TP.Tân An nhìn từ trên cao. Ảnh: Thanh Nga
Những dấu ấn đô thị Tân An
Nhắc đến TP.Tân An, chị Lý (ngụ phường 3) vẫn chưa quên những con đường đá đỏ trải dài qua địa phận phường 3, 6, 7,... Thời đó, là trung tâm của tỉnh nhưng TP.Tân An vẫn chưa có nhiều phát triển. Thấm thoát 10 năm trôi qua, TP.Tân An như “khoác” lên mình “chiếc áo mới” với những nét hiện đại, tràn đầy sức sống.
Theo chị Lý, dấu ấn lớn nhất của TP.Tân An là hệ thống giao thông được đầu tư tương đối bài bản cùng những công trình kiến trúc tạo điểm nhấn cho thành phố. Đó là hệ thống bờ kè dọc theo đường Huỳnh Văn Nhứt, Trần Văn Nam đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Công viên phường 2, trục đường Hùng Vương, Quốc lộ (QL) 1, tuyến tránh TP.Tân An,... cùng sự phát triển mạnh mẽ của các khu đô thị mới tại phường 6.
Chị Lý cho biết: “10 năm qua là một sự phát triển vượt bậc của TP.Tân An. Từ những dịch vụ thiết yếu đến những khu mua sắm, vui chơi, giải trí,... đều có mặt tại Tân An, đáp ứng được nhu cầu của người dân. Tôi hy vọng, 10 năm sau nữa, TP.Tân An tiếp tục có những bước chuyển mình mạnh mẽ để trở thành một đô thị văn minh, hiện đại”.
Công viên phường 2 - một trong những điểm nhấn của TP.Tân An
2 năm trước, khu vực Công viên phường 2 chỉ là những dãy nhà lụp xụp nằm cạnh sông Vàm Cỏ Tây. Bằng sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của người dân, hiện công viên đã trở thành một trong những điểm nhấn của TP.Tân An mang đến không gian vui chơi thoải mái cho người dân mỗi khi chiều về.
Theo Chủ tịch UBND TP.Tân An - Nguyễn Quang Thái, Công viên phường 2 đã được nâng cấp hệ thống vỉa hè, cây xanh dọc các tuyến đường nội ô. Ngoài ra, việc nâng cấp tuyến tránh TP.Tân An, QL1, các điểm nhấn tại các vòng xoay cùng nhiều công trình trụ sở,... đã tạo nên một bức tranh đô thị mới năng động, phát triển. Đặc biệt, thành phố đã tập trung tối đa các nguồn lực, riêng giai đoạn 2016-2020, đã huy động được 5.830 tỉ đồng để tập trung phát triển đô thị. Đây cũng là cơ sở để TP.Tân An từ đô thị loại III (năm 2009) vươn lên trở thành đô thị loại II (năm 2019).
TP.Tân An đã có những bước tiến trong phát triển đô thị nhưng thực tế, đô thị Tân An có quy mô khá nhỏ so với các đô thị khác trong khu vực. Đó cũng là trăn trở của chính quyền thành phố. Ông Nguyễn Quang Thái cho rằng, muốn nâng cấp, phát triển đô thị, ngoài tập trung các nguồn lực đầu tư thì phải mở rộng địa giới hành chính, quy hoạch các khu đô thị mới để thu hút dân cư.
“May mắn trong nhiệm kỳ qua, Đảng bộ tỉnh đã xác định Đường Vành đai TP.Tân An là công trình trọng điểm và đến nay, công trình này từng bước được triển khai, thực hiện. Nhìn một cách tổng quan, công trình này sau khi hoàn thành sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển KT-XH của TP.Tân An nói riêng và tỉnh Long An nói chung, tạo trục giao thông liên hoàn, xuyên suốt để kết nối đô thị hiện hữu của thành phố với các đô thị phía Bắc, phía Nam (đang dự kiến triển khai); đồng thời, tạo thành trục động lực kết nối giữa vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh với các huyện phía Nam của tỉnh. Bên cạnh đó, tuyến đường này cũng được kỳ vọng tạo sự kết nối để lưu thông hàng hóa, thúc đẩy phát triển thương mại, dịch vụ, tăng diện tích đất dành cho giao thông, góp phần hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật để thành phố đạt tiêu chí giao thông, tăng mật độ cây xanh, thu hút dân cư đô thị của đô thị loại I” - ông Nguyễn Quang Thái thông tin thêm.
Tập trung các nguồn lực đầu tư
10 năm trở lại đây, kinh tế của tỉnh đã có những bước phát triển mạnh mẽ và vươn lên dẫn đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, TP.Tân An - thủ phủ của tỉnh vẫn chưa thực sự phát triển xứng tầm với vị thế, tiềm năng và còn thua các đô thị trong vùng và các đô thị khác của vùng Đông Nam bộ.
Chia sẻ tại buổi họp báo sau Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, Bí thư Tỉnh ủy - Nguyễn Văn Được khẳng định, nguyên nhân có rất nhiều, cả khách quan và chủ quan. Tân An thời Pháp thuộc và trong kháng chiến chống Mỹ không được quan tâm phát triển đô thị, chỉ được xem là nơi đồn trú, do đó dịch vụ ít phát triển, đô thị không được mở rộng. Sau này, dù là vị trí cửa ngõ của miền Tây nối TP.HCM nhưng cũng vì khoảng cách với TP.HCM quá gần, lại kế cận đô thị Mỹ Tho nên Tân An cạnh tranh khó khăn trong phát triển các ngành dịch vụ, thương mại. Đến thời điểm này, kinh tế tỉnh đã vươn lên dẫn đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long, do đó, việc đầu tư phát triển TP.Tân An trở thành đô thị xứng tầm trong khu vực là một trong những nhiệm vụ sẽ được thực hiện trong thời gian tới.
Bờ kè kênh Vành đai tạo bộ mặt mới cho phường 3, phường 7
Để đạt mục tiêu xây dựng TP.Tân An là đô thị xứng tầm của tỉnh dẫn đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Đại hội Đảng bộ TP.Tân An nhiệm kỳ 2020-2025 cũng xác định Chương trình Huy động mọi nguồn lực xây dựng và phát triển TP.Tân An cơ bản đạt các tiêu chí đô thị loại I vào năm 2025 theo hướng đô thị thân thiện, văn minh, hiện đại trở thành 1 trong 2 chương trình đột phá trong nhiệm kỳ.
Theo Chủ tịch UBND TP.Tân An - Nguyễn Quang Thái, nhiều năm qua, thành phố tập trung thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển đô thị, xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, chỉnh trang, nâng cấp đô thị. Tuy nhiên, hiện so với các tiêu chí của đô thị loại I, TP.Tân An mới chỉ đạt 71,56/100 điểm và còn 12/59 tiêu chí không đạt được điểm tối thiểu, chưa đủ điểm chuẩn.
“Để thực hiện cơ bản đạt các tiêu chí của đô thị loại I, nhu cầu về nguồn lực đầu tư cho phát triển rất lớn, lên đến khoảng 17.000-18.000 tỉ đồng. Trong đó, thành phố sẽ tập trung đầu tư 19 công trình lớn như dự án bờ kè sông Bảo Định, đoạn từ cống Bảo Định đến đường Võ Văn Môn; đề án chống ngập cho khu vực nội thành; nâng cấp, cải tạo các vỉa hè khu vực nội thành; trung tâm điều hành đô thị thông minh; mở rộng nút giao thông QL62 - Hùng Vương; cải tạo nâng cấp Công viên phường 2, giai đoạn 2, đường Hùng Vương nối dài, đoạn phường 3 đến Bình Tâm, Kè sông Vàm Cỏ Tây đoạn phường 1, phường 2, phường 3, phường 6 và xã Lợi Bình Nhơn,... Những dự án này khi hoàn thành được kỳ vọng sẽ tạo diện mạo mới cho đô thị TP.Tân An - một đô thị thân thiện, văn minh và hiện đại” - Chủ tịch UBND TP.Tân An - Nguyễn Quang Thái cho biết thêm./.
Kiên Định