Tiếng Việt | English

12/09/2017 - 11:33

Kỷ niệm 50 năm Ngày tỉnh Long An được phong tặng danh hiệu “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc” (17/9/1967 - 17/9/2017)

Bài 1: Tám chữ vàng, kết tinh từ truyền thống

Giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ ở vào giai đoạn cam go, tại Đại hội Anh hùng, chiến sĩ thi đua và dũng sĩ các lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng miền Nam Việt Nam lần thứ II họp tại miền Đông Nam bộ vào trung tuần tháng 9/1967, Long An vinh dự được Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam phong tặng danh hiệu “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc”. Đó sự là kết tinh truyền thống của vùng đất có bề dày lịch sử - văn hóa.


Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Thị Hạnh (trái) và đồng chí Nguyễn Thị Định - Phó Tư lệnh Lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam, tại Đại hội lần II, tháng 9/1967

Bề dày lịch sử - văn hóa

Tên tỉnh Long An được chiết tự và ghép thành từ tên của 2 huyện Tân Long và Thuận An xưa, vốn là vùng đất căn bản của 2 tỉnh Chợ Lớn và Tân An, sau này hợp nhất thành tỉnh Long An với ước vọng sâu xa của người xưa về sự an lành và thịnh vượng của nơi đang sống. Đó là vùng đất sát cạnh Sài Gòn, chuyển tiếp giữa Đông Nam bộ và châu thổ Cửu Long với cảnh quan sinh thái gần như là hình ảnh của thiên nhiên Nam bộ quy tụ và thu nhỏ lại.

Khám phá khảo cổ học trong lòng đất cho biết từ khoảng 4.000 năm trước, đây từng là nơi tụ cư và giao hội cùng thời với những trung tâm văn hóa khác như Đông Sơn, Sa Huỳnh, mà tiêu biểu là di chỉ An Sơn, Lộc Giang (Đức Hòa), Rạch Núi (Cần Giuộc), Rạch Rừng (Mộc Hóa), Cổ Sơn tự (Vĩnh Hưng),... nằm dọc hai bờ sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây.

Đến thế kỷ thứ V, VI sau Công Nguyên, cộng đồng cư dân cổ ở đây đạt đến đỉnh cao văn minh Đông Nam Á mà chúng ta được biết đến qua nền văn hóa Óc Eo một thời rực rỡ với dấu tích văn hóa được phát hiện ở vùng cao Đức Hòa, vùng cận biển Cần Đước, Cần Giuộc và vùng Đồng Tháp Mười, tiêu biểu là các di chỉ, cụm di tích kiến trúc: Bình Tả (Đức Hòa), Gò Hàng, Gò Đế (Tân Hưng),... sau đó tàn lụi trong lòng châu thổ thấp, để rồi trải qua giấc ngủ dài trong sự hoang vắng hàng nhiều thế kỷ. Cộng đồng cư dân của các nền văn hóa cổ ấy để lại những kinh nghiệm quý báu cho các thế hệ cư dân Việt trong công cuộc mở đất dựng nghiệp về sau.

Rồi ông cha ta chọn nơi này làm quê hương mà những Cai Én, Vũng Gù, Châu Phê (Tân An), Thiên Mụ, Nha Ràm, Lôi Lạp, Tầm Bôn, Rạch Núi (Cần Đước, Cần Giuộc), miễu Xá Hương (Tân Trụ),... là dấu tích của những ngày đầu khai mở, để rồi biến rừng hoang thành làng mạc, ruộng đồng tươi tốt, mà những di tích văn hóa: Nhà Trăm cột, chùa Phước Lâm, lăng Nguyễn Khắc Tuấn (Cần Đước), chùa Tôn Thạnh (Cần Giuộc), đình Vĩnh Phong, chùa Kim Cang (Thủ Thừa), lăng mộ và đền thờ Nguyễn Huỳnh Đức (Tân An),... chính là kết quả quá trình tạo dựng của một thời Nam tiến gian khổ mà hào hùng.

Với vốn liếng, hành trang văn hóa như phong tục, tập quán, nếp ăn, nếp ở, vốn văn nghệ dân gian, những kinh nghiệm đối phó với thiên nhiên,... mang theo từ vùng đất cũ, trong điều kiện thiên nhiên và xã hội ở vùng đất mới, các thế hệ người Long An thích ứng, cải biến, qua thời gian hình thành những nét mới, tạo nên sự phong phú, đa dạng trên cái nền chung của văn hóa dân tộc.

Đó là văn học dân gian với những thể loại: Tục ngữ, câu đố, ca dao, vè, truyện kể (cổ tích, truyền thuyết), truyện cười,... đến nghệ thuật biểu diễn với các hình thức diễn xướng: Dân ca với các điệu hò (hò cấy, hò chèo ghe, hò giã gạo, hò xay lúa, hò cuộc, hò đưa linh; các điệu hát (hát lý, hát ru, hát đối), âm nhạc cổ (với những đóng góp của Đức nghệ nhân Nguyễn Quang Đại, nơi hun đúc tài năng thời trẻ của nhạc sĩ Cao Văn Lầu - tác giả bản Dạ cổ hoài lang, tiền thân của bài vọng cổ hiện nay, sách Cầm ca tân điệu của tác giả Lê Văn Tiếng và Trần Phong Sắc - một tập hợp gần như đầy đủ các bản đàn và lời ca theo điệu cải lương thời bấy giờ), múa (bóng rỗi), trò diễn (địa nàng, Tề Thiên đánh động), hát bội,...

Hay phong tục, tập quán với những quy định về nếp sống gia đình và xã hội, phong tục gắn liền với cuộc đời con người như hôn nhân, tang lễ cũng như những lễ thức tập tục cổ truyền (Tết Nguyên đán, mùng 5 tháng 5, rằm tháng bảy, Trung thu,...) và những lễ tín ngưỡng dân gian: Cúng đình, cúng miễu, lễ cầu mưa, tống phong, tống ôn..., tiêu biểu: Lễ hội Làm Chay ở Di tích đình Dương Xuân Hội (Châu Thành), Lễ hội Vía bà Ngũ Hành Long Thượng ở Di tích miếu bà Ngũ Hành Long Thượng (Cần Giuộc), Đại lễ Kỳ Yên ở Di tích đình thần Tân Phước Tây (Tân Trụ),...

Đó là tâm lý kính trọng và tôn sùng những bậc “tiền hiền khai khẩn”, “hậu hiền khai cơ”, những bậc anh hùng trung liệt, hy sinh vì quê hương, đất nước mà những di tích: Miễu Ông Bần Quỳ (Tân Trụ), lăng Nguyễn Huỳnh Đức (Tân An), lăng Nguyễn Khắc Tuấn (Cần Đước),... là biểu hiện của quan niệm “sinh vi tướng, tử vi thần” ấy.

Ngoài tri thức, văn hóa dân gian, đến cuối thế kỷ XIX, việc học hành dần dần phát triển, hình thành giới trí thức Nho học, tính từ khoa thi hương đầu tiên của triều Nguyễn tổ chức ở Nam kỳ đến khi Pháp xâm lược, Long An có 29 người đỗ hương cống, cử nhân, có những đóng góp lịch sử về sau này.

Tất cả phản ánh tình yêu quê hương, đất nước, tình cảm lứa đôi, cách ứng xử với tự nhiên và con người gắn liền với cuộc định cư, khai phá, xây dựng quê hương của các thế hệ người Long An trong mấy thế kỷ qua, góp phần hình thành nên đặc điểm lịch sử - văn hóa của vùng đất phương Nam.

“Địa linh nhân kiệt”

Đất Long An hun đúc, sản sinh ra những nhân vật để rồi cuộc đời và sự nghiệp của họ có những đóng góp lớn vào từng thời kỳ lịch sử, từng giai đoạn cách mạng, tô thắm thêm truyền thống của mảnh đất này. Đó là Quận công Nguyễn Huỳnh Đức (Tân An), Chưởng cơ Nguyễn Khắc Tuấn (Cần Đước), Mỹ Đức hầu Nguyễn Văn Mỹ (Cần Giuộc),... công trạng, uy danh lừng lẫy thời khai phá.

Những thủ lĩnh nghĩa quân trong phong trào võ trang kháng Pháp nửa cuối thế kỷ XIX như: Phạm Tiến (Bến Lức), Nguyễn Văn Tiến, Bùi Quang Diệu (Cần Đước), Trà Quý Bình, Đỗ Tường Phong, Đỗ Tường Tự (Châu Thành), Nguyễn Văn Quá (Đức Hòa),... mà Nguyễn Trung Trực (Bến Lức) tiêu biểu cho tấm gương trung nghĩa, xả thân vì nghiệp lớn, để lại cho đời câu nói bất hủ: “Bao giờ người Tây nhổ hết cỏ nước Nam, thì mới hết người Nam đánh Tây” trước khi nhận lấy nhát gươm tàn bạo của phường cướp nước.

Những sĩ phu yêu nước như: Trịnh Quang Nghị, Phan Văn Đạt (Châu Thành) đến chết vẫn làm cho kẻ thù khâm phục, khiếp sợ.

Là nhà trí thức lớn ở Nam kỳ, Nguyễn Thông (Châu Thành) thể hiện tấm lòng yêu nước một cách trọn vẹn trong bối cảnh lịch sử đầy biến động ở nước ta vào cuối thế kỷ XIX.

Nguyễn Hữu Trí (Cần Giuộc), Hương sư Ngọ (Cần Đước) - những thủ lĩnh của phong trào “Thiên địa hội” bên cạnh Phan Xích Long, dù biện pháp vận động khởi nghĩa mang sắc màu thần bí theo trào lưu tôn giáo cứu thế nhưng đã làm “chấn động những trái tim yêu nước và giới giang hồ mã thượng” lúc bấy giờ (Vương Hồng Sển (1961), Sài Gòn năm xưa, Nxb Tự Do). Bùi Chí Nhuận (Tân Trụ), trí thức tiêu biểu trong phong trào Phan Châu Trinh, Phan Bội Châu.

Nguyễn An Ninh, tuy không phải là người Cộng sản nhưng đến với chủ nghĩa xã hội bằng cả tấm lòng của một trí thức yêu nước đích thực: “Tôi tự nguyện làm một chiến sĩ vô danh của Đảng Cộng sản, dù không phải đảng viên, tim tôi đã hoàn toàn thuộc về Đảng”.

Thời kỳ có Đảng, đất Long An có những người con đi tiên phong xây dựng tổ chức cách mạng, góp phần truyền bá ánh sáng của chủ nghĩa Mác-Lênin vào phong trào yêu nước như: Nguyễn Văn Trân, Ngô Ngọc Đước, Lê Minh Mẫn, Trương Văn Bang (Cần Giuộc), Lê Văn Kiệt, Nguyễn Văn Tiếp (Bến Lức), Trần Văn Giàu (Châu Thành),... Võ Văn Tần (Đức Hòa) - người có công ươm mầm chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên (06/3/1930 ở Đức Hòa), trong nhà lao đế quốc vẫn giữ vững khí tiết của mình với lời di huấn “Lênin nói thà mình chết, không khi nào giết chết phong trào cách mạng”.

Võ Công Tồn (Bến Lức), tiêu biểu cho tầng lớp nhân sĩ cống hiến vô điều kiện cho sự nghiệp yêu nước và cách mạng: “Một nắm xương tàn chôn ở Hàng Dương. Hai trăm mẫu ruộng vườn. Hai trại cưa,... Ba lò gạch,... Tất cả tiền của sẵn sàng giúp vào sự nghiệp dân tộc, ngồi tù khám lớn. Bị đày đi Hà Tiên - Tà Lài - Côn Đảo. Tất cả cuộc đời tận tụy hy sinh cho Tổ quốc Việt Nam độc lập, tự do”, “... cùng với Nguyễn An Ninh là hình ảnh của “núi Hai Vì” hai tấm gương lớn về hoạt động cách mạng ở Nam bộ nửa đầu thế kỷ XX” (lời Trần Văn Giàu).

Trí thức yêu nước, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ (Bến Lức) với tinh thần đấu tranh kiên định dù phải qua bao cuộc giam cầm, quản thúc của chế độ độc tài Ngô Đình Diệm trước khi dấn thân vào sự nghiệp giải phóng dân tộc với cương vị là Chủ tịch Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam.

Và trong biết bao anh hùng liệt sĩ ngã xuống trong 2 cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc, không ít người tên tuổi trở thành niềm tự hào chung. Từ người nữ chiến sĩ cộng sản kiên cường mà địch gọi là “Bà Hoàng hậu Đỏ” Nguyễn Thị Bảy (Cần Giuộc) hiên ngang trước pháp trường sau cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ (1940) cho đến nữ sinh Mai Thị Non (Bến Lức) dũng cảm đánh bom giết giặc.

Từ Nguyễn Thị Hạnh (Đức Hòa) sôi nổi, kiên cường bám trụ trên đất Đức Hòa trong những năm phá “ấp chiến lược” ác liệt cho đến nữ chiến sĩ tình báo Nguyễn Thị Ba (Đức Hòa) thầm lặng mà anh hùng. Là Trương Công Xưởng (Đức Hòa) - vị chỉ huy Tiểu đoàn 1, 3 lần được tuyên dương anh hùng cho đến người chiến sĩ “bách phát bách trúng” Huỳnh Văn Đảnh (Tân Trụ) với 74 viên đạn diệt 75 tên địch.

Từ người thiếu niên du kích Võ Tấn Đồ (Đức Hòa) trực tiếp cầm súng đánh giặc trên quê hương mình cho đến người thanh niên sinh viên yêu nước Nguyễn Thái Bình (Cần Giuộc) dũng cảm tranh đấu ngay trên đất Mỹ làm ngời sáng tinh thần yêu nước và khí phách anh hùng của tuổi trẻ Việt Nam. Là Mẹ Việt Nam Anh hùng Trần Thị Viết (Vĩnh Hưng) có 7 người con hy sinh - hình ảnh của bao Mẹ Việt Nam Anh hùng cống hiến những người con “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.

Và còn biết bao tên đất, tên người đi vào lịch sử. Đó là những bông hoa bất tử trong thời đại Hồ Chí Minh mãi trường tồn trong lịch sử hào hùng của địa phương, dân tộc./.

(Còn tiếp)
Nguyễn Tấn Quốc

 

Bài 2: Truyền thống đấu tranh và đánh giặc kiên cường

 

Chia sẻ bài viết