Vì ở vị trí đắc địa, nằm bên Quốc lộ 62, ngay cửa ngõ Đồng Tháp Mười nên chợ chim hầu như lúc nào cũng đông đúc người mua, kẻ bán
Chim trời thành… mồi nhậu!
“Chợ chim trời lớn nhất miền Tây” nằm bên Quốc lộ 62, thuộc địa phận huyện Thạnh Hóa. Ban đầu, đây chỉ là khu vực bán hàng nông sản tự phát của người dân 2 bên Quốc lộ 62: Khoai tím, khóm, đậu phộng,... Đó cũng là một nét hay khi du khách muốn thưởng thức những sản vật đồng quê khi đến Long An. Nhằm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, chính quyền địa phương vận động người buôn bán tập trung lại, hình thành chợ nông sản tạm thời.
Sau thời gian hoạt động, chợ nông sản bắt đầu biến tướng khi không chỉ có nông sản mà cả động vật, chim rừng cũng được bày bán tại đây với số lượng ngày càng nhiều. Đến nay, gần 50% gian hàng tại đây buôn bán động vật hoang dã: Rắn, rùa, chim rừng,... Cũng từ đó, chợ nông sản Thạnh Hóa được biết đến với tên gọi “chợ chim trời rừng lớn nhất miền Tây”.
Hình ảnh chim trời bị vặt sạch lông hoặc cột thành từng chùm treo lủng lẳng không còn xa lạ ở chợ chim này. Tại đó, các “thượng đế” hầu như muốn tìm gì cũng có, từ rắn, rùa đến chim, chuột các loại với đủ mức giá khác nhau. Thuận mua, vừa bán, người bán sẵn sàng làm thịt chim ngay tại chỗ, dùng máy khò thui sơ rồi gói cẩn thận cho khách. Từ le le, cò trắng, chim quốc, chim sẻ đến chim trích, gà sao,... tất cả đều có mặt tại chợ chim, chờ đến lượt mình,... “lên dĩa”.
Đó là không kể các loài nằm trong Sách Đỏ như giang sen, cò nhạn, thậm chí là trong danh mục “Loài nguy cấp, quý, hiếm, được ưu tiên bảo vệ”: Giang sen, culi,... nếu thực khách muốn, chỉ cần báo trước, cũng sẽ được đáp ứng, và tất nhiên, giao dịch phải “âm thầm”. Với vai trò là kỹ sư tại Khu Ramsar Láng Sen, anh Nguyễn Linh Em không ít lần ngậm ngùi nhìn giang sen bị bẫy hoặc đánh thuốc bên ngoài khu bảo tồn mà không thể làm được gì!
Anh nói: “Ban ngày, chim bay đi ăn, ban đêm quay về tổ trong khu Ramsar. Người dân đặt bẫy đánh bắt bên ngoài khu bảo tồn thì mình không thể làm gì được, chỉ có thể tuyên truyền, vận động thôi. Nhiều lúc, chim ăn phải thuốc rồi bay về chết trong khu bảo tồn...”.
Vì ở vị trí đắc địa, nằm bên Quốc lộ 62, ngay cửa ngõ Đồng Tháp Mười nên chợ chim hầu như lúc nào cũng đông đúc người mua, kẻ bán. Xe ôtô, xe máy biển số khắp các tỉnh đều có mặt ở đây. Thực khách săm soi, chọn lựa, mặc cả. Người bán khẳng định chắc nịch “tất cả đều là chim rừng!”. Đó là một khẳng định hết sức “có lý” và đáng tin cậy vì ngay cạnh khu chợ chim là những cánh rừng tràm nối nhau bạt ngàn đến tận khu Ramsar!
Đứng cạnh bìa rừng, cứ ngỡ chỉ một cái nhún chân, sải cánh là tất cả những chú chim trời có thể thỏa sức tung hoành giữa mênh mông rừng tràm. Nhưng thực ra thì không, tất cả đều đang xếp hàng chờ trở thành... mồi nhậu!
Nhìn những hình ảnh này, du khách hoàn toàn có cơ sở đặt ra câu hỏi: Chúng ta đang bảo tồn hay buôn bán?
Du khách quay lưng
Với thực trạng như vậy, chợ chim Thạnh Hóa thực sự trở thành rào cản đối với việc phát triển DLST. Tìm đến với DLST là du khách muốn về với thiên nhiên. Họ thường là những du khách có ý thức rất cao về tầm quan trọng của thiên nhiên hoang dã cũng như bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường. Và chợ chim Thạnh Hóa tồn tại ngay vị trí cửa ngõ về Đồng Tháp Mười nói chung, khu Ramsar nói riêng như một sự phủ nhận, đạp đổ mọi nỗ lực bảo tồn sinh thái mà chúng ta đang cố công xây dựng và phát triển.
Chợ chim Thạnh Hóa, dù nguồn gốc chim trời từ nhiều tỉnh, thành khác, thậm chí từ nước bạn Campuchia nhập sang nhưng việc săn bắt chim tại chỗ là không thể tránh khỏi. Và về lâu dài, việc hủy hoại thiên nhiên cũng như nguy cơ phát sinh dịch bệnh là điều tất yếu! Chính vì vậy, khá nhiều công ty du lịch tỏ ra ngán ngại khi xây dựng tour có đường đi ngang qua chợ chim trời ở Thạnh Hóa.
Ông Nguyễn Văn Mỹ (Chủ tịch Lửa Việt Tours, Giám đốc Cty Tư vấn - Dịch vụ và Phát triển du lịch CBT) khẳng định: “Còn chợ chim Thạnh Hóa thì Long An không thể phát triển du lịch, có làm cũng bị tẩy chay!”. Giải thích cho nhận định của mình, ông Mỹ dẫn chứng, nhiều công ty du lịch chấp nhận đi xa hơn chứ không dám cho xe chạy ngang chợ chim Thạnh Hóa vì không muốn du khách thấy cảnh nhiều loài chim hoang dã bị vặt trụi lông, treo lủng lẳng”.
Đồng ý kiến với ông Mỹ, Giám đốc Công ty Du lịch Bông Lúa Vàng - Nguyễn Thị Cẩm Tú nhận xét: “Còn chợ chim ở đó thì DLST rất khó phát triển vì du khách sẽ nhận thấy rằng, chúng ta làm du lịch nhưng không tôn trọng văn hóa du lịch. Và du khách hoàn toàn có cơ sở đặt ra câu hỏi: Chúng ta đang bảo tồn hay buôn bán?”.
Nhóm du khách hướng tới khi xây dựng DLST chính là du khách nước ngoài và những người muốn tìm về với thiên nhiên. Họ là những người có ý thức cao về bảo vệ môi trường, thiên nhiên. Khi họ nhìn thấy chính người dân địa phương cũng không tôn trọng và bảo tồn những giá trị thiên nhiên sẵn có thì họ đến để làm gì? Những “ác cảm” đó sẽ là rào cản vô hình cho DLST nói chung của tỉnh và Khu Ramsar Láng Sen nói riêng.
Anh Nguyễn Thanh Liêm - hướng dẫn viên du lịch Công ty Viettravel, đặt câu hỏi: “Tôi từng hướng dẫn khách đến nhiều khu DLST ở các tỉnh khác: Tràm Chim, U Minh,... nhưng không nơi nào tồn tại một địa điểm như chợ chim tại Thạnh Hóa?”. Và đó cũng là vấn đề mà các cơ quan chức năng đang tìm lời giải!
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
- Chợ nông sản Thạnh Hóa hiện có 50 hộ kinh doanh, trong đó có 20 hộ mua bán các loài gia cầm và động vật hoang dã thông thường.
- Từ năm 2014-2017, lực lượng kiểm lâm phối hợp công an tiến hành kiểm tra 298 đợt, tịch thu gần 600kg (tương đương hơn 5.500 con) động vật rừng thông thường, thả về môi trường tự nhiên.
- Năm 2015, lực lượng kiểm lâm kiểm tra, bắt giữ 2 vụ vi phạm, tang vật gồm 4 cá thể culi (loài nguy cấp, quý, hiếm)./.
|
Phương Phương
(còn tiếp)