Tiếng Việt | English

04/01/2017 - 15:30

“Đất lành chim đậu”

Rời quê hương, những người con xa xứ tập cho mình tinh thần tự lập, dễ thích nghi và mạnh mẽ hơn. Dù chặng đường phía trước còn nhiều khó khăn, vất vả nhưng những người xa quê vẫn luôn ấp ủ một khát vọng đổi đời, tìm kiếm được công việc ổn định trên quê hương thứ hai.

Công nhân, người lao động tăng tốc làm việc những ngày cuối năm

"Mỗi người dân nhập cư với hoàn cảnh khác nhau nhưng giữa họ có một điểm chung - đều là những người xa xứ. Hy vọng bước sang năm mới, những ấp ủ, ước mơ của họ sớm thành hiện thực."

Đường về còn... xa lắm!

10 giờ tối, lê đôi chân mỏi nhừ sau một ngày đi bán vé số dạo, bà Huỳnh Thị Nhung, quê ở Bình Định trở về căn phòng trọ nhỏ tại phường 6, TP.Tân An. Căn phòng chật chội, chỉ vừa đủ một mình bà sinh sống hơn 4 năm nay. Việc đầu tiên của người đàn bà 60 tuổi khi về đến phòng là đếm xem trong ngày bán được bao nhiêu tờ vé số? Tiền lời bà gói riêng để vài bữa nữa gửi lên TP.HCM cho con ăn học.

Gia đình khó khăn lại đông con, vợ chồng bà có đến 7 người con. Các con lớn lập gia đình ở xa, hai người con nhỏ, một đang học đại học năm thứ 3 và một mới vào năm thứ nhất ở TP.HCM. Ngày còn ở quê, vợ chồng bà sinh sống bằng nghề làm nông nhưng ruộng đất ít, năng suất không cao, có năm thiên tai bị mất trắng. Đến lúc các con lớn và chuẩn bị thi đại học, bà bàn với chồng vào Nam đi bán vé số nuôi con.

Đến Long An, bà tìm chỗ trọ thật rẻ để không tốn nhiều chi phí. Một ngày của bà bắt đầu từ 5 giờ sáng, lội bộ qua khắp các nẻo đường bán vé số. Có những ngày bán không được bao nhiêu nên bà lội bộ gần 20 cây số xuống tận thị trấn Tầm Vu, huyện Châu Thành, mỗi ngày kiếm được 200.000 đồng tiền lời.

Thông thường, khoảng 16 giờ, nếu như đi bán ở gần chỗ trọ, bà quay về ăn vội chén cơm và nghỉ chừng 30 phút rồi vội đến đại lý lấy vé số tiếp tục đi bán. Số tiền lãi hàng tháng, bà chưa kịp giữ đã vội gửi lên TP.HCM cho 2 con.

Biết mẹ mình vất vả nên các con bà chi tiêu tiết kiệm, tranh thủ thời gian rảnh, hai anh em đi làm thêm. Mỗi tháng, bà chỉ chi tiêu chừng 400.000 đồng tiền trọ và một ít tiền ăn, còn lại gửi hết cho các con. “Trong dãy trọ tôi ở, hầu hết là dân xa xứ từ miền Trung như Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên,... vào sinh sống. Họ cũng như tôi, đều bán vé số, có người bán thêm bánh tráng và đậu phộng” - bà chia sẻ.

Đan xen trong câu chuyện, khi tôi hỏi thăm bà Đinh Thị Xí, quê ở Quảng Ngãi - người gắn bó với mảnh đất Long An nhiều năm liền để bán vé số nuôi con học đại học, bỗng đôi mắt bà Nhung sáng hẳn lên. Bà nói: “Bà Xí giờ sướng lắm! Bà ấy nghỉ bán vé số và về quê ở với con. Cách đây 2 tháng, bà Xí đi máy bay vào thăm tụi tôi đây nè! Bà ấy kể con mình giờ làm có tiền, cất cho bà cái nhà thật to, không cho bà ấy làm gì hết, chỉ ở nhà an dưỡng thôi. Vậy đó, chứ về quê, bà Xí cũng nhớ tụi tôi nên hay gọi điện hỏi thăm và động viên nhiều lắm!”.

Chị Lục Thị Liên gắn bó với nghề mua ve chai hơn 15 năm nay

Mong có cuộc sống ổn định

Gia đình người dân tộc Nùng tại huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn, vì cuộc sống ở quê chật vật nên vợ chồng chị Lục Thị Liên và anh Chu Đình Văn (cùng 44 tuổi) đến Long An lập nghiệp hơn 15 năm qua. Nhiều năm nơi xứ người, cả 2 vợ chồng và 2 đứa con (1 trai, 1 gái) quần quật làm lụng và ít khi về quê.

Hàng ngày, chồng chị đi đổ bêtông cho các công trình, còn chị mua bán ve chai. Hai năm gần đây, do bị bệnh, anh không thể tiếp tục công việc nặng nên chuyển sang làm bốc xếp tại một nhà máy ở huyện Bến Lức. Căn phòng trọ nhỏ tại phường 3, TP.Tân An là “tổ ấm” của gia đình suốt nhiều năm qua.

Tờ mờ sáng, vợ chồng chị rời khỏi phòng trọ đến tối mịt mới trở về. Niềm vui của anh chị là 2 đứa con siêng năng, chăm chỉ. Con trai lớn đang là sinh viên năm thứ 2 của một trường đại học tại TP.HCM và con gái út đang học lớp 9. Đẩy hàng trên chiếc xe đạp cũ giữa trưa nắng, đưa tay lau vội giọt mồ hôi, chị cười: “Sau 5 năm vào Long An, vợ chồng dành dụm trả hết tiền nợ ở quê. Vài năm sau, vừa làm, vừa nuôi con ăn học và tích góp, nay vợ chồng tôi gửi ngân hàng tầm 500 triệu đồng. Số tiền này, tôi dự định sang năm 2017 tìm mua đất và vay thêm một ít cất nhà để cuộc sống ổn định hơn”.

Xa quê, cuộc sống khó khăn nên anh chị tiết kiệm trong chi tiêu. Từ ngày đặt chân lên đất Long An, vợ chồng chị chưa một lần đi ăn bên ngoài. Thay vào đó, nếu muốn ăn món gì, chị mua về nấu để cả nhà cùng ăn cho tiết kiệm. 4 giờ sáng, trong khi chồng, con còn ngủ, chị dậy chuẩn bị cơm cho cả gia đình. Buổi trưa, chị thường ăn tạm cơm nguội hoặc nhịn đói.

Nhờ tính tình vui vẻ và cách nói chuyện khéo léo, lại mua với giá “nhỉnh” hơn người khác nên có nhiều người bán ve chai cho chị. Khách hàng của chị phần lớn là những mối quen tại các cơ quan, xí nghiệp,... Chị nói rằng: “Mỗi ngày, tôi kiếm chừng 200.000-300.000 đồng, có bữa nhiều được 500.000 đồng. Có ngày hàng nhiều, chở xe đạp không hết, chỗ vựa ve chai cho xe tải đến phụ giúp tôi. Mỗi năm đến tết, chủ vựa ve chai cho tôi khoảng 2 triệu đồng ăn tết. Vợ chồng tôi bây giờ sống vì các con. Từ nhỏ, chúng tôi không được học hành nên giờ cố gắng cho con học để tụi nhỏ ra đời có cái chữ với người ta”.

Trở về phòng trọ lúc hơn 20 giờ, chị Trịnh Hải Yến tranh thủ nấu ăn

Quê hương thứ hai

Chị Trịnh Hải Yến, quê ở Cà Mau đến Long An từ năm 21 tuổi. Lúc đầu, chị làm tại đại lý nước ngọt ở phường 6, TP.Tân An. Sau khi cơ sở này phá sản, chị đi làm công nhân tại Công ty Cổ phần May xuất khẩu Long An đến nay được 4 năm. Những ngày giáp tết, hàng về nhiều nên công ty tăng ca liên tục. 20 giờ, chị về đến phòng trọ tại phường 4. Căn phòng độ chừng 12m2 là nơi sinh sống của chị sau 10 năm ở Long An. Bao nhiêu tiền làm được, chị dành dụm gửi về phụ giúp gia đình.

Một mình lập nghiệp ở phương xa, chị tập cho mình thói quen tự lập và mạnh mẽ trước mọi việc. Chị cho biết: “Mình đi làm suốt, có ở phòng trọ nhiều đâu. Điện, nước giá cao, mình hạn chế sử dụng. Có những ngày tăng ca đến 8 hoặc 9 giờ tối mới về. Ăn uống công ty lo hết. Tối về, mình nấu một ít thức ăn nên ở vậy cũng được”. Chị phấn khởi vì sau bao năm đi làm đã lo được cho gia đình.

Đón tết lần này với chị sẽ đầm ấm và vui hơn khi gia đình bạn trai đến thăm nhà để bàn chuyện đám cưới sau 7 năm quen nhau. Anh cũng là một người con xa xứ nên cả hai đều hiểu và động viên lẫn nhau. Anh hiện là lái xe chở hàng tại Long An. Chị dự định sau khi lập gia đình, vẫn ở Long An, dành dụm tiền, mua miếng đất nhỏ cất nhà vì như chị nói “đã quen ở đây nên dù có lấy chồng cũng không về quê. Hơn nữa, ở Long An dù sao vẫn có việc làm, có thu nhập, còn về quê giờ tìm việc cũng khó”.

Mỗi người dân nhập cư với hoàn cảnh khác nhau nhưng giữa họ có một điểm chung - đều là những người xa xứ. Hy vọng bước sang năm mới, những ấp ủ, ước mơ của họ sớm thành hiện thực./. 

Quan tâm đời sống công nhân nhập cư

Quan tâm đời sống công nhân nhập cư 

Cập Nhật 03-01-2017

Long An có trên 250.000 công nhân, lao động, trong đó có hơn 85% công nhân, lao động nhập cư. Thời gian qua, các ngành chức năng, doanh nghiệp quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đội ngũ công nhân, lao động...

Thanh Nga

Chia sẻ bài viết