Tiếng Việt | English

20/08/2020 - 18:30

Chọn nghề theo sở thích hay theo ý cha mẹ?

Các sĩ tử vừa trải qua kỳ thi tốt nghiệp THPT và đang hồi hộp chờ kết quả tốt nghiệp cũng như kết quả xét tuyển vào cao đẳng, đại học. Đứng trước ngưỡng cửa vào đời, các em không khỏi đắn đo trong việc chọn ngành, nghề. Có em chọn ngành theo ý của cha mẹ hoặc theo trào lưu mà chưa tìm hiểu kỹ về ngành, nghề mình chọn, cũng có em chưa biết được mình học ngành đó sau này ra trường sẽ làm gì. Chuyên mục Hoa học trò hôm nay sẽ “kết nối” với những người đi trước để cùng chia sẻ về việc chọn nghề và hướng đi cho tương lai.

Ảnh: Internet

Ảnh: Internet

Chọn ngành khi chưa hiểu rõ về ngành

Nhắc đến câu chuyện chọn ngành, nghề cho tương lai, Trần Thị Hải Yến (nhân viên Công ty T.N.Z, TP.HCM) vẫn còn hối tiếc vì sự “ngu ngơ” của mình. Ngày đó, Yến chọn thi vào Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Khoa học - Xã hội và Nhân văn TP.HCM vì có khiếu viết văn và nghĩ rằng khoa này dạy viết văn, sáng tác văn học. Đến khi vào học được vài tháng, Yến “ngỡ ngàng” nhận ra ngành này đào tạo về nghiên cứu văn học chứ không phải dạy viết văn. Thấy mình không phù hợp vì không thích nghiên cứu, Yến bỏ dở việc học tại Khoa Ngữ văn để tập trung luyện thi vào Khoa Kinh tế đối ngoại của Trường Đại học Ngoại thương TP.HCM. Lần này thì cô bạn của chúng ta đã chọn ngành đúng sở thích, phù hợp năng lực. Ra trường, Yến nhanh chóng tìm được việc làm phù hợp. Được làm việc đúng chuyên ngành, hợp sở trường, Yến nhanh chóng phát huy khả năng và được lãnh đạo tin tưởng giao phụ trách khâu đối ngoại, ký kết hợp đồng với các đối tác nước ngoài trong lĩnh vực xuất khẩu giày da. Chia sẻ về việc đã từng chọn nhầm ngành, Yến cho biết: “Gia đình mình làm nông nên ít quan tâm đến các ngành, nghề, cha mẹ ủng hộ mọi quyết định của mình. Vì thích viết văn nên mình thi vào ngành Ngữ văn mà chưa tìm hiểu kỹ về ngành mình chọn. Qua câu chuyện của mình, mình muốn nhắn nhủ đến các bạn trẻ cần tìm hiểu kỹ về chương trình đào tạo, nhu cầu thị trường về ngành, nghề đó trước khi theo học để có quyết định đúng đắn hơn”.

Không như Hải Yến kịp thời phát hiện mình không phù hợp với ngành này để chọn ngành khác phù hợp hơn, Tấn Minh theo học ngành Quản trị kinh doanh của Trường Đại học Kinh tế TP.HCM suốt 4 năm. Đến khi ra trường, tìm được việc làm đúng chuyên ngành, Minh mới thấy mình không phù hợp nhưng không thể bỏ ra khoảng thời gian và chi phí để học lại ngành yêu thích. Minh dự định sẽ đi làm thêm một thời gian nữa, tích lũy được một số vốn sẽ đầu tư mở quán vừa bán cà phê, vừa trưng bày, mua bán tranh. Vì có năng khiếu về lĩnh vực hội họa nên Minh muốn mở quán để kinh doanh và tập hợp những người có cùng sở thích.

Chọn nghề theo ý cha mẹ

Ngày nay, vẫn còn không ít các bạn trẻ chọn nghề theo ý của cha mẹ. Thường thì cha mẹ làm nghề gì lại định hướng cho con theo nghề đó. Đó là trường hợp của Linh Chi. Cha mẹ Chi đều là bác sĩ nên từ nhỏ, bạn ấy đã được định hướng theo ngành Y. Con đường học tập của Chi khá suông sẻ và đi theo định hướng đã được vạch sẵn. Sau khi tốt nghiệp Đại học Y Dược TP.HCM, cô bạn vào công tác tại một bệnh viện ở TP.HCM và tiếp tục học chuyên khoa 1. Ai cũng nghĩ đó là con đường quá hoàn hảo, nhưng với Linh Chi, ngành Y không phải đam mê số 1. Chi chia sẻ: “Nói không đam mê là không đúng nhưng thật ra mình thích nghề diễn viên hơn. Nhiều người nhận xét mình có khiếu diễn. Lúc còn học THPT, mình từng tham gia đội văn nghệ, diễn kịch và đoạt được một số giải thưởng. Đam mê nghệ thuật nhưng gia đình mình lại có truyền thống về ngành Y nên cha mẹ muốn mình theo nghề và mình chọn nghề theo ý của cha mẹ là chính”.

Cũng chọn ngành Y theo ý của gia đình nhưng Hoàng Thanh không đậu vào Trường Đại học Y Dược như nguyện vọng của cha mẹ. Thanh phải luyện thi đến 3 năm nhưng vẫn không đậu trường Y. Đến năm thứ 4, anh bạn mới quyết định thi vào Sĩ quan Lục quân 2. Sau gần 10 năm gắn bó với “binh nghiệp”, Thanh mới thấy sự lựa chọn của mình là đúng. Thanh tâm sự: “Nếu ngày trước mình mạnh dạn trình bày nguyện vọng để thuyết phục cha mẹ thì đã không bỏ lỡ 3 năm luyện thi. Thời gian đó, mình mất phương hướng và tuyệt vọng lắm, cũng may là kịp nhận ra và chọn hướng đi phù hợp”.

Chọn ngành, nghề phải phù hợp sở thích và khả năng, bạn mới có thể phát huy năng lực và hết mình vì công việc. Đừng để phải nuối tiếc khi lỡ chọn sai nghề. Hãy suy nghĩ, tham khảo ý kiến người thân và quyết định theo khả năng, sở thích và nhu cầu của xã hội nữa nhé các bạn trẻ!./.

Kiều Trang

Chia sẻ bài viết