NSƯT Hữu Lộc và NSƯT Ánh Hồng
Là một trong những đôi vợ chồng nghệ sĩ cao niên trong giới cải lương hiện nay, nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Hữu Lộc và NSƯT Ánh Hồng hoạt động khá thường xuyên với nghề. Mặc dù cả hai được hưởng chế độ nghỉ hưu khá lâu, và lẽ ra phải được nghỉ ngơi lúc “về chiều” nhưng sau khi rời Đoàn Cải lương Long An, anh chị vẫn tiếp tục làm nghề ở nơi khác.
Trước khi đến với sân khấu cải lương chuyên nghiệp, anh Võ Phú Hữu (NSƯT Hữu Lộc) là một thanh niên chơi đờn ca tài tử khá sành điệu ở quê nhà (Thốt Nốt, Cần Thơ). Vốn biết đờn guitar phím lõm và đờn kìm, lại được tạo hóa ban tặng cho vóc dáng lý tưởng và giọng ca mùi mẫn nên anh nhanh chóng trở thành kép chánh lúc 18 tuổi trên các sân khấu: Hương Hoa, Trúc Giang, Tinh Hoa, Kiên Giang, Thanh Minh - Thanh Nga, Bạch Tuyết....
Sau năm 1975, nghệ sĩ Hữu Lộc về hát chánh cho Đoàn Cải lương Tây Ninh đúng 10 năm. Có lẽ, đỉnh cao của thời kỳ thanh xuân của anh là vai diễn ông già trồng cây (chánh lão mùi) trong Người trong cõi nhơ. Với vai này, anh đoạt Huy chương Bạc tại Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc 1985.
Cũng trong giai đoạn này, anh còn phụ trách chuyên môn, đào tạo các diễn viên trẻ tại chỗ, một số trở thành đào kép chánh như: NSƯT Kim Thoại (đang là Trưởng Đoàn Cải lương Tây Ninh), nghệ sĩ Thanh Thanh Mai (đang là Phó Đoàn Cải lương Tây Ninh), Thiện Lục, Vương Sang,...
Anh còn là nhạc công guitar phím lõm dự bị của đoàn, thay nhạc công chánh mỗi khi vắng mặt. Giữa năm 1985 anh được phân công làm Phó Trưởng Đoàn Cải lương Tây Ninh - chỉ đạo nghệ thuật.
Thời kỳ mà tài năng của nghệ sĩ Hữu Lộc chín rộ, đáng kể nhất là giai đoạn 1987 - 2004, anh về Sân khấu Long An với tư cách Phó đoàn rồi Trưởng đoàn chỉ đạo nghệ thuật. Một nghệ sĩ trầm tính nhưng với nghệ thuật, trái tim anh luôn cháy bỏng.
Trong bối cảnh chung (1990 - 1995), sân khấu cải lương phía Nam giảm sụt cả chất lẫn lượng thì sân khấu cải lương Long An cũng rệu rã. Sau khi tỉnh củng cố lại Đoàn cải lương Long An, anh về làm quyền Trưởng đoàn, năm sau lên Trưởng đoàn và bắt tay ngay công tác đào tạo lực lượng trẻ tại chỗ.
Nay, lực lượng này trở thành những diễn viên nòng cốt của đoàn như: Hồ Ngọc Trinh, Vương Tuấn, Vương Sang, Ngân Cường, Nguyên Tâm, Tấn Hùng (Phó trưởng đoàn), Kim Ngà, Huyền Châu, Hạ Vân,... Riêng Tuyết Ngân và Duy Thanh (2 Huy chương Vàng giải Trần Hữu Trang 2001) đã rời đoàn.
Từ một đơn vị cải lương vừa được củng cố, nghệ sĩ Hữu Lộc xây dựng một sân khấu chính quy nghiêm túc, mời các đạo diễn bậc nhất ở phía Nam về xây dựng vở diễn: NSND Huỳnh Nga, NSƯT Thành Trí, NSND Trần Ngọc Giàu, NSƯT Hoa Hạ, Lê Văn Tỉnh... nên phong cách của đoàn phong phú và màu sắc hơn.
Hữu Lộc có 2 sáng kiến mang ý nghĩa lớn: Một là đề xuất xin ngân sách tỉnh tài trợ cho đoàn biểu diễn trong tỉnh 170 suất/năm không doanh thu, phục vụ khán giả vùng sâu, vùng xa, vùng biên. Hai là đẩy mạnh hoạt động giao lưu trao đổi nghệ thuật với các tỉnh bạn nhằm tạo cho khán giả từng địa phương thưởng thức nhiều phong cách, gương mặt nghệ thuật và các đơn vị có dịp học hỏi cái hay lẫn nhau.
Nghệ sĩ Hữu Lộc còn trực tiếp dàn dựng cho đoàn trên 20 vở, trong đó, các vở ăn khách, sống lâu và chắp cánh cho nhiều diễn viên đoạt giải thưởng cao (Huy chương Vàng - Huy chương Bạc) như: Hoàng tử và tên ăn mày, Hãy yêu nhau thật lòng, Ánh sáng phù du, Giọt đắng, Người đánh rơi hạnh phúc, Sau cơn mê, Chỉ còn là kỷ niệm...
Hiện nay, anh là hội viên Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, Ủy viên Ban chấp hành Chi hội sân khấu Đồng bằng sông Cửu Long...
Từ khi NSƯT Hữu Lộc nghỉ hưu (2005), anh được Đài Truyền hình TP.HCM mời về làm phụ tá cho chương trình “Chuông vàng Vọng cổ”. Anh còn biên tập và dàn dựng nhiều vở cải lương cho Hãng phim Tây Đô. NSƯT Hữu Lộc nghỉ hưu nhưng không nghỉ nghề bao giờ, và như một kiếp tằm vẫn còn phải nhả tơ cho nghiệp tổ...
Nghệ sĩ Hữu Lộc nhận được 1 Huy chương Bạc, 1 Huy chương Vì sự nghiệp Văn hóa Nghệ thuật, 1 Huy chương Vì sự nghiệp Sân khấu và hàng chục bằng khen, giấy khen...
(còn tiếp)
Đỗ Dũng