Những sai lầm không khiến các phụ huynh trở thành những ông bố bà mẹ tồi tệ mà giúp họ cải thiện bản thân và mang lại những gì tốt đẹp nhất cho con cái. Do đó, thay vì cố gắng trở thành cha mẹ hoàn hảo, các phụ huynh có thể tự giúp bản thân trở thành cha mẹ tốt. Để làm được điều này một cách dễ dàng hơn, 8 thói quen đơn giản dưới đây sẽ đặc biệt hữu ích cho các bậc cha mẹ.
1. Thiết lập một số nguyên tắc
Các nguyên tắc không chỉ nhằm mục đích thể hiện sự nghiêm khắc và đúng mực mà còn để đảm bảo rằng trẻ sẽ trở nên vững vàng và lịch sự khi trưởng thành. Cha mẹ tốt sẽ luôn luôn biết được con cái nên và không nên làm gì. Dù yêu thương con cái rất nhiều và không muốn làm tổn thương con cái nhưng cha mẹ để trẻ tuân theo các tiêu chuẩn và nguyên tắc ứng xử thiết yếu khi yêu cầu trẻ thực hiện các nguyên tắc là điều rất quan trọng. Điều này giúp trẻ hiểu được tầm quan trọng của thời gian, tiền bạc, sự tôn trọng và các thành viên trong gia đình.
2. Cố gắng linh hoạt
Thiết lập các quy tắc và yêu cầu trẻ làm theo không có nghĩa là cha mẹ phải trở nên sắt đá. Cha mẹ hãy rộng lượng và linh hoạt khi yêu cầu trẻ áp dụng các nguyên tắc. Chẳng hạn, cha mẹ lập ra quy tắc con cái cần thức dậy vào lúc 6 giờ sáng. Nếu vì một vài lý do trẻ không thức dậy đúng giờ thì cần tránh việc đánh con. Thay vào đó, cha mẹ nên hỏi lý do vì sao trẻ không thức dậy đúng giờ. Có thể là do trẻ không ngủ ngon vào ban đêm hay có thể chúng không được khỏe. Nhưng nếu trẻ lặp đi lặp lại điều tương tự, cha mẹ hãy thể hiện sự nghiêm khắc nhưng đảm bảo điều đó chỉ nhằm mục đích để rèn luyện trẻ.
3. Thể hiện tình yêu và sự ủng hộ với con
Cha mẹ yêu thương con cái là điều hiển nhiên nhưng cha mẹ cần thể hiện tình yêu đó với trẻ. Hãy ôm con cái khi chúng buồn hoặc bị ốm. Cha mẹ cũng có thể hôn trán trước khi con đến trường. Điều này sẽ khiến con cái cảm thấy được kết nối với cha mẹ và sẽ xem cha mẹ là những người gần gũi nhất. Ngay cả khi con cái đã trưởng thành, thể hiện tình yêu với chúng sẽ có tác dụng kỳ diệu và trẻ luôn luôn duy trì sự gần gũi với cha mẹ. Nếu cha mẹ né tránh thể hiện tình yêu và sự âu yếm cho con cái thì trẻ lớn lên có thể trở nên hướng nội và dè dặt, hoặc khiến trẻ có thể không sẵn sàng cởi mở để nói ra rắc rối của chúng.
4. Dành thời gian trò chuyện với con cái
Các phụ huynh thường cảm thấy mệt mỏi và kiệt sức sau khi đi làm về hoặc sau khi làm xong việc nhà. Nhưng cha mẹ cần hiểu rằng giao tiếp hiệu quả với con cái sẽ giúp họ trở thành những phụ huynh tốt. Ngay cả khi cảm thấy mệt mỏi và cần được nghỉ ngơi, cha mẹ hãy cố gắng dành một chút thời gian trong thời gian biểu bận rộn của mình để có giao tiếp với con một cách khéo léo và hiệu quả. Dù trẻ còn nhỏ không thể nói chính xác và rõ ràng nhưng giao tiếp có thể giúp chúng học từ ngữ nhanh hơn. Hơn nữa, bằng cách này, con cái sẽ luôn mong muốn chia sẻ những bí mật của chúng với cha mẹ.
5. Để cho con đối mặt với thử thách
Không thể phủ nhận rằng cha mẹ không bao giờ muốn con cái trải qua một thời điểm khó khăn hay gặp phải bất cứ rắc rối nào. Tuy nhiên, bao bọc trẻ mọi lúc sẽ không bao giờ giúp trẻ trở thành một người quyết đoán và tự lập. Hãy để cho trẻ tự giải quyết vấn đề của bản thân. Chẳng hạn, cha mẹ nên đề nghị trẻ lau nhà hoặc trông nhà cửa và thú cưng khi đi vắng. Các phụ huynh cũng có thể để cho trẻ có trách nhiệm chăm sóc em khi không có cha mẹ bên cạnh.
Nhưng nếu con cái lớn hơn thì cha mẹ có thể để chúng giải quyết những tình huống phức tạp hơn như đưa ông bà đi kiểm tra sức khỏe định kỳ, thỉnh thoảng để cho con đi du lịch một mình, đi mua hàng tạp phẩm, đi đón họ hàng từ sân bay hay ga tàu điện…
6. Dành thời gian cho con cái
Nhiều cha mẹ nói rằng họ luôn dành thời gian cho con cái khi sống chung nhà nhưng điều đó là không đủ. Để hiểu được con cái hơn và tạo được mối quan hệ tốt, cha mẹ hãy dành thời gian riêng cho con cái. Chẳng hạn, cha mẹ có thể chọn chơi thể thao hay đi du lịch với trẻ để tận hưởng thời gian bên con. Nếu không thích đi ra ngoài, cha mẹ có thể xem phim và đọc sách cùng con. Bên cạnh đó, cha mẹ có thể lên kế hoạch đi nghỉ và đưa con cái đi gặp họ hàng.
7. Thấu hiểu lựa chọn của con
Con cái không nhất thiết phải có cùng lựa chọn giống cha mẹ. Trong những trường hợp đó, cha mẹ không nên quát tháo trẻ hoặc nói trẻ là ngu ngốc. Thay vào đó, cha mẹ nên cố gắng hiểu được lựa chọn của con. Hãy cố gắng hiểu quan điểm của con cái và nếu thấy trẻ sai thì cha mẹ cần khuyên con thay đổi. Ngay cả khi không đồng tình với lựa chọn của con cái thì ít nhất cha mẹ cũng nên tôn trọng lựa chọn của trẻ.
8. Chấp nhận cá tính của con
Trẻ có thể có tính cách khác so với những gì cha mẹ mong đợi. Cha mẹ hãy chấp nhận việc trẻ trở thành người không như mình mong muốn. Cha mẹ có thể là người trầm tĩnh và dè dặt nhưng con cái có thể có tính cách tự nhiên và hướng ngoại. Không những thế, nước da, chiều cao, cân nặng của con cái có thể khác biệt so với cha mẹ. Nếu cha mẹ thể hiện sự không đồng tình về một hành vi cụ thể nào đó thì điều này có thể tác động một cách tiêu cực đến trẻ. Trẻ có thể nghĩ rằng chúng xấu xí và không đạt tiêu chuẩn trong xã hội, gây ra mặc cảm tự ti. Do đó, cha mẹ cần chấp nhận tính cách của con cái và định hướng cho chúng trở thành một người tốt hơn bản thân cha mẹ./.
Theo VOV.VN