Tiếng Việt | English

23/07/2019 - 15:31

Vụ Tranh cấp thờ cúng liệt sĩ: Sẵn sàng hướng dẫn họp gia tộc để quyết định người thờ cúng

Đó là khẳng định của Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An - Võ Bảo Toàn về việc ông Phạm Văn Nở gửi đơn, yêu cầu được nhận lại Bằng Tổ quốc ghi công của liệt sĩ Nguyễn Hồng Dân và xin được thờ cúng.

Vừa qua, Báo Long An nhận được đơn của ông Phạm Văn Nở, ngụ phường 2, TP.Tân An, về việc xin được nhận lại Bằng Tổ quốc ghi công của liệt sĩ Nguyễn Hồng Dân (anh ông Nở), đồng thời xin được thờ cúng. Trong đơn nêu, ông Nguyễn Hồng Dân (hy sinh năm 1968) là con của ông Nguyễn Văn Xuôi (mất năm 2001) và bà Phạm Thị Mây (mất năm 1942). Ông Xuôi, bà Mây sinh được 4 người con gồm: Nguyễn Hồng Dân, Nguyễn Văn Tất, Nguyễn Văn Nhiên và Phạm Văn Nở.

Sau khi bà Mây mất, ông Xuôi có vợ thứ 2 là bà Đặng Thị Thiêu (mất năm 2002). Ông Xuôi, bà Thiêu sinh được 4 người con, trong đó có ông Nguyễn Văn Lập, ngụ ấp Bến Kè, xã Thủy Đông, huyện Thạnh Hóa. Ông Nguyễn Văn Lập làm đơn cho bà Thiêu (mẹ ông Lập) lãnh tiền liệt sĩ 19 năm mà không làm đám giỗ cho liệt sĩ Nguyễn Hồng Dân. Vì vậy, ông Nguyễn Văn Nhiên (anh ông Nở) làm đơn gửi UBND xã xin nhận lại Bằng Tổ quốc ghi công của liệt sĩ Nguyễn Hồng Dân, đồng thời xin thờ cúng nhưng không được giải quyết. Ngoài ra, trong đơn còn thể hiện sự bức xúc khi xác nhận cho bà Thiêu được quyền thờ cúng liệt sĩ và nhận tiền chế độ.

Căn cứ Điều 10, Thông tư 02/2013/TT-BLĐTBXH, ngày 15/5/2013 về việc hướng dẫn thủ tục lập hồ sơ, quản lý hồ sơ, thực hiện chế độ ưu đãi người có công với cách mạng và thân nhân; khoản 1, Điều 2, Thông tư số 16/2014/TT-BLĐTBXH quy định: Trường hợp liệt sĩ có nhiều con thì người thờ cúng là một người con được những người con còn lại ủy quyền; liệt sĩ chỉ có một con hoặc chỉ còn một con còn sống thì không phải lập biên bản ủy quyền. Trường hợp con liệt sĩ có nguyện vọng giao người khác thờ cúng liệt sĩ thì người thờ cúng là người được con liệt sĩ thống nhất ủy quyền. Trường hợp liệt sĩ không có con, không còn con hoặc có một con duy nhất nhưng bị hạn chế năng lực, hành vi, mất năng lực hành vi, đang cư trú ở nước ngoài, không xác định được nơi cư trú thì người thờ cúng là người được gia đình hoặc dòng tộc liệt sĩ ủy quyền.

Trường hợp liệt sĩ Nguyễn Hồng Dân không có con. Căn cứ theo những quy định trên, người được thờ cúng liệt sĩ Nguyễn Hồng Dân là người được họ tộc ủy quyền. Được biết, ngày 07/11/2013, tại UBND xã Thủy Đông, các ông: Nguyễn Văn Tất, Nguyễn Văn Nhiên, Nguyễn Văn Thành, Nguyễn Văn Đực có làm biên bản ủy quyền cho ông Nguyễn Văn Lập thờ cúng liệt sĩ Nguyễn Hồng Dân. Trên cơ sở đó, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện kiến nghị Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho ông Nguyễn Văn Lập hưởng chế độ thờ cúng liệt sĩ từ năm 2013, số tiền 500.000 đồng/năm.

Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện căn cứ vào hồ sơ lưu trữ liệt sĩ Nguyễn Hồng Dân gồm: Giấy xác nhận của ông Nguyễn Văn Định (SN 1923), ông Phùng Văn Chí (SN 1923), cùng ngụ ấp Bến Kè, xã Thủy Đông, xác nhận bà Đặng Thị Thiêu có công nuôi dưỡng liệt sĩ từ lúc 2 tuổi, đồng thời UBND xã có biên bản xác nhận bà Thiêu là người có công trực tiếp nuôi liệt sĩ. Do đó, bà Thiêu đủ điều kiện là thân nhân liệt sĩ.

Còn về việc làm đám giỗ cho liệt sĩ Nguyễn Hồng Dân, Chủ tịch UBND xã Thủy Đông - Phan Vũ Cường cho biết: “Theo xác minh của xã, ông Lập làm đám giỗ cho liệt sĩ Nguyễn Hồng Dân đàng hoàng. Ngoài ra, xã cũng nhiều lần mời ông Nở lên trả lời về việc viết đơn xin được nhận lại Bằng Tổ quốc ghi công của liệt sĩ Nguyễn Hồng Dân”.
Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Thạnh Hóa - Võ Bảo Toàn khẳng định: “Ngày 05-4-2019, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện mời ông Phạm Văn Nở đến làm việc và giải thích. Kết quả, ông Nở đồng ý rút đơn phản ánh. Hiện nay, nếu ông Nở có yêu cầu thay đổi người thờ cúng liệt sĩ thì Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện sẵn sàng hướng dẫn ông họp gia tộc để quyết định”./.

Thiên Minh

 

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích