Mặc dù tuổi đã già nhưng bà chăm chút cho vườn chè rất cẩn thận. Cả một đời lam lũ lo cho chồng cho con nên thời gian đếm trên từng nếp nhăn hằn lên gò má thế nhưng bà vẫn vui cười với cuộc sống. Ông tôi mất sớm còn con cháu hầu hết đi làm ăn xa nên cưới chồng cưới vợ định cư luôn, nên bà sống quạnh hiu một mình trong căn nhà nhỏ. Ngôi nhà dậy lên mùi khói chiều khi bà xuống bếp thổi cơm cho đứa cháu nhỏ làm lòng tôi thổn thức tình thương dạt dào của bà… Mỗi lần về quê tôi thường ra khu vườn chè xanh ngát một màu, tiếng chim rộn rã vang gọi cả khoảng trời vắng. Lẩn khuất đâu đó là hình ảnh người bà hái lá bắt sâu trên khu vườn ngọt ngào yêu thương. Hầu hết những người dân quê tôi đều thích uống nước chè xanh nên rất quý vườn chè, bà tôi cũng không ngoại lệ.
Mỗi lần về quê tôi khi uống một cốc chè xanh tôi thấy thoả lòng, vị chát đắng ngấm trên đôi môi như nhịp sống tảo tần của người thân lo cho tôi suốt quãng đời ấu thơ. Khi có khách viếng thăm bà thường lấy nước sôi trong bình thuỷ rồi chọn những ngọn chè xanh non nhứt ốp lấy nước chè xanh đặc biệt phảng phất mùi hương thanh tao của chè tươi. Tôi chợt nhớ đến câu ca dao: “Chè non nước chát xin mời/ Nước non, non nước nghĩa người khó quên”, chắc vì thế nên bát nước chè xanh đậm đà nghĩa tình mến khách của bao người dân quê như bà tôi. Mặc dù nhà nhỏ, không gian hạn chế nhưng bà tôi vẫn dành một cái bàn nhỏ để tiếp bạn hàn huyên tuổi già. Đặc biệt nhất là ấm nước chè xanh được bà đặt ở giữa, cái cơi đựng trầu với cánh trầu têm, quả cau tươi mà bà chắt chiu từng ngày. Thuở nhỏ hay phá cau nên bà thường rầy la: “Có quả cau tươi cũng phá của bà, sau bữa cơm không có bà ăn trầu”. Biết tính bà nên đi ăn giỗ đâu xa tôi thường giấu ít cau tươi về biếu bà.
Những trưa nắng bà thường làm chè khô để bán kiếm đồng sinh sống qua ngày. Ngó vậy chứ vườn chè là cả sự nghiệp của bà đấy, bà kể ngày xưa bà phải đi hái chè trong núi sâu nên vất vả lắm. Mỗi lần, nghe có đám hát cải lương về xã là bà nhịn ăn bấm bụng bán cân chè mua vé để đi xem.
Làm chè khô vất vả lắm, thường là phải trải qua rất nhiều công đoạn, tôi đã rất nhiều lần trông bà làm. Sáng sớm bà ra khu vườn chọn những búp chè non rồi hái thật nhiều cho vào giỏ. Đến trưa giũ ra nong tre chờ chè héo rồi tiến hành đạp chè. Nhìn giọt mồ hôi thấm chặt trên vầng trán rơi rơi trên chiếc lá chè mà tôi cảm nhận được đây là công đoạn thực sự vất vả mà bà phải trải qua. Sau đó, chè được ủ một ngày hai đêm rồi được bà giũ ra lại để phơi khô trong cái nắng gay gắt của trưa hạ.
Có lẽ vì thế nên lá chè khô sớm đã chìm sâu vào tâm thức tôi bao vất vả của bà để kiếm được đồng tiền. Công việc cuối cùng mà tôi có thể tham gia với bà đó chính là lựa chè: Chè cọng được để riêng vì có giá cao hơn, chè lá mà bà gọi là “chè gián” được để riêng vì loại này rất rẻ. Đứa bé ngày xưa ngáp lên ngáp xuống tỏ ra buồn ngủ nhưng vì thương bà nên cùng lựa với bà cho nhanh. Hai bà cháu mất cả buổi chiều mỏi hết cả lưng mà nụ cười không bao giờ tắt với bao câu chuyện bà kể cho cháu nghe, bao lời khuyên bà răn dạy thấm vào từng hồi ức của cháu. Làn gió mát mang hương đồng cỏ nội khẽ ru kí ức tuổi thơ trên từng lá chè khô mà bà suốt đời lam lũ yêu thương. Ngọn lửa đêm lập loè trong ngọn đèn dầu thắp sáng bài học tuổi thơ lúc cháu ở lại khi ba mẹ đi làm ăn xa không về. Làn gió nhè nhẹ của bà từ chiếc quạt mo cau, từ bàn tay chai sần nhăn nheo của bà đưa đôi chân cháu rong ruổi qua những miền thăm thẳm đong tròn từng giấc mơ diệu kì sớm ươm mầm tâm hồn đứa cháu nhỏ.
Mỗi ký chè khô có giá khoảng hai mươi ngàn đồng nhưng đối với cháu là vô giá, bà ạ! Bà vẫn lặng lẽ đạp chè khô kiếm tiền khoả lấp giọt lệ u buồn suốt cả cuộc đời. Mớ rau, con cá bà mua về còn thấm giọt mồ hôi ấm áp ngọt lành những bữa cơm muộn. Cháu hứa, cháu sẽ cố gắng hoàn thành mọi dự định trong tương lai để cuộc sống đỡ vất vả hơn, để được sà vào lòng bà vào những trưa nắng hạ… Khu vườn chè reo vui trong gió toả thơm tấm lòng chân chất, nụ cười hiền dịu giúp cháu vững bước trên đường đời gian nan./.
Phan Nam (Tiên Phước – Quảng Nam)