Học sinh Trường THPT Đức Hòa tham quan di tích lịch sử
Di tích cách mạng - bài học lịch sử sinh động
Long An, vùng đất có nhiều di tích cách mạng kháng chiến phong phú, nơi lưu giữ tư liệu, thông tin giá trị về những sự kiện lịch sử quan trọng, đặc biệt là cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước của quân và dân ta.
Di tích lịch sử (DTLS) Căn cứ Xứ ủy và Ủy ban Hành chính - Kháng chiến Nam bộ tại xã Nhơn Hòa Lập, huyện Tân Thạnh là di tích Quốc gia và là niềm tự hào của Long An. Đây là nơi diễn ra những sự kiện lịch sử trọng đại của cách mạng miền Nam trong những năm đầu kháng chiến chống thực dân Pháp - nơi ghi dấu những chiến công oanh liệt của quân và dân Nam bộ.
Khu DTLS Căn cứ Xứ ủy và Ủy ban Hành chính - Kháng chiến Nam bộ được khánh thành và đưa vào sử dụng vào ngày 19/8/2017, thu hút nhiều đoàn khách tham quan với đủ mọi lứa tuổi, đặc biệt là đoàn viên thanh niên đến tìm hiểu về một căn cứ bưng biền huyền thoại - nơi ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử quan trọng trong những năm kháng chiến chống Pháp.
Em Lê Thị Yến Nhi, lớp 10A5, Trường THCS-THPT Hậu Thạnh Đông, huyện Tân Thạnh cho biết: “Nhà gần Khu di tích nên em và các bạn cũng thường đến đây tham quan, tìm hiểu về địa điểm lịch sử nổi tiếng này. Em cảm thấy tự hào về nơi mình sinh ra và lớn lên có một DTLS cấp Quốc gia, nơi thế hệ cha anh trải qua những ngày tháng gian lao nhưng vô cùng vẻ vang để giành độc lập dân tộc.”
Bí thư Huyện đoàn Tân Thạnh - Tô Thành Quốc cho biết: “Việc đầu tư xây dựng khu DTLS Căn cứ Xứ ủy và Ủy ban Hành chính - Kháng chiến Nam bộ góp phần giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ. Qua đó, các bạn trẻ thấy được trách nhiệm của mình đối với đất nước.”
Học sinh tham quan DTLS Bia chiến thắng Miễu Bà Cố (huyện Châu Thành)
Cùng với Căn cứ Xứ ủy và Ủy ban Kháng chiến Hành chánh Nam bộ, nhiều địa danh, DTLS liên quan đến những năm chiến tranh cũng được các bạn đoàn viên thanh niên chọn để làm nơi tổ chức các hoạt động về nguồn, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ: Khu DTLS Cách mạng tỉnh (huyện Đức Huệ); Khu DTLS Nhà Tổng Thận và Công viên Tượng đài Long An “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc” (TP.Tân An); Khu di tích Ngã tư Đức Hòa (huyện Đức Hòa), DTLS Ngã tư Rạch Kiến (huyện Cần Đước), Khu DTLS Vàm Nhựt Tảo (huyện Tân Trụ), DTLS Bia chiến thắng Miễu Bà Cố (huyện Châu Thành), Khu lưu niệm Luật sư Nguyễn Hữu Thọ (huyện Bến Lức),…
Bí thư Đoàn Trường THPT Đức Hòa – Đỗ Thị Liêm Chính cho biết: “Hằng năm, Trường THPT Đức Hòa thường tổ chức cho học sinh tham quan các địa danh, DTLS. Khu di tích Ngã Tư Đức Hòa và Tượng đài đồng chí Võ Văn Tần, Khu DTLS Cách mạng tỉnh (huyện Đức Huệ),… là những địa điểm được chọn cho các em tham quan, tìm hiểu về lịch sử cách mạng của quê hương. Mỗi lần đến các địa danh lịch sử này, các em học sinh có dịp hiểu thêm về không khí sục sôi cách mạng thuở trước, bồi đắp lý tưởng, niềm tin và trách nhiệm với đất nước…”.
Quan tâm bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử
Trong những năm gần đây, việc gìn giữ, chăm sóc các DTLS trên địa bàn tỉnh luôn được quan tâm, chú trọng. Điều đó giúp thế hệ trẻ thêm tự hào và am hiểu về lịch sử địa phương, có ý thức bảo vệ, gìn giữ những DTLS của quê hương mình.
Toàn tỉnh hiện có 109 DTLS - văn hóa, trong đó có 20 di tích quốc gia và 89 di tích cấp tỉnh. Nhằm nâng cao trách nhiệm, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực khai thác và phát huy giá trị di tích, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch bàn giao 18 di tích quốc gia, 84 di tích cấp tỉnh cho huyện quản lý, bảo dưỡng. Từ năm 1998 đến nay, thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (Khóa VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, nhiều di tích được trùng tu, phục hồi, tôn tạo bằng nguồn kinh phí từ chương trình mục tiêu quốc gia chống xuống cấp di tích của Trung ương và ngân sách tỉnh. |
Đối với di tích quốc gia, các di tích được chú trọng đầu tư: DTLS Ngã tư Đức Hòa; Khu DTLS Cách mạng tỉnh Long An; DTLS Vàm Nhựt Tảo; di tích Vành đai diệt Mỹ Rạch Kiến; Khu lưu niệm Luật sư Nguyễn Hữu Thọ,... Đặc biệt là 2 công trình trọng điểm của Đại hội Đảng bộ tỉnh Long An lần IX: Di tích Căn cứ Xứ ủy - Ủy ban Kháng chiến Hành chánh Nam bộ và Khu DTLS Cách mạng tỉnh Long An.
Các di tích quốc gia khác: Lăng Nguyễn Huỳnh Đức (TP.Tân An), Chùa Tôn Thạnh (huyện Cần Giuộc), Nhà và lò gạch Võ Công Tồn (huyện Bến Lức),…đều được đầu tư kinh phí để trùng tu, chống xuống cấp và phục hồi một số hạng mục.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ - Trương Hòa Bình cùng lãnh đạo tỉnh Long An tham quan DTLS Cách mạng tỉnh trong ngày khánh thành
Đối với di tích cấp tỉnh, hầu hết DTLS cách mạng đều được đầu tư kinh phí để xây dựng các công trình tôn tạo: Bia, đài kỷ niêm…trên cơ sở thực hiện nghiêm túc quy chế bảo quản, tu bổ và phục hồi DTLS văn hóa và danh lam thắng cảnh, đồng thời tôn trọng tính nguyên gốc, không để xảy ra hiện tượng “làm mới” di tích mà rất nhiều nơi trong nước mắc phải trong thời gian qua.”
Song song với công tác trùng tu, tôn tạo, việc phát huy tác dụng di tích cũng được Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch chú trọng bằng nhiều biện pháp tuyên truyền, quảng bá, phối hợp các cơ quan chuyên môn kết nối, đưa di tích vào các tuyến du lịch trong dự án phát triển du lịch của tỉnh. Nhiều DTLS trở thành nơi “về nguồn” của thanh thiếu niên, học sinh trong và ngoài tỉnh.
Di tích Căn cứ Xứ ủy - Ủy ban Kháng chiến Hành chánh Nam bộ vừa được khánh thành vào tháng 8/2017
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh – Nguyễn Thành Thanh thông tin: “Việc khai thác những di tích, địa danh lịch sử để giáo dục lòng yêu nước cho thanh, thiếu niên là một cách làm hiệu quả, vừa có tính thuyết phục cao, vừa thể hiện sự trân trọng những giá trị lịch sử của cha ông. Trong thời gian tới, Sở tiếp tục phối hợp các đơn vị liên quan thường xuyên bảo tồn, bổ sung tư liệu, hoàn thiện phương án trưng bày nhằm phát huy tối đa giá trị của các DTLS.”
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Dân ta phải biết sử ta/Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Quả thật, các DTLS là nơi khắc ghi dấu ấn của những người đi trước, là minh chứng nơi máu xương bao thế hệ cha anh ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Thế hệ hôm nay cần phải hiểu rõ về địa phương, vùng đất nơi ta đang sinh sống, từ đó, góp phần bồi dưỡng lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, phấn đấu rèn luyện bản thân xây dựng quê hương.
“Thời gian qua, công tác giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của tổ chức Đoàn Thanh niên trong tỉnh. Đặc biệt, thực hiện Chỉ thị 78 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2015-2030”, các cấp bộ đoàn tập trung tham mưu với cấp ủy, phối hợp các ngành tạo điều kiện thực hiện nhiều mô hình thiết thực. Cụ thể, Hội đồng đội tỉnh thực hiện công trình giáo dục truyền thống lịch sử và tiểu sử các vị anh hùng. Huyện Đức Hòa có công trình tạc tượng và bia ghi danh anh hùng cho 100% trường học mang tên. Cần Đước, Cần Giuộc có mô hình giáo dục truyền thống tại “địa chỉ đỏ”, giao lưu cùng nhân chứng lịch sử,…”./.
Phó Bí thư Tỉnh đoàn – Lê Thị Cẩm Tú
|
Phạm Ngân - Thanh Hiểu