Tiếng Việt | English

12/05/2023 - 08:51

Xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc

Gia đình là tế bào của xã hội, gia đình có bền vững, ấm êm, hạnh phúc thì xã hội mới phát triển. Mỗi gia đình đều có hoàn cảnh riêng với những “bí quyết” xây dựng gia đình hoàn toàn khác. Tuy nhiên, “mẫu số chung” vẫn là sự tôn trọng, đồng lòng và biết sống vì nhau.

1. Gắn bó từ những ngày còn gian khó, đến hiện tại, gia đình ông Nguyễn Hữu Hiền và bà Nguyễn Thị Kim Lan (ấp 2, xã Thạnh Trị, thị xã Kiến Tường, tỉnh Long An) là một trong những hộ khá giả tại địa phương. Các con của ông bà đều đã trưởng thành, có gia đình và công việc riêng.

Ông Hiền kể, trước đây, gia đình ông bà gặp nhiều khó khăn. Mỗi mùa lũ đến, căn nhà ngập sâu trong nước lũ. Vợ chồng ông cùng chở từng xuồng đất từ ruộng về để tôn cao nền nhà, không nề hà bất cứ công việc nặng nhọc nào. Bà Lan nhớ lại: “Lúc đó, ngoài lo việc ngoài đồng, tôi còn chăm sóc các con, nuôi gà, heo, bò. Cùng nhau vượt khó mới thành công được”.

Trải qua bao khó khăn, giờ đây, vợ chồng ông Nguyễn Hữu Hiền và bà Nguyễn Thị Kim Lan có cuộc sống đầy đủ, vui cùng con cháu

Trong căn nhà tường khang trang, ông Hiền nhấp ngụm nước trà, nhìn vợ rồi nói: “Vợ chồng muốn đồng lòng phải tin tưởng, tôn trọng nhau. Muốn tạo niềm tin với vợ thì người chồng phải thành thật, tôn trọng vợ”. Không chỉ tôn trọng, lắng nghe và thấu hiểu cũng là một trong những bí quyết gìn giữ sự ấm êm trong gia đình ông Hiền, bà Lan. Những bất hòa trong gia đình thường được giải quyết bằng cách nhường nhịn, lắng nghe.

Bà Lan chia sẻ: “Cứ “cơm sôi thì bớt lửa”, người này giận, người kia nhịn một chút. Khi bình tĩnh lại thì nghe nhau nói để hiểu nhau hơn. Chồng tôi cũng là người chịu lắng nghe”.

Với ông Hiền, xã hội ngày càng phát triển nên ông luôn sẵn sàng học hỏi cái mới, nhờ con hướng dẫn những điều mình chưa biết. Cả cuộc đời làm nông dân, ông tích lũy biết bao kinh nghiệm trong việc chăm sóc lúa nhưng khi người con trai học được kỹ thuật canh tác mới từ các lớp tập huấn, Internet, ông đều chịu khó nghe con nói, cùng con bàn bạc để áp dụng một cách phù hợp nhất cho ruộng lúa của gia đình. Điều đó tạo nên sự thuận hòa trong gia đình 3 thế hệ như gia đình ông.

2. Với sự khác biệt về tuổi tác, kinh nghiệm, hoàn cảnh sống, giữa các thành viên trong gia đình nhiều thế hệ thường có những khoảng cách nhất định. Tuy nhiên, chỉ cần yêu thương và thấu hiểu, gia đình sẽ giữ được sự hòa thuận. Với gia đình ông Lê Thanh Tùng (thị trấn Tân Thạnh, huyện Tân Thạnh) - nguyên Phó Chủ tịch HĐND huyện Tân Thạnh, niềm tự hào to lớn nhất là sự thành đạt, hạnh phúc của 2 người con trai. Nhắc tới con, gương mặt của ông Tùng và vợ (bà Trần Thị Lệ Thanh) lúc nào cũng ánh lên niềm vui.

Ông cho biết: “Gia đình tôi vốn không có đất sản xuất, tất cả kinh tế đều dựa vào tiền lương của tôi và thu nhập từ nghề may của vợ. Cuộc sống lúc đó khó khăn nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm cho 2 con học hành đến nơi, đến chốn. Vợ chồng tôi luôn động viên nhau là gia đình không có tài sản gì nên ráng cho con tri thức”.

Ông Lê Thanh Tùng và bà Trần Thị Lệ Thanh (thị trấn Tân Thạnh, huyện Tân Thạnh) rất tự hào về thành tích của các con (Trong ảnh: Vợ chồng ông Tùng xem lại thành tích của 2 người con)

Không phụ lòng cha mẹ, 2 người con trai của ông bà đều có thành tích học tập tốt. Hiện tại, người con trai lớn đã tốt nghiệp cao học, có việc làm ổn định và gia đình riêng. Người con trai thứ 2 cũng tốt nghiệp đại học, đang làm việc tại một tập đoàn lớn ở TP.HCM và chuẩn bị học cao học. Hai người con trai của ông Tùng rất yêu thương nhau và luôn hiếu thảo với ông bà, cha mẹ.

Ông Tùng chia sẻ: “Để dạy dỗ con thì không nhất thiết phải lớn tiếng, nặng lời. Vợ chồng tôi luôn cố gắng làm gương, từ công tác, đối nhân xử thế đến hành xử trong gia đình. Chỉ cần như vậy, tôi tin các con tôi sẽ hiểu mình cần phải làm gì”. Hiện ông bà sống cùng vợ chồng người con trai lớn và các cháu nội.

Bà Thanh chia sẻ, bà cùng con dâu thường xuyên trò chuyện, tâm sự. Khi con dâu mới sinh cháu, bà quan tâm, giúp đỡ, hướng dẫn con dâu chăm sóc em bé. “Tôi không có con gái nên khi có con dâu về sống chung, tôi vui lắm! Tôi hay nói đùa với chồng là từ nay tôi đã có “đồng minh” trong nhà” - bà Thanh vui vẻ nói.

Ông Lê Thanh Tùng và bà Trần Thị Lệ Thanh hiện sống cùng vợ chồng người con trai lớn và các cháu nội

Mặc dù trước đây cưới nhau nhờ mai mối nhưng khi về chung một nhà, ông bà luôn tôn trọng, yêu thương, cùng nhau xây dựng gia đình hạnh phúc, hòa thuận. Nói về vợ, ông Tùng không tiếc lời ca ngợi: “Những lúc khó khăn, vợ tôi đã tiết kiệm từng đồng, nhịn ăn, nhịn mặc để lo cho con. Cũng bởi tính hiền lành và chịu khó của vợ mà chúng tôi gắn bó với nhau tới bây giờ”.

3. Gặp gỡ thông qua các lần cùng tham gia hoạt động thiện nguyện cách đây nhiều năm, anh Nguyễn Văn Lộc và chị Trần Thị Bích Linh (xã Phước Tân Hưng, huyện Châu Thành) đã dành cho nhau sự cảm mến. Khi dịch Covid-19 bùng phát, anh Lộc mở bếp ăn từ thiện tại nhà. Mỗi ngày, anh cung cấp hàng ngàn suất cơm cho người dân, bệnh nhân trong các khu vực cách ly. Lúc này, chị Linh cũng “kề vai sát cánh” cùng anh Lộc vận hành bếp ăn. Khi cuộc sống trở lại trạng thái “bình thường mới”, anh chị mới chính thức “về chung một nhà”.

Anh Nguyễn Văn Lộc, chị Trần Thị Bích Linh cùng nhau dọn dẹp tiệm cơm vào cuối ngày

Vốn tâm huyết với hoạt động thiện nguyện, anh Lộc dành gần như toàn bộ thời gian để giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn. Là Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin của xã Phước Tân Hưng, anh dành thời gian tìm hiểu các hoàn cảnh khó khăn trong và ngoài địa bàn để kêu gọi mạnh thường quân giúp đỡ. Được sự ủng hộ của vợ, anh mở cơ sở dịch vụ mai táng và tiệm cơm nhỏ tại thị trấn Tầm Vu, huyện Châu Thành, vừa để phát triển kinh tế gia đình, vừa có điều kiện hỗ trợ người dân gặp khó khăn khi cần thiết.

Anh Lộc chia sẻ: “Tôi thường xuyên vận động hỗ trợ cho người có hoàn cảnh khó khăn nên biết có những trường hợp gia đình không có tiền mai táng người mất. Khi có cơ sở mai táng, những trường hợp như vậy tôi có thể giúp đỡ ngay. Tôi dành nhiều thời gian cho việc ngoài xã hội nên chuyện gia đình hầu hết do vợ tôi quán xuyến. Đó là may mắn của tôi”.

Chị Linh luôn đồng hành cùng chồng trong mọi việc. Chị nói: “Lúc trước, tôi gặp anh Lộc qua các đợt thiện nguyện nên luôn ủng hộ việc làm của chồng. Mỗi khi anh đi tặng quà vào buổi tối, tôi cũng sắp xếp đi cùng. Khi không lo công việc, anh đều về nhà phụ giúp tôi, không khi nào tôi phải vất vả một mình”.

Có sự ủng hộ của vợ, anh Nguyễn Văn Lộc (bìa phải) dành nhiều thời gian cho công tác xã hội

Vợ chồng anh Lộc, chị Linh thức dậy từ 4 giờ để nấu ăn, kịp mở cửa tiệm cơm vào sáng sớm. Mỗi chiều, sau khi bán xong, vợ chồng anh chị lại cùng nhau dọn dẹp, chuẩn bị nguyên liệu cho ngày hôm sau. Điều đó trở thành nề nếp và không có ngày nào gián đoạn. Mỗi ngày, vợ chồng anh Lộc, chị Linh lấy việc san sẻ cùng nhau và giúp đỡ mọi người làm niềm vui, hạnh phúc của mình.

Gia đình hạnh phúc, đó là mục tiêu hướng đến của tất cả những cặp đôi khi tiến đến hôn nhân. Và hành trình tiến tới mục tiêu ấy cần sự nỗ lực của cả 2 người từ những điều nhỏ nhất./.

Trong xã hội ngày nay, tình trạng ly hôn ở giới trẻ có xu hướng tăng. Theo thống kê của Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới vào năm 2018, cứ 10 cặp đôi kết hôn thì có 3 cặp ly hôn. Một trong những nguyên nhân ly hôn chính là xung đột về quan điểm sống, lối sống, con người ngày càng đề cao tự do cá nhân. Nếu các cặp vợ chồng trẻ biết “nhìn về một hướng”, yêu thương và chia sẻ cho nhau thì gia đình sẽ thêm hạnh phúc, trở thành động lực phát triển cho mỗi cá nhân.

Quế Lâm

Chia sẻ bài viết