Thời gian gần đây, mạng xã hội rộ lên cuộc tranh cãi về quy định không đặt tên Phan Thanh Giản cho đường phố và các công trình công cộng. Văn bản của Ban Tuyên giáo Trung ương ký ngày 05/01/2022 với lý do “Cho đến nay, các cơ quan chức năng vẫn chưa làm sáng tỏ được những vấn đề liên quan đến hai nhân vật Phan Thanh Giản và Trương Vĩnh Ký đối với lịch sử Việt Nam”. Do vậy, việc không đặt tên hai nhân vật nêu trên được Ban Tuyên giáo Trung ương giải thích “để tránh dư luận trái chiều, không thuận trong xã hội,…”.
Sự kiện này được các thế lực thù địch và báo chí nước ngoài khai thác triệt để nhằm “lật sử” với các bài viết: Đảng cố tình giết Phan Thanh Giản thêm một lần nữa; Cảo thơm lần giở trước đèn; Phan Thanh Giản - Nhà ái quốc và người mở đường cho nước Việt Nam hiện đại; Phan Thanh Giản đáng được dựng đền thờ?;... Phần lớn nội dung các bài viết này ca ngợi Phan Thanh Giản hết lời và vu khống, xuyên tạc Đảng, Nhà nước kỳ thị nhà yêu nước Phan Thanh Giản.
Trang web Việt Tân xuyên tạc quy định không đặt tên Phan Thanh Giản cho đường phố và các công trình công cộng
Trong lịch sử Việt Nam, nói tới “bán nước” thì dân Việt Nam nghĩ ngay tới Trần Ích Tắc thời Trần chống giặc Nguyên, sau đó phải kể đến Phan Thanh Giản thời Nguyễn chống thực dân Pháp mà nói nhẹ như cụ Đồ Chiểu là Long Hồ uổng phụ thơ sanh lão (Ở Long Hồ, ông đã uổng phí cái chí của người học giả) hay nói thẳng như cụ Phan Bội Châu thì Phan Thanh Giản là kẻ Gan dê, lợn mà mưu chuột, cáo; hoặc như vua Tự Đức: Phan Thanh Giản thủy chung lời nói không xứng với việc làm, đem học vấn, danh vọng một đời trút sạch xuống biển Đông, thực là táng tận lương tâm; hoặc như dân Nam Kỳ: Phan Lâm mãi quốc triều đình khí dân (“Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp bán nước, triều đình coi thường dân” - Phan Thanh Giản - Chánh sứ và Lâm Duy Hiệp - Phó sứ ký hòa ước với Pháp).
Tuy đã giúp giặc Pháp “nuốt sống” cả Nam Kỳ không tốn một viên đạn nhưng họ Phan lại được ca ngợi từ thời Ngô Đình Diệm (thời Ngô Đình Diệm, Phan Thanh Giản được đặt làm tên đường, tên trường ở hầu hết các tỉnh từ Quảng Trị cho tới Cà Mau, sau năm 1975 đều được đổi thành tên khác, ở TP.HCM, đường Phan Thanh Giản đổi tên thành đường Điện Biên Phủ).
Ngày nay, một số kẻ tự xưng là “nhà nghiên cứu” và nhà “học giả” lại “lật sử” ca ngợi ngất trời nhân vật Phan Thanh Giản rồi đòi dựng tượng, đền thờ, đặt tên đường, tên trường, làm lễ, làm giỗ,... Vài kẻ làm nghệ thuật dựng tuồng cải lương đổ tội lên mình vua Tự Đức, chạy tội cho họ Phan để kiếm nước mắt khán giả và hốt bạc. Trong khi biết bao người đồng liêu của họ Phan đã anh dũng ngã xuống trước họng súng của giặc, để giữ thành, giữ nước thì Phan Thanh Giản lại lấy đất, lấy thành mà giao cho giặc rồi được ngợi ca.
Sử cũ còn ghi, tháng 02/1861, Pháp tấn công Đại đồn Chí Hòa (Sài Gòn). Quân, dân ta chịu nhiều hy sinh, chống cự quyết liệt nhưng do hỏa lực của giặc quá mạnh nên tướng Nguyễn Tri Phương buộc phải rút lui. Pháp thừa thắng đánh chiếm Định Tường, Biên Hòa, Vĩnh Long. Nhân dân Nam Kỳ theo nghĩa binh kháng Pháp khắp vùng lục tỉnh. Đầu tháng 5/1862, vua Tự Đức sai Phan Thanh Giản đi thương nghị với Pháp. Trước khi đi, “nhà vua có căn dặn Phan Thanh Giản ráng sức chuộc các tỉnh đã mất với giá 1.300 vạn lượng, còn nếu phía Pháp đòi cắt đất luôn thì kiên quyết không nghe...”.
Không những không tuân lệnh vua mà Phan Thanh Giản còn đại diện cho triều đình ký kết hiệp ước hòa bình và hữu nghị (Hòa ước Nhâm Tuất) ngày 05/6/1862 tại Sài Gòn với các điều khoản: Nộp Pháp 3 tỉnh miền Đông, triều đình phải trả cho Pháp và Tây Ban Nha một khoản bồi thường chiến phí là 4 triệu piastre trong 10 năm, mỗi năm 400.000 đồng quy ra bạc là 288 ngàn lượng. Thêm một điều khiến người đương thời và cả hậu thế thắc mắc là tại sao một điều ước quan trọng tới như vậy nhưng ký xong chỉ trong “hơn một ngày”?
Vua Tự Đức choáng váng với nội dung Hiệp ước. Không những không đòi được đất mà còn hợp thức hóa 3 tỉnh miền Đông cho Pháp, cấm cản quân, dân Nam kỳ chống Pháp rồi còn phải bồi thường tiền. Giận quá giận, nhà vua đã lên án phái bộ Phan không những là “tội nhơn của bổn triều mà còn là tội nhơn của muôn đời”.
Không chỉ ký nộp 3 tỉnh miền Đông cho Pháp, khi được vua giao trọng trách trấn thủ 3 tỉnh miền Tây thì Phan lại thông đồng bắn tin cho giặc: “Bổn chức sẽ không ngăn cản sự xâm chiếm bằng một cuộc kháng cự mà chúng tôi hiểu là vô ích” và nói trắng là “Nếu quý quốc lấn tới, quả nhơn sẽ không chống cự!”. Phan Thanh Giản khuyên đồng bào: “Các người có thể sống dưới sự điều khiển của người Phú Lang Sa”, một mặt chỉ điểm cho giặc về những người yêu nước, mặt khác dâng sớ về trào xin trị tội, thuyên chuyển khỏi nơi cứ địa hoặc cách chức những chủ soái nghĩa quân như Trần Văn Thành, Trịnh Quang Nghị, Võ Duy Dương, Trương Định,...
Vậy là Pháp đã chiếm trọn 3 tỉnh miền Tây mà “không tốn một giọt máu nào”, viên Đại tá Thomazi hoan hỉ viết trong nhật ký: “Đến tháng 6/1867, binh lính ta đi chơi một bữa vậy là xong hết cuộc chinh phục toàn xứ Nam Kỳ, công cuộc khó nhọc bắt đầu từ năm 1858”.
Sau khi thành mất, Phan Thanh Giản gói mũ áo, phẩm hàm, kèm theo sớ tạ tội và gửi về triều. Song, không thấy triều đình hồi âm, lo lắng rồi thất vọng, Phan Thanh Giản uống thuốc phiện hòa với giấm thanh tự sát và qua đời vào nửa đêm ngày 05/7 năm Đinh Mão, tức ngày 04/8/1867, hưởng thọ 72 tuổi.
Nhà sử học Phạm Văn Sơn cho rằng, việc Phan Thanh Giản uống thuốc độc tự sát không phải vì hổ thẹn với nhân dân mà do sức ép từ các vị quan khác.
Tháng 11/1868, vì làm mất Nam Kỳ, Triều đình Huế đã xử ông án “trảm quyết” (nhưng vì chết nên được miễn), lột hết chức tước và cho đục bỏ tên ông ở bia tiến sĩ. Mãi đến 19 năm sau (1886), dưới thời Pháp thuộc, ông được vua Đồng Khánh khôi phục nguyên hàm Hiệp tá đại học sĩ và cho khắc lại tên ở bia tiến sĩ. Việc vua Đồng Khánh khôi phục chức vị cho Phan Thanh Giản là do sức ép của Pháp, vì chính Đồng Khánh cũng là ông vua do Pháp đưa lên ngôi để có danh nghĩa chống lại vị vua yêu nước Hàm Nghi.
Sự việc Phan Thanh Giản uống thuốc độc tự sát đã được các nhà “lật sử” ngợi ca hết lời. Nhưng nếu thực có tâm chết vì nước, sao Phan Thanh Giản không như tướng Nguyễn Tri Phương tử thương giữ thành Hà Nội, như tướng Trương Định rút kiếm tự sát nơi “Đám lá tối trời” hay như đại thần Hoàng Diệu tự sát theo thành Hà Nội,... mà lại nộp thành cho giặc rồi gửi thư cho vua xin tội, khi không được xóa tội mới uống thuốc độc tự sát?
Các địa danh, tên các sự kiện lịch sử trọng đại, các danh nhân tiêu biểu của đất nước hoặc của thế giới trên mọi lĩnh vực: Kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội, nghệ thuật, khoa học, an ninh - quốc phòng,... được lấy đặt tên cho đường phố và công trình công cộng. Việc Ban Tuyên giáo Trung ương quy định không đặt tên Phan Thanh Giản cho đường phố và các công trình công cộng “để tránh dư luận trái chiều, không thuận trong xã hội” là một việc làm hết sức cần thiết./.
Cựu chiến binh Long An