Tiếng Việt | English

10/12/2024 - 11:28

Bác sĩ giải thích: Không ăn sáng liệu có gây hại cho tim?

Một số người hầu như không ăn sáng, có chăng chỉ là 1 tách cà phê hoặc một ổ bánh mì. Những người theo chế độ nhịn ăn gián đoạn có thể luôn bỏ bữa sáng, chọn bữa trưa làm bữa ăn đầu tiên.

Nhưng bạn có biết điều quan trọng gì sẽ xảy ra nếu bạn bỏ bữa sáng?

Theo một phân tích tổng hợp năm 2020 trên tạp chí khoa học Obesity, bỏ bữa sáng có thể làm tăng cholesterol "xấu". Kết quả cho thấy cholesterol "xấu" của những người bỏ bữa sáng cao hơn 9 điểm so với những người ăn sáng. Tuy nhiên, tiến sĩ Joel Fuhrman, bác sĩ gia đình, tác giả của "Ăn để sống", từng 7 lần là tác giả có sách bán chạy nhất của Thời báo New York, cho hay bỏ bữa sáng không nhất thiết là có hại cho tim.

Một trong những công thức nấu ăn nhanh của bác sĩ Fuhrman bao gồm yến mạch, hạt chia, dâu tây, quả óc chó và sữa hạt (ẢNH: PEXELS)

Bác sĩ Fuhrman giải thích: Cơ thể có thể huy động các lipid dự trữ (như chất béo và cholesterol) khi không có thức ăn nạp vào cơ thể và điều này có thể làm tăng tạm thời cholesterol "xấu". Nhưng không có nghĩa là việc giải phóng cholesterol dự trữ tạm thời này làm tăng nguy cơ tim mạch, theo trang tin sức khỏe Health Digest.

Tuy nhiên, bác sĩ Fuhrman lưu ý nếu bạn không ăn sáng, thì nên ghi nhớ những điều sau.

Lựa chọn lành mạnh giúp giảm cholesterol

Bác sĩ Fuhrman cho biết những người duy trì ăn sáng có xu hướng lựa chọn thực phẩm lành mạnh hơn trong suốt ngày. Họ cũng có xu hướng quan tâm đến sức khỏe hơn và tập thói quen tập thể dục. Những người ít quan tâm đến sức khỏe hơn có thể bỏ bữa sáng nhưng ăn vặt nhiều hơn. Điều này có thể giải thích tại sao nhiều nghiên cứu nhận thấy người ăn sáng có chất lượng chế độ ăn uống và sức khỏe tốt hơn.

Nghiên cứu năm 2013 trên tạp chí dinh dưỡng Public Health Nutrition, cho thấy những người bỏ bữa sáng có mức cholesterol "xấu" cao hơn. So với những người ăn sáng ngũ cốc chế biến sẵn, những người bỏ bữa sáng có nguy cơ cao bị béo phì, huyết áp cao và mức insulin tăng cao. Bác sĩ Fuhrman cho biết bỏ bữa sáng có thể khiến mọi người ăn quá nhiều vào cuối ngày hoặc đưa ra những lựa chọn không lành mạnh.

Ông nói thêm rằng nếu bạn có thói quen bỏ bữa sáng, cơ thể sẽ điều chỉnh theo lịch ăn uống của bạn. Quá trình trao đổi chất sẽ bị gián đoạn tạm thời nếu bạn thay đổi chế độ ăn uống. Ông cho biết: Ăn sáng hay không không quan trọng bằng việc ăn những gì. Nếu bạn ăn nhiều rau, quả mọng và các loại trái cây, đậu, nấm và các loại hạt, chế độ ăn uống của bạn sẽ có lợi cho sức khỏe cho dù bạn ăn 2 hoặc 3 bữa mỗi ngày và lượng cholesterol của bạn sẽ được cải thiện.

Mẹo ăn sáng cho những người không có nhiều thời gian

Cơ thể có thể huy động các lipid dự trữ (như chất béo và cholesterol) khi không có thức ăn nạp vào cơ thể và điều này có thể làm tăng tạm thời cholesterol "xấu" (ẢNH: PEXELS)

Yến mạch qua đêm là lựa chọn tuyệt vời cho những người không có nhiều thời gian vào buổi sáng. Một trong những công thức nấu ăn nhanh của bác sĩ Fuhrman bao gồm yến mạch, hạt chia, dâu tây, quả óc chó và sữa hạt.

Tuy nhiên, ông cũng lưu ý nếu bạn đã quen không ăn sáng và chỉ ăn 2 bữa một ngày cũng đủ dinh dưỡng và no, bạn nên tuân thủ chế độ ăn đó.

Ngay cả khi bỏ bữa sáng, bác sĩ Fuhrman khuyên bạn nên ăn phần lớn lượng calo sớm trong ngày để phù hợp với nhịp sinh học. Độ nhạy insulin cũng cao hơn nhiều vào buổi sáng so với buổi tối. Có nghĩa là tránh ăn những bữa ăn lớn trong vòng 3 giờ trước khi đi ngủ. Ăn bữa tối lớn ngay trước khi đi ngủ có thể gây khó ngủ và gây hại cho sức khỏe tim mạch và trao đổi chất, theo Health Digest./.

Theo Báo Thanh Niên

Nguồn: https://thanhnien.vn/bac-si-giai-thich-khong-an-sang-lieu-co-gay-hai-cho-tim-185241208084128447.htm

Chia sẻ bài viết


Phòng khám đa khoa FamilyHealth tại HCM Trồng răng sứ Điều trị tàn nhang nhanh chóng, an toàn Nha Khoa Lotus