Cần có sự hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và nông dân
Mang lại hiệu quả cho nông dân
Sau 5 năm triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh Long An, cánh đồng lớn mang lại lợi ích cho ND và DN, tăng lợi nhuận cho ND nhờ áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, vật tư nông nghiệp đầu vào được cung ứng tốt, thúc đẩy cơ giới hóa, bảo vệ môi trường. Đối với DN, thông qua liên kết, DN đặt hàng sản xuất theo yêu cầu thị trường, có vùng nguyên liệu ổn định, chất lượng sản phẩm được cải thiện nên nâng cao sức cạnh tranh. Đây là hướng đi quan trọng trong sản xuất lúa gạo. Diện tích, năng suất, sản lượng tăng lên. Cánh đồng lớn chính là bước tiến mới phù hợp quá trình phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại hóa.
Bên cạnh đó, cánh đồng lớn phát huy được lợi thế, sự liên kết 4 nhà (Nhà nước, nhà khoa học, nhà DN và nhà nông), đây là môi trường tốt để áp dụng các tiến bộ khoa học - công nghệ cao trong sản xuất nhằm đạt năng suất cao, phẩm chất tốt, nâng cao giá trị sản phẩm và lợi nhuận cho ND. Mặt khác, cánh đồng lớn còn góp phần hình thành người ND mới, sản xuất hàng hóa biết gắn kết sản xuất với thị trường. DN không chỉ vì lợi ích của mình mà còn vì lợi ích của cộng đồng, người tiêu dùng và bảo vệ môi trường.
Đối tượng tham gia cánh đồng lớn được đầu tư về giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; ngoài ra, ND còn được DN hướng dẫn về kỹ thuật và ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm; nhờ vậy, ND sản xuất đạt năng suất, chất lượng cao, đặc biệt là sản xuất sản phẩm an toàn. Thấy được lợi ích, hiệu quả của mô hình nên ND tham gia ngày càng nhiều.
Các giống lúa được đưa vào vùng nguyên liệu là những giống có năng suất cao, chất lượng tốt, phù hợp nhu cầu người tiêu dùng. ND tham gia cánh đồng lớn trong thời gian qua hầu hết khẳng định lợi ích thiết thực mà họ được thụ hưởng. Ông Tô Ngọc Điệp, ngụ xã Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Hưng - ND tham gia mô hình cánh đồng lớn trong thời gian qua, cho biết: “Tham gia cánh đồng lớn, tôi được các kỹ sư xuống tận ruộng hướng dẫn tận tình cách canh tác lúa hiệu quả. Mỗi khi xuất hiện dịch bệnh, tôi được tư vấn để xử lý kịp thời, an toàn nên năng suất qua các năm đều tăng lên rõ rệt, chúng tôi rất phấn khởi!”.
Doanh nghiệp cần thay đổi phương thức thu mua
Vẫn còn khó khăn
Qua thời gian thực hiện cánh đồng lớn, DN tham gia hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm chưa nhiều, một số DN gặp khó khăn về vốn, mối liên kết giữa DN với HTX, ND chưa chặt chẽ, còn tình trạng phá vỡ hợp đồng khi giá lúa biến động, ND còn quen với tập quán sản xuất nhỏ, lẻ; hiệu quả hoạt động của các HTX chưa cao; một số nơi, sự quan tâm hỗ trợ của chính quyền địa phương còn hạn chế;... dẫn đến tình trạng diện tích cánh đồng lớn giảm trong thời gian gần đây.
Theo ông Nguyễn Văn Oanh, ngụ xã Vĩnh Trị, huyện Vĩnh Hưng, tham gia cánh đồng lớn, ND được hưởng nhiều lợi ích: Được hỗ trợ vốn, kỹ thuật và được bao tiêu sản phẩm. Tuy nhiên, ND vẫn còn bị ràng buộc, DN chỉ thu mua lúa tại nhà máy, trong khi nhiều thương lái thu mua tại ruộng, thu mua, vận chuyển chủ yếu bằng đường thủy.
“ND trong HTX rất quan tâm và tham gia thực hiện cánh đồng lớn thời gian qua; tuy nhiên, chủng loại giống do DN đưa ra rất ít; mối liên kết giữa DN với HTX, ND chưa chặt chẽ, vẫn còn tình trạng phá vỡ hợp đồng khi giá lúa có sự biến động” - Giám đốc HTX Hương Trang, xã Bình Hòa Trung, huyện Mộc Hóa - Trần Văn Sữa nói.
Theo Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Hưng - Trần Tấn Tài, việc xây dựng cánh đồng lớn thời gian qua cho những kết quả hết sức thuyết phục. Tuy nhiên, sự phối hợp giữa DN với chính quyền địa phương chưa chặt chẽ, chủ yếu DN và ND tự hợp đồng với nhau trong hợp tác sản xuất, không thông qua địa phương.
Phương thức thu mua cần được thay đổi
Cần có giải pháp xây dựng và phát triển
Kế hoạch của tỉnh đến năm 2020, phấn đấu thực hiện với diện tích 100.000ha lúa trong cánh đồng lớn. Để đạt kế hoạch này, cần có sự thống nhất về phương thức, giải pháp xây dựng và phát triển cánh đồng lớn trong thời gian tới.
Theo Giám đốc HTX Hương Trang - Trần Văn Sữa, để cùng hợp tác tốt, các DN cần thay đổi phương thức thu mua giữa hai bên. Bên cạnh đó, các cấp chính quyền cần kêu gọi nhiều DN tham gia liên kết để ND mở rộng diện tích.
Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Lương thực Vĩnh Hưng - Dương Nguyễn Đình Duy cho biết: “Công ty liên kết với ND từ năm 2012, diện tích 2.000ha. Tuy nhiên, thời gian qua, diện tích này luôn biến động do phương thức thu mua giữa công ty và ND chưa được đồng thuận. Dự kiến vụ Đông Xuân 2017-2018, công ty hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho ND với diện tích 3.000ha ở các huyện: Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa và thị xã Kiến Tường; đến thời điểm này, công ty ký kết hơn 2.400ha. Quy hoạch tập trung từng vùng, từng khu vực và thay đổi phương thức thu mua, công ty tiếp tục hỗ trợ giống, phân bón, thuốc trừ sâu, tư vấn kỹ thuật và thu mua nông sản của ND, chọn những giống có năng suất cao, phù hợp thổ nhưỡng địa phương”.
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Lê Văn Hoàng, thời gian tới, để thực hiện tốt việc xây dựng cánh đồng lớn, cần tăng cường công tác tuyên truyền để người dân được biết và tham gia thực hiện. Củng cố, thành lập, nâng cao năng lực hoạt động của các HTX, tổ hợp tác, hỗ trợ ND trong quá trình sản xuất và tiêu thụ nông sản đạt hiệu quả, bền vững. Thực hiện ký kết hợp đồng liên kết nhằm tránh tình trạng phá vỡ hợp đồng. Hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng nông nghiệp phục vụ sản xuất. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, thu hoạch, sau thu hoạch. Hỗ trợ các hoạt động xúc tiến thương mại, thông tin thị trường. Hướng dẫn DN, HTX xây dựng, thực hiện các dự án, phương án cánh đồng lớn./.
Văn Đát