gieo sạ đợt 3 đồng loạt, né rầy theo lịch thời vụ (từ ngày 29-11 đến 9-12-2015).

Tại các huyện phía Nam như Thủ Thừa, Bến Lức,... vụ ĐX năm nay gieo sạ trễ nên tình hình xâm nhập mặn vào cuối vụ rất cao. Vì vậy, ngành chỉ đạo các địa phương chủ động nạo vét hệ thống kênh mương và trữ nước ngọt, lấy nước phù hợp; tuyên truyền người dân chủ động bơm nước, làm đất nhằm hạn chế tình hình dịch bệnh, hạn chế xâm nhập mặn, bảo đảm lượng nước đủ cung cấp vào cuối vụ. Nông dân cần tăng cường tập trung chăm sóc, theo dõi tình hình gây hại của các sinh vật trên các loại cây trồng và có biện pháp phòng trừ kịp thời./.

Đến nay, mực nước lũ các huyện đầu nguồn tỉnh Long An xuống từ 1-6cm/ngày đêm. Mực nước tại các huyện vùng Đồng Tháp Mười thấp hơn so với cùng kỳ năm 2014 từ 0,21-0,80m; thấp hơn so với cùng kỳ năm 2011 từ 1,49-2,37m.

Lê Huỳnh-Thanh Mỹ

Chia sẻ bài viết