Tiếng Việt | English

31/12/2018 - 09:01

Xây dựng chuỗi thực phẩm an toàn - “Giấy thông hành” ra thị trường

Nhằm giải quyết “đầu ra” cho nông sản và kết nối thực phẩm sạch đến người tiêu dùng, tỉnh Long An đang đẩy mạnh xây dựng chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn trên sản phẩm rau, thủy sản. Đây là động thái giúp người tiêu dùng an tâm về thực phẩm, đồng thời tạo điều kiện để các cơ sở trong chuỗi cung ứng nông sản có “giấy thông hành” phát triển.

Rau an toàn trên địa bàn tỉnh hiện được các cơ quan chức năng đẩy mạnh liên kết tiêu thụ theo hướng chuỗi

Rau an toàn trên địa bàn tỉnh hiện được các cơ quan chức năng đẩy mạnh liên kết tiêu thụ theo hướng chuỗi

“Giấy thông hành”

Năm 2018, Hợp tác xã (HTX) Rau an toàn Mười Hai (xã Long Khê, huyện Cần Đước) được Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng nông sản tỉnh hỗ trợ xây dựng chuỗi thực phẩm an toàn trên rau ăn lá. Qua khảo sát từ chi cục, HTX có 7 hộ sản xuất 8ha được chứng nhận VietGAP, sản lượng khoảng 1.000 tấn sản phẩm/năm, với 25 loại rau ăn lá. Hiện HTX có nhà sơ chế và ký hợp đồng cung cấp sản phẩm cho Công ty BB và CC, Siêu thị Big C và đang thương thảo hợp đồng với một vài nơi khác.

Giám đốc HTX Rau an toàn Mười Hai - Lê Văn Giấy cho rằng: “Việc kết nối đầu ra sản phẩm có kết quả rõ rệt. Trước đây, HTX chỉ là tổ hợp tác nhưng khi sản xuất theo mô hình HTX thì thành công hơn. Trước đây, vào khoảng tháng 10 và 11, nông dân thường khó bán rau hoặc giá giảm nhiều. Nhưng nay khác hẳn, đầu ra rất ổn định. Bình quân mỗi ngày, HTX tiêu thụ trên 1 tấn rau theo hợp đồng. Ngoài việc tiêu thụ rau ổn định, HTX còn tạo việc làm thường xuyên cho vài lao động thực hiện công đoạn sơ chế. Các thành viên bây giờ xem HTX như mái nhà chung để gầy dựng ngày một vững chãi hơn. Đặc biệt, khi được hỗ trợ xây dựng chuỗi thực phẩm an toàn, HTX xem đó như là tài sản quý, “giấy thông hành” để sản phẩm ra thị trường dễ dàng hơn”.

HTX Thủy sản Long Thạnh (xã Long Thạnh, huyện Thủ Thừa) do ông Cao Phú Khánh làm Giám đốc có 7 hộ nuôi là thành viên chính thức và nhiều hộ chăn nuôi là thành viên liên kết. Ông Phú Khánh cho biết, ngoài chăn nuôi theo hướng an toàn, HTX còn thực hiện sơ chế và được Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng nông sản tỉnh khảo sát, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP).

Sau khi được chứng nhận chuỗi thực phẩm an toàn, HTX Long Thạnh được các ngành liên quan hỗ trợ sản phẩm thủy sản các loại sau sơ chế như cá rô, lóc, trê, ếch, lươn,... tiếp cận các bếp ăn tập thể, các chuỗi cửa hàng thực phẩm an toàn trong và ngoài tỉnh. Ông Phú Khánh cho rằng: “Với sự hỗ trợ từ các cơ quan chức năng, tôi và các thành viên HTX đang nghiên cứu cho sinh sản và chăn nuôi thử nghiệm các mặt hàng thủy sản nước ngọt đang bị cạn kiệt như cá trê trắng, cá chạch đồng, cá chạch lấu, cá lăn sông,...”. Hiện tại, các thành viên HTX Long Thạnh rất phấn khởi và hy vọng nghề chăn nuôi thủy sản nước ngọt sẽ giúp họ có thu nhập ổn định, sống được với nghề, tránh tình trạng giá cả bấp bênh khi được tạo điều kiện đầu ra ổn định.

Ngoài xây dựng chuỗi thực phẩm an toàn, năm 2018, Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng nông sản tỉnh còn hỗ trợ Công ty TNHH SXTM-DV gạo an toàn Minh Tâm (huyện Cần Đước) xây dựng 114.000 tem điện tử truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Vẫn còn khó khăn

Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng nông sản tỉnh - Nguyễn Văn Cường thông tin: “Sau 3 năm xây dựng mô hình Chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn (từ năm 2016) đến nay, tỉnh có 12 chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn. Các sản phẩm gồm thịt heo, trứng, thủy sản, gạo, rau,... Những đơn vị được xác nhận sản phẩm chuỗi thực phẩm an toàn sẽ được ưu tiên giới thiệu, liên kết với doanh nghiệp (DN) tiêu thụ đầu mối để có đầu ra sản phẩm bền vững. Thuận lợi của chi cục trong việc vận động xây dựng chuỗi thực phẩm an toàn là các HTX, DN hưởng ứng nhiệt tình. Các cơ sở tham gia trong chuỗi cơ bản có sự gắn kết sản xuất theo chuỗi từ khâu sản xuất ban đầu đến sơ chế, đóng gói, vận chuyển, kinh doanh thực phẩm. Đồng thời, khi tham gia vào mô hình sản xuất, nông dân nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về ATTP. Từ đó, các HTX, DN theo hướng liên kết có đầu ra sản phẩm rất ổn định. Điển hình như các HTX rau an toàn: Phước Thịnh, Phước Hòa, Tân Hiệp,...

Xây dựng chuỗi thực phẩm an toàn giúp kết nối thực phẩm sạch đến người tiêu dùng

Xây dựng chuỗi thực phẩm an toàn giúp kết nối thực phẩm sạch đến người tiêu dùng

Bên cạnh những thuận lợi, việc tiêu thụ sản phẩm kiểm soát theo chuỗi ATTP vẫn còn gặp khó khăn. Khâu lưu thông, quảng bá ra thị trường,… còn yếu khiến sản phẩm đạt tiêu chuẩn theo hướng liên kết chỉ đạt trên 30%, phần còn lại vẫn bán ra thị trường thông qua thương lái. Tỉnh đã xây dựng được một số điểm bán nông sản an toàn nhưng vẫn còn hạn chế. Trong khi đó, nông sản an toàn phần lớn tiêu thụ tại TP.HCM, từ đó gây khó khăn cho công tác quản lý và việc tiếp cận thực phẩm an toàn của người tiêu dùng trong tỉnh.

Theo ông Nguyễn Văn Cường, thời gian tới, chi cục tiếp tục nhân rộng mô hình Chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn trên nông sản để nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm, cũng như tổ chức kết nối sản phẩm an toàn đến tay người tiêu dùng thông qua hệ thống phân phối./.

Năm 2018, tỉnh có 3 đơn vị được xác nhận sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn là HTX Nông nghiệp, Thương mại - Dịch vụ Thuận Giàu (xã Long Định, huyện Cần Đước), HTX Rau an toàn Mười Hai (xã Long Khê, huyện Cần Đước) và HTX Thủy sản Long Thạnh (xã Long Thạnh, huyện Thủ Thừa). Theo đó, chi cục đã thu 56 mẫu rau, thủy sản tại 3 HTX để phân tích đa dư lượng 4 nhóm hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật, kim loại nặng, vi sinh,... Kết quả các mẫu phân tích đều đạt yêu cầu.

Thanh Tùng

Chia sẻ bài viết