1. Xã biên giới Khánh Hưng, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An là 1 trong 8 xã đầu tiên của tỉnh về đích Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới vào năm 2014. Chiếc cổng chào tô sơn màu vàng của xã tạo ấn tượng mạnh cho người qua đường. Trụ sở UBND xã được xây dựng khang trang, phía trước có những hành lang trồng hoa tươi rất đẹp, tạo cảm giác dễ chịu, gần gũi, thân thiện khi đến liên hệ công việc.
Khu kinh tế ở xã Bình Hiệp, thị xã Kiến Tường đang được triển khai xây dựng
Nằm đối diện trụ sở xã là tuyến kênh 28 được nạo vét rộng thênh thang cung cấp nước cho đồng ruộng. Trên kênh, nhiều xuồng, ghe lưu thông chở hàng hóa, nông sản qua lại dập dìu thật vui mắt. “Để phát triển thế mạnh nông nghiệp, ngoài kênh 28, thời gian gần đây, các tuyến kênh: 5B, Tân Thành - Lò Gạch, T8, T9, T10,... cũng được nạo vét” - ông Huỳnh Văn Kiếm - cán bộ khuyến nông, giao thông, thủy lợi xã Khánh Hưng cho biết.
Cách đó không xa, một xã biên giới khác của huyện Vĩnh Hưng là Thái Bình Trung cũng đang khoác lên mình “chiếc áo mới” với nhiều gam màu tươi sáng. Đòn bẩy để xã phát triển nhanh hơn là tuyến đường 831C dài hơn 7km về xã được đưa vào sử dụng gần 2 năm nay, mặt đường rộng gần 10m trải nhựa phẳng lì, ôtô tải chở hàng hóa lưu thông thuận lợi, dễ dàng.
Những ngày giữa tháng 12, trong khi nhiều người đang bận bịu với vụ lúa Đông Xuân thì gia đình ông Nguyễn Ngọc Hiền, ngụ ấp Trung Trực đang tận dụng vườn nhà làm nơi trồng hoa vạn thọ bán tết. Theo ông Hiền, giống hoa vạn thọ được ông mua từ tỉnh Đồng Tháp về. “Hiện gia đình trồng được 1.000 giỏ hoa vạn thọ để đến tết bán. Hy vọng, hoa phát triển tốt để gia đình tôi có thêm nguồn thu nhập trang trải trong dịp tết” - ông Hiền bày tỏ.
2. Hơn chục năm trước, 3 xã biên giới: Hưng Điền, Hưng Điền B và Hưng Hà, huyện Tân Hưng nằm tách biệt với các xã khác, đi lại khó khăn. Nhờ tuyến đường cặp theo sông Cái Cỏ và đường 819 hoàn thành, 3 xã xích lại gần hơn với cả vùng. Bây giờ, các xã này còn có cầu bêtông tiếp nối với nước ngoài. Đó là cầu Hữu Nghị 2 bắc qua sông Cái Cỏ, nối xã Hưng Điền với xã Chàm, huyện Com Pung Tro Bek, tỉnh Pray Veng, Campuchia. Cây cầu được đầu tư xây dựng với kinh phí 10 tỉ đồng và khánh thành, đưa vào sử dụng từ đầu tháng 7-2015, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân qua lại, trao đổi hàng hóa.
Tuyến đường vào xã Thái Bình Trung được trải nhựa, tạo thuận lợi cho giao thương
Là những xã biên giới nhưng đời sống người dân ở đây thay đổi rất nhanh, cặp các tuyến đường qua xã Hưng Điền B, Hưng Hà, nhiều ngôi nhà được xây dựng với giá trị bạc tỉ và đang có thêm nhiều ngôi nhà khang trang được gấp rút hoàn thành để kịp đón Tết Nguyên đán 2017. Ngoài ra, một điểm nhấn khác chính là chợ xã Hưng Điền B tấp nập người mua - bán. Ở chợ bày bán phong phú các mặt hàng phục vụ nhu cầu mua sắm tết của người dân.
3. Ngược về xã Bình Hiệp, thị xã Kiến Tường, chúng tôi gặp rất nhiều người đến mua nước uống đóng bình tại đại lý Dương Quy. Theo tìm hiểu, kinh tế người dân ngày càng khá lên nên nước đóng bình về đây cũng bán khá chạy. “Bình quân mỗi ngày, tui bán được 50 bình cho người dân. Còn vào dịp tết, dự đoán số lượng bán ra tăng gấp đôi, gấp ba lần ngày bình thường” - ông Phạm Phú Quốc, chủ đại lý Dương Quy cho biết.
Ngoài ra, với lợi thế có cửa khẩu quốc tế, Quốc lộ 62 chạy qua, Bình Hiệp đang có những tín hiệu mới trong phát triển kinh tế. Hiện, khu kinh tế cửa khẩu đang thi công và thu hút được nhà đầu tư. “Khu kinh tế sẽ bắt đầu đi vào hoạt động trong năm 2017. Kỳ vọng khu kinh tế sẽ là đòn bẩy để xã phát triển nhanh và tạo ra nhiều việc làm cho người dân” - Chủ tịch UBND xã Bình Hiệp - Trương Văn Thanh phấn khởi nói.
Đàn bò của gia đình ông Trần Văn Dũng, ngụ ấp 3, xã Thạnh Trị, thị xã Kiến Tường
Cách đó không xa là xã biên giới Thạnh Trị, thị xã Kiến Tường đang vươn lên mạnh mẽ nhờ thế mạnh nông nghiệp. Vụ Đông Xuân này, xã Thạnh Trị có gần 2.400ha lúa được gieo sạ, dự kiến có khoảng 1.000ha thu hoạch trước Tết Nguyên đán. Như vậy, người dân có tiền ăn tết, nếu trúng mùa, trúng giá sẽ ăn tết lớn hơn.
Ngoài cây lúa, vài năm gần đây, xã chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi hiệu quả cao. Hiện tổng đàn bò của xã khoảng 1.700 con. Thời điểm này, nhiều hộ bán bớt bò để trang trải tết. “Tôi có 12 con bò, mới bán 2 con để lo việc của gia đình và có tiền mua sắm tết cho đàng hoàng. Mỗi con bán giá 13 triệu đồng” - ông Dũng cho biết.
Tin rằng, bằng những cách làm, hướng sản xuất đúng đắn cùng sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước và sự nỗ lực vượt khó, sáng tạo, cần cù trong lao động sản xuất của người dân, vùng đất biên cương tiếp tục có nhiều thay đổi, phát triển nhanh chóng, đời sống người dân ngày càng được nâng lên, “áo mới” vùng biên sẽ thêm sắc màu tươi sáng hơn trong năm mới 2017./.
Vũ Quang