Tiếng Việt | English

25/01/2016 - 09:59

Một kiếp tằm chưa nhả hết tơ...

Bài 2: NSƯT Ánh Hồng - Người có công ươm mầm...

NSƯT Ánh Hồng (được phong tặng danh hiệu 1993) là nghệ sĩ cải lương gắn bó nhiều nhất ở sân khấu tỉnh (Tây Ninh và Long An). Gốc ở Cà Mau, nhưng dừng chân ở Long An và nhiều năm qua chị gieo mầm ở đây và chọn Long An làm quê hương thứ 2 của mình.

NSƯT Hữu Lộc và NSƯT Ánh Hồng

Trong giới và khán giả cao niên, ai cũng biết chị là cô đào thương khả ái. Tên tuổi nữ diễn viên tài sắc Ánh Hồng bắt đầu rực sáng từ những năm đầu của thập niên 60 ở nhiều đại bang cải lương và chị đã ghi lại dấu chấm phá bằng chiếc Huy chương Vàng trong hệ thống Giải Thanh Tâm (1962). Các vai diễn của chị nổi bật thời đó trên sân khấu Hương Mùa Thu như: Quận chúa trong vở Người đàn bà dưới ánh trăng, Liên trong Người anh khác mẹ của soạn giả Thu An...

Sau ngày giải phóng (1975), chị về hát đào chánh cho Đoàn Cải lương Tây Ninh hơn 10 năm và đã góp mặt trong hàng chục vở diễn. Chị có làn hơi trầm của giọng “thổ lai” ít giống ai, nhưng tài ca diễn cùng lúc thì ít ai quên chị, hẳn nhiều khán giả thời ấy ở Tây Ninh đến bây giờ vẫn còn mến mộ chị. Đặc biệt là vai bà ngoại trong vở Người trong cõi nhớ, vai này, chị đoạt Huy chương Vàng tại Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 1985. Sau đó, chị về Đoàn Cải lương Long An (1987).

Chị tâm sự, nhiều lần trưởng đoàn hoặc đạo diễn phân cho chị vai đào thương chánh nhưng chị xin từ chối, với lý do nhường lại cho các cô đào trẻ để họ có điều kiện phát triển tài năng. Vì thế, hơn 10 năm trên Sân khấu Long An, chị đã để lại dấu ấn sâu đậm bằng những vai mụ mùi rất thành công.

Một bà Đại Phát trong Hãy yêu nhau thật lòng của Kha Tuấn - Hữu Lộc (Huy chương Vàng - Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 1990), Sáu Hà trong vở Chỉ còn là kỷ niệm của Kha Tuấn - Hữu Lộc (Giải đặc biệt - Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 1995) và nhiều vai bà mẹ, bà ngoại khác cũng khá ấn tượng. Do tình trạng sức khỏe, không thể theo đoàn ngày đêm lưu diễn vùng sâu, vùng xa  nên chị được chuyển về Nhà Văn hóa tỉnh làm công tác đào tạo (1998).

Năm 2002, phía Nam tổ chức Liên hoan sân khấu chuyên nghiệp khu vực Nam bộ, Đoàn cải lương Tây Ninh mời chị cộng tác. Vì “tình xưa nghĩa cũ” với Tây Ninh, chị nhận vai Má Tám trong Nỗi đau không tên và vai này giúp chị đoạt Huy chương Bạc.

Từ năm 1998 - 2009, chị đào tạo khoảng 100 môn đệ. Nhiều học trò của chị đã thử sức qua các cuộc thi giọng ca cải lương, liên hoan đờn ca tài tử. Chị bổ sung kinh nghiệm, kỹ thuật ca ngâm cho những giọng ca trẻ đoạt Huy chương Vàng cấp khu vực, quốc gia như: Kim Thanh, Minh Vương, Hồ Văn Tài, Hồ Ngọc Trinh..., bé Cẩm Vân (10 tuổi) đoạt Giải đặc biệt liên hoan đờn ca tài tử huyện Bến Lức năm 2005.

Chị dạy lớp thiếu nhi của Nhà Văn hóa Thiếu nhi tỉnh Long An, các em ca diễn tương đối khá, được Đài Truyền hình VTV3 thu và phát hình chương trình của lớp này mấy lần. 

Những năm gần đây, NSƯT Ánh Hồng lại phụ tá cho NSƯT Hữu Lộc thị phạm cho nhiều thí sinh về kỹ thuật ca ngâm, tâm lý biểu diễn ở những vòng chung kết Chuông vàng vọng cổ của Đài Truyền hình TP.HCM.

Thỉnh thoảng, chị còn được một số tỉnh mời làm giám khảo trong những hội thi, liên hoan chương trình cải lương. Hiện chị đang làm giám khảo cho chương trình Hạt ngọt mùa vàng, giải thưởng giọng ca cải lương của Đồng bằng sông Cửu Long.

NSƯT Hữu Lộc và NSƯT Ánh Hồng, đến nay tuổi đời đang bước vào “cổ lai hy”, nhưng “lửa” nghề vẫn còn cháy bỏng, phải chăng anh, chị nghỉ hưu nhưng chẳng nghỉ nghề, và như một kiếp con tằm phải nhả cho đời đến những đường tơ cùng tận.../.

Đỗ Dũng

Chia sẻ bài viết