Năm 2015, đến ngày cuối cùng của đợt xét tuyển ĐH, lượng thí sinh đến rút-nộp hồ sơ tăng nhanh và xảy ra tình trạng “vỡ trận” tại một số trường ĐH vì hồ sơ của thí sinh đã rút nhưng thông tin về việc thay đổi nguyện vọng của các em vẫn chưa được các trường cập nhật kịp do sự cố nghẽn mạng Internet. Vì thế, các trường khác không thể nhập được dữ liệu để đăng ký xét tuyển cho thí sinh.
Thí sinh đăng ký xét tuyển đại học năm 2016 tại ĐH Bách Khoa Hà Nội
Còn năm nay, theo quy chế xét tuyển ĐH, CĐ, trong đợt I, mỗi thí sinh được đăng ký tối đa 2 trường, mỗi trường thí sinh được đăng ký tối đa 2 ngành xếp theo thứ tự ưu tiên từ 1 đến 2.
Ở các đợt xét tuyển bổ sung, mỗi đợt thí sinh được đăng ký tối đa vào 3 trường và trong mỗi trường được đăng ký tối đa 2 ngành xếp theo thứ tự ưu tiên từ 1 đến 2. Thí sinh không được thay đổi nguyện vọng và rút-nộp trong từng đợt xét tuyển.
Sẽ không còn cảnh “vỡ trận”
Với cách thức thay đổi trong xét tuyển ĐH, liệu năm nay có xảy ra tình trạng “vỡ trận” khi thí sinh đến nộp hồ sơ ở các trường hay không?
Ngày đầu tiên của đợt 1 xét tuyển vào các trường ĐH, đa phần thí sinh đến trường chỉ để nghe tư vấn, thăm dò, sang những ngày sau, lượng thí sinh đăng ký chính thức tăng lên.
Theo ông Nguyễn Phong Điền, Trưởng phòng Đào tạo của ĐH Bách Khoa Hà Nội, năm nay, chỉ tiêu tuyển sinh của ĐH Bách Khoa là 6.000 thí sinh. Tính tổng cộng trong 3 ngày đầu, ĐH Bách Khoa Hà Nội đã tiếp nhận gần 3.000 hồ sơ và lệ phí của thí sinh đến nộp trực tiếp.
Theo nhận định của ông Nguyễn Phong Điền, năm nay, thí sinh có nhiều hình thức đăng ký xét tuyển: nộp hồ sơ qua bưu điện, trực tiếp đến trường nộp hay đăng ký xét tuyển trực tuyến. Năm nay thí sinh không được rút-nộp hồ sơ và thay đổi nguyện vọng như năm 2015 nên tình trạng hỗn loạn trong việc đăng ký xét tuyển ở ngày cuối cùng của đợt 1 cũng sẽ không xảy ra.
Tuy nhiên, ở một số trường, thí sinh vẫn đến quan sát, dò hỏi, tư vấn thông tin và có thể dồn đến trường nộp phiếu xét tuyển chính thức vào những ngày cuối cùng.
Trong ngày đầu tiên của đợt xét tuyển, Đại học Giao thông Vận tải chỉ tiếp nhận được 220 hồ sơ thì đến nay là hơn 1.000 hồ sơ.
PGS.TS Nguyễn Văn Long, Trưởng phòng Khảo thí và đảm bảo chất lượng đào tạo của ĐH Giao thông Vận tải cho biết, chỉ tiêu tuyển sinh của trường là 3.500 sinh viên. Dự kiến thí sinh sẽ đến đăng ký rải rác, có thể không dồn vào ngày cuối cùng như năm 2015.
PGS.TS Nguyễn Văn Long cũng cho rằng, tuy không dồn vào ngày cuối cùng (12/8) nhưng có thể ở một số trường, thí sinh sẽ đến nộp hồ sơ vào một số ngày cuối cùng của đợt xét tuyển.
Thí sinh không nên dồn vào ngày cuối mới đăng ký ĐH
Là một trong những trường xét tuyển theo nhóm (GX), trong 3 ngày đầu tuyển sinh, ĐH Xây dựng đã tiếp nhận được 800 hồ sơ đăng ký trực tiếp. Chỉ tiêu tuyển sinh năm nay của trường là 3.595 hồ sơ nên có thể đến những ngày cuối cùng thí sinh mới dồn dập đến nộp hồ sơ.
Theo PGS.TS Phạm Xuân Anh, Phó Hiệu trưởng ĐH Xây dựng Hà Nội, có thể năm nay không diễn ra cảnh tượng thí sinh phải theo dõi bảng điểm thay đổi liên tục như theo dõi chứng khoán nhưng tình trạng thí sinh dồn dập đến nộp hồ sơ vào những ngày cuối cùng của đợt xét tuyển nguyện vọng 1 là có thể xảy ra.
ĐH Xây dựng Hà Nội đã bố trí thêm cán bộ, nhân viên tiếp nhận hồ sơ của thí sinh. Các trường ĐH khác cũng nên lưu ý đến vấn đề này để tăng cường thêm nhân lực tiếp nhận hồ sơ cũng như lệ phí xét tuyển của thí sinh.
PGS.TS Nguyễn Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) cho biết, việc đăng ký trực tuyến sẽ kết thúc sớm 1 ngày so với thời gian quy định để thí sinh có thể lựa chọn phương thức nộp hồ sơ theo hình thức khác.
Để biết khả năng trúng tuyển, thí sinh cần tham khảo bảng điểm chuẩn năm 2015 vào các ngành ở trường ĐH mà mình đang có ý định đăng ký. Mặc dù năm nay thí sinh không được rút-nộp hồ sơ và thay đổi nguyện vọng nhưng các em không nên dồn dập nộp hồ sơ vào ngày cuối cùng của đợt xét tuyển./.
Bích Lan/VOV.VN