Vợ chồng ông Đặng Tấn Lộc, bà Võ Thị Sáu vui với việc chăm sóc cháu gái nhỏ. Niềm vui của ông bà là nghe giọng nói ríu rít của cháu gọi vang “ngoại ơi, ngoại ơi”
Hơn 1 tháng qua, vợ chồng ông Đặng Tấn Lộc và bà Võ Thị Sáu (ấp Phước Thuận, xã Phước Lâm, huyện Cần Giuộc) gần như không ra khỏi nhà. Thông tin về dịch bệnh khiến vợ chồng ông thận trọng hơn. Những cuộc gặp gỡ, cà phê sáng cũng hạn chế ở mức thấp nhất.
“Ngoại ơi, ngoại ơi”
Mỗi sáng, ông bà dậy thật sớm, tập vài bài thể dục tại chỗ, sau đó pha một bình trà nóng, ngồi với nhau chia sẻ những câu chuyện vui, buồn. Khi đứa cháu ngoại trong phòng trở dậy, bà vội vàng vào với cháu. Niềm vui của ông bà bây giờ là cô cháu gái nhỏ vừa tròn 4 tuổi. Quấn quýt với ông bà từ nhỏ cho cha mẹ có thời gian đi làm nên cháu rất mến ông bà ngoại. Mọi việc chăm sóc cháu từ bữa ăn, giấc ngủ, đưa đón đến trường đều do ông bà đảm nhiệm. Niềm vui những ngày xế bóng của ông Lộc và bà Sáu là nghe tiếng trẻ con ngọng nghịu gọi “ngoại ơi, ngoại ơi”. Ông Lộc kể về cháu gái với khuôn mặt rạng rỡ niềm vui. Dẫu biết chăm sóc cháu khiến ông bà vất vả hơn nhưng cứ hễ “nó mà về nội chơi vài ngày là ở đây nhớ”.
Ông Lộc và bà Sáu có 5 người con, 3 trai, 2 gái, giờ các con đều đã trưởng thành, có gia đình và sự nghiệp riêng. Ông bà sống cạnh nhà người con gái út và giúp con chăm sóc cháu ngoại. Ông Lộc chia sẻ, bản thân ông cũng muốn được gần con cháu, sống cuộc sống sum vầy nhưng các con đều có chí hướng riêng nên ông không muốn “cản bước” con. Cuối tuần, khi con cháu tụ họp về là thời điểm vui nhất với ông bà. Tiếng cười đùa của “bầy trẻ” vang vọng khắp nhà.
Ngày thường, khi con, cháu không ở cạnh, ông bà tìm niềm vui với những công việc lặt vặt quanh nhà và cô cháu gái. Ông bà còn nhắc nhau giữ gìn sức khỏe. Theo ông bà, đó là cách yêu thương con thiết thực nhất. Ông Lộc kể: “Sữa với bánh mấy đứa nhỏ mua để sẵn trong nhà, hết là tự động mua thêm. Tôi với bà xã nhắc nhau làm gì cũng đừng làm quá sức. Ở độ tuổi này, quan trọng là sống vui, sống khỏe với con cháu. Mình khỏe mạnh, vui vẻ, con cháu mới an tâm làm việc. Giờ vợ chồng tôi còn khỏe nên chăm sóc cháu nhỏ. Có con bé ra vô ríu rít cũng vui”.
“Không có tời gian để buồn”
Hơn 1 năm trước, bà Nguyễn Thị Kim Cương (giáo viên về hưu ở xã Dương Xuân Hội, huyện Châu Thành) bị tai biến mạch máu não. Căn bệnh bất ngờ khiến bà nằm trên giường bệnh một thời gian dài. Con trai nghỉ việc ở nhà chăm sóc mẹ nên cuộc sống gia đình gặp không ít khó khăn. Biết được hoàn cảnh gia đình bà Kim Cương, Chủ tịch Hội Cựu giáo chức xã Dương Xuân Hội - Võ Thị Lý thường xuyên đến thăm hỏi, động viên, tặng quà, phối hợp địa phương vận động xây nhà tình thương cho bà Kim Cương. Sau thời gian dài kiên trì điều trị, bà Kim Cương dần hồi phục, cuộc sống ổn định hơn. Thỉnh thoảng bà Lý vẫn đến thăm, tặng quà cho người hội viên còn vất vả của mình.
Cũng đã bước sang tuổi xế chiều nhưng bà Lý vẫn rất năng nổ với công tác hội và hoạt động phong trào tại địa phương. Với vai trò Chủ tịch Hội Cựu giáo chức xã Dương Xuân Hội, bà Lý luôn quan tâm đến sức khỏe, đời sống của hội viên. Khi thấy có bất kỳ hội viên nào gặp khó khăn, bà đều quan tâm, động viên, giúp đỡ. Một chút quà nhỏ, đôi chuyến viếng thăm hay lời hỏi thăm sức khỏe cũng đủ làm ấm lòng những thầy, cô giáo về hưu.
Hoạt động hội hạn chế về kinh phí nên các phong trào đều trên tinh thần tự nguyện đóng góp của hội viên. Khi vị trí chủ tịch hội còn có thù lao hàng tháng, bà Lý trích hẳn tiền thù lao vài tháng góp vào quỹ hội làm kinh phí hoạt động. Bà còn thành lập Câu lạc bộ Thuốc và sức khỏe để chia sẻ những bài thuốc hay, tăng cường sức khỏe cho người cao tuổi. Bà Lý kể: “Các bài thuốc do tôi sưu tầm từ tạp chí Thuốc và Sức khỏe, sau đó photo lại tặng cho hội viên. Điều quan trọng nhất với người lớn tuổi là giữ sức khỏe tốt và tinh thần thoải mái để sống vui cùng con cháu”.
Bà Lý hầu như “không có thời gian để buồn” mặc dù bà đang sống một mình. Tất cả thời gian bà đều dành cho công tác hội và các hoạt động phong trào ở xã. Có khả năng về văn chương, bà tham gia sáng tác, dàn dựng tiểu phẩm dự thi, tham gia phong trào tại địa phương. Nhiều ca khúc, tác phẩm do bà sáng tác đoạt giải cao cấp tỉnh. Mới đây, bà còn sáng tạo dụng cụ vuốt tai thanh long giúp hạn chế tiếp xúc thuốc, bảo vệ sức khỏe người lao động và đoạt giải trong Hội thi Sáng tạo nhà nông năm 2019.
Mỗi người một hoàn cảnh khác nhau thì sẽ có cách tìm niềm vui khác nhau. Với người lớn tuổi, điều quan trọng nhất là giữ tinh thần thoải mái để sống vui, sống khỏe./.
Phương Phương