Những ngôi nhà mới trên Điểm dân cư biên giới xã Mỹ Bình, huyện Đức Huệ
PV: Xin Đại tá cho biết Bộ CHQS tỉnh đã triển khai các biện pháp và đạt kết quả như thế nào trong công tác xây dựng điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới trên địa bàn tỉnh?
Đại tá Nguyễn Minh Tấn - Phó Chính ủy Bộ CHQS tỉnh: Đề án xây dựng Điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới là chủ trương đúng đắn của Đảng ủy - Bộ Tư lệnh Quân khu 7 cũng như của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, vừa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trước mắt, vừa mang tầm chiến lược lâu dài, nhằm hình thành lực lượng tại chỗ hỗ trợ các lực lượng làm nhiệm vụ trên tuyến biên giới; đồng thời, thực hiện chính sách “An dân giữ đất biên cương”.
Dưới sự lãnh, chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, quá trình triển khai, thực hiện Đề án xây dựng Điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới được tiến hành toàn diện, đồng bộ các giải pháp, phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương trên địa bàn biên giới. Các cấp, các ngành cùng vào cuộc, phối hợp triển khai chặt chẽ, hiệu quả và hợp lòng dân. Với vai trò chủ công, Bộ CHQS tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với các ngành, địa phương tham mưu, đề xuất Tỉnh ủy, UBND tỉnh xây dựng Đề án xây dựng Điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới; đồn, trạm biên phòng có lộ trình từ năm 2020-2025; đồng thời, có kế hoạch kéo lưới điện và bảo đảm nước sạch cho người dân trên toàn tuyến biên giới.
Bằng nhiều biện pháp, phương án với sự phối hợp của cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương, từng bước hình thành các khu dân cư ở biên giới góp phần củng cố, phát triển thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, biên phòng toàn dân, xây dựng thế trận lòng dân, góp phần nâng cao sức mạnh bảo vệ biên giới quốc gia.
Đến nay, qua 3 giai đoạn, tỉnh đã xây dựng được 24 điểm và bàn giao, đưa vào sử dụng 254 căn nhà trên điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới; điểm dân cư liền kề đồn, trạm biên phòng.
PV: Kết quả tích cực từ việc thực hiện Đề án xây dựng Điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới; đồn, trạm biên phòng trên địa bàn tỉnh thời gian qua có ý nghĩa như thế nào, thưa Đại tá?
Đại tá Nguyễn Minh Tấn - Phó Chính ủy Bộ CHQS tỉnh: Ngoài những con số được thể hiện ở trên, thì giá trị về niềm tin vào Đảng, chính quyền, quân đội của nhân dân; giá trị trong xây dựng tiềm lực và thế trận trên tuyến biên giới; trong kết hợp vừa dân sinh, vừa quốc phòng, vừa khai thác tiềm năng, thế mạnh trên tuyến biên giới, giữ vững ổn định chính trị - xã hội cũng như tăng cường đoàn kết, hữu nghị với chính quyền và nhân dân nước bạn lại càng mang ý nghĩa sâu sắc. Có thể khẳng định đây là đề án thành công nhất so với các đề án đưa dân ra tuyến biên giới trước đây.
PV: Đề án xây dựng Điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới; đồn, trạm biên phòng có thể nói là thành công bước đầu của chương trình đưa dân ra biên giới của tỉnh. Đại tá có thể nói rõ hơn về thành công này?
Đại tá Nguyễn Minh Tấn - Phó Chính ủy Bộ CHQS tỉnh: Mặc dù trong giai đoạn 2020-2022, tình hình dịch Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp, thực hiện giãn cách xã hội nhưng với nỗ lực, quyết tâm, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã lãnh, chỉ đạo quyết liệt, Bộ CHQS tỉnh với vai trò tham mưu, đề xuất và sự vào cuộc của các sở, ngành, cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương, đặc biệt là sự đồng thuận của nhân dân nên đề án đã đạt và vượt tiến độ. Triển khai xây dựng Điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới giai đoạn 2020-2022, tỉnh hoàn thành sớm hơn 2 năm so với kế hoạch đề ra và đã vượt chỉ tiêu Bộ Tư lệnh Quân khu giao 73 căn.
Cùng với thực hiện hiệu quả “Tuyến sau hỗ trợ tuyến trước”, điểm mới trong xây dựng điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới của Long An là Bộ CHQS tỉnh đã tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh lãnh, chỉ đạo các cấp, các ngành chung tay tham gia thực hiện. Ngoài kinh phí hỗ trợ của Bộ Tư lệnh Quân khu 7, UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu UBND tỉnh hỗ trợ từ nguồn kinh phí đưa dân ra biên giới,... Đồng thời, Bộ CHQS tỉnh chỉ đạo Ban CHQS các huyện, thị xã biên giới hỗ trợ nhân công, ngày công trong quá trình xây dựng. Mỗi hộ dân được hỗ trợ 175 triệu đồng/căn nhà.
Ngoài những chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Bộ CHQS tỉnh chủ trì phối hợp các sở, ngành có liên quan cũng như cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương xem xét, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các hộ gia đình có đất sản xuất gần điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới được thụ hưởng, xây dựng nhà đúng theo tinh thần chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh là chính mảnh đất của các hộ thụ hưởng; Sở Tài nguyên và Môi trường tạo điều kiện thuận lợi nhất để các hộ thụ hưởng xây nhà trước, chuyển mục đích sử dụng đất sau.
Ngoài ra, tỉnh đầu tư đầy đủ hạ tầng thiết yếu, thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, đặc biệt là đang giải quyết “bài toán” bảo đảm điện, nước sinh hoạt cho người dân. Hiện nay, người dân sinh sống trên các điểm dân cư liền kề chốt dân quân, đồn, trạm biên phòng đã bắt đầu ổn định cuộc sống. Thu nhập bình quân 300-400 triệu đồng/hộ/năm.
PV: Đại tá có thể cho biết phương hướng sắp tới để tiếp tục thực hiện hiệu quả Đề án xây dựng Điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới; đồn, trạm biên phòng trên địa bàn tỉnh?
Đại tá Nguyễn Minh Tấn - Phó Chính ủy Bộ CHQS tỉnh: Tại Hội nghị sơ kết giai đoạn 2 của Đề án xây dựng Điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới trên địa bàn Quân khu 7 giai đoạn 2019-2025, Đảng ủy - Bộ Tư lệnh Quân khu 7 xác định tiếp tục lãnh, chỉ đạo, đồng hành, hỗ trợ kinh phí cùng chính quyền địa phương thực hiện thành công giai đoạn 3 (2023-2025) của đề án; thống nhất với địa phương vận dụng xây dựng nhà trong các điểm dân cư biên giới trên đất người dân thụ hưởng.
Quân khu cũng đề nghị Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh điều chỉnh, bổ sung quy hoạch dân cư trên tuyến biên giới gắn với phát triển điểm dân cư thành khu, cụm dân cư trên tuyến biên giới trình Chính phủ phê duyệt; tiếp tục bổ sung kinh phí thực hiện giai đoạn 3 của đề án xây dựng mới và tăng dày các điểm dân cư biên giới; xây dựng các điểm dân cư liền kề đồn, trạm biên phòng; lãnh, chỉ đạo khảo sát xây dựng phương án, bổ sung kinh phí cùng kinh phí hỗ trợ của Quân khu để xây dựng trường mẫu giáo liền kề các điểm dân cư biên giới; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, các công trình phúc lợi, hỗ trợ phát triển sản xuất, đào tạo nghề, giải quyết việc làm,... cho các hộ dân thụ hưởng.
Có thể khẳng định, Đề án xây dựng Điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới trên địa bàn Quân khu 7 là sự hiện thực hóa Nghị quyết số 33 của Bộ Chính trị về “Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia”, thể hiện “ý Đảng hợp với lòng dân”, có sức lan tỏa sâu, rộng, cần tiếp tục nhân rộng trong thời gian tới.
PV: Xin trân trọng cảm ơn Đại tá!./.
Thùy Trang (thực hiện)